Quan hệ Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (gọi tắt là Anh) từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 11/9/1973 đến nay đã đạt nhiều bước phát triển đáng ghi nhận, đi vào thực chất, đặc biệt là sau khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2010 với bảy lĩnh vực hợp tác là chính trị-ngoại giao, các vấn đề toàn cầu và khu vực, thương mại và đầu tư, hợp tác phát triển, giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ, an ninh - quốc phòng và giao lưu nhân dân.
Trong những năm qua, hai bên đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao, nổi bật trong những năm gần đây là chuyến thăm Anh của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng vào tháng 12/2011; của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 1/2013; của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vào tháng 4/2014.
Về phía Anh thăm Việt Nam có Công tước Xứ York - Hoàng tử Andrew thăm vào các năm 1999, 2006, 2008, 2009, 2010 và 2013; gần đây có Bộ trưởng Ngoại giao Anh William Hague vào tháng 2/2012, Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair vào các năm 2012, 2013, tháng 7/2014 và tháng 10/2014.
Trong chuyến thăm chính thức Anh vào tháng 3/2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Anh Gordon Brown đã ra Tuyên bố chung khẳng định thúc đẩy quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, hiệu quả và ổn định theo hướng “Quan hệ Đối tác vì sự phát triển.”
Trong hợp tác kinh tế, Anh đã ủng hộ Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới. Anh là đối tác hàng đầu của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU). Quan hệ thương mại hai nước tăng nhanh từ những năm 1990 đến nay.
Trong những năm gần đây, xuất khẩu của Việt Nam sang Anh tăng trung bình 20% một năm, trong đó Việt Nam liên tục xuất siêu. Những mặt hàng xuất chủ yếu là hải sản, rau quả, hạt điều, càphê, chè, hạt tiêu, sản phẩm chất dẻo, cao su, túi xách, ví, sản phẩm mây tre, cói thảm, sản phẩm gỗ, hàng dệt mau, giày dép, thiếc, máy vi tính và linh kiện điện tử. Thương mại hai chiều năm 2014 đạt gần 4,5 tỷ USD.
Hiện Anh có hàng trăm văn phòng đại diện thương mại thường trú và chi nhánh kinh doanh tại Việt Nam. Từ năm 1998, Anh thành lập Hiệp hội doanh nghiệp Anh tại Việt Nam (BBGV) nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế với Việt Nam và các hoạt động từ thiện tại Việt Nam.
Hai nước đã ký thỏa thuận thành lập Ủy ban hỗn hợp về Kinh tế và Thương mại (JETCO) nhằm đề ra các biện pháp thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư song phương. Các phiên họp diễn ra luân phiên tại Hà Nội và London và đến nay đã trải qua bảy phiên họp.
Năm 2011, Anh tuyên bố thành lập Hội đồng Kinh doanh Anh-ASEAN nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại giữa Anh với các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Các công ty Anh vào Việt Nam từ những năm 1988-1989 nhưng thời gian đầu chủ yếu tập trung vào lĩnh vực dầu khí với 70% tổng đầu tư. Hiện nay, đầu tư của Anh đã mở rộng ra nhiều lĩnh vực mới như ngân hàng, tài chính, công nghiệp chế tạo, dịch vụ, may mặc...
Nhìn chung các dự án đầu tư của Anh có quy mô vừa và nhỏ, tập trung vào các lĩnh vực khai khoáng, công nghiệp chế biến, chế tạo với 55 dự án, kinh doanh bất động sản, ngân hàng, dịch vụ tài chính và bảo hiểm.
Tính đến hết tháng 6/2015, Anh có 206 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký là 3,195 tỷ USD, đứng thứ 16/103 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Ngoài ra, các công ty Anh thuộc British Virgin Island đã đầu tư vào Việt Nam với số vốn khoảng 15 tỷ USD.
Hai bên đã ra Tuyên bố chung về phát triển mô hình Hợp tác Công-Tư (PPP) tại Việt Nam và ký Bản ghi nhớ về thỏa thuận hợp tác PPP.
Các công ty lớn của Anh có mặt tại Việt Nam có thể kể tới như Công ty dầu khí BP, nhôm BHP Billiton, động cơ máy bay Rolls-Royce, viễn thông Vodafone, vận tải P&O, hóa chất dược GlaxoSmithKline, các ngân hàng HSBC, Standard Chartered, bảo hiểm Prudential. Ngân hàng HSBC, Standard Chartered là hai ngân hàng 100% vốn nước ngoài đầu tiên được thành lập ở Việt Nam.
Về đầu tư của Việt Nam sang Anh, tính đến nay Việt Nam có 11 dự án với tổng vốn đầu tư là 10,8 triệu USD. Việt Nam đầu tư sang Anh trong các lĩnh vực như kinh doanh du lịch, nhà hàng, ăn uống, dịch vụ thể thao, mỹ thuật phòng tranh.
Trong lĩnh vực hợp tác phát triển, ngay từ năm 1994, Chính phủ Anh bắt đầu chính thức cung cấp ODA cho Việt Nam. Sau khi hai nước ký Thỏa thuận về Quan hệ đối tác phát triển giai đoạn 2006-2015, Chính phủ Anh viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam 250 triệu bảng Anh trong giai đoạn 2006-2010, bình quân 50 triệu bảng Anh/năm, với khoảng 70% ngân sách hỗ trợ cho các chương trình liên quan đến giảm nghèo của Việt Nam. Phần còn lại dành cho các lĩnh vực giáo dục, y tế, nước sạch và vệ sinh nông thôn, phòng chống tham nhũng.
Vào năm 2011, hai bên đã ký Văn bản điều chỉnh bổ sung Thỏa thuận Đối tác phát triển Việt Nam-Anh giai đoạn 2011-2016. Theo đó, Anh cam kết viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam 70 triệu bảng Anh giai đoạn 2011-2015. Viện trợ của Anh được ưu tiên tập trung hỗ trợ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu Thiên niên kỷ và Giáo dục tiểu học, HIV/AIDS; kết hợp các chương trình vệ sinh môi trường, tăng trưởng có lợi cho các đối tượng, quản trị nhà nước và biến đổi khí hậu...
Trong những năm qua, hợp tác giữa Việt Nam và Anh trong lĩnh vực giáo dục đào tạo phát triển tích cực. Hằng năm, Chính phủ Anh dành từ 25-30 suất học bổng cho sinh viên Việt Nam. Hiện có khoảng 11.000 học sinh, sinh viên Việt Nam đang theo học tại các trường của Anh và có 32 chương trình liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục Việt Nam và Anh.
Kể từ sau chuyến thăm Anh của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào năm 2008, hai bên đã có nhiều chuyển biến tích cực trong hợp tác khoa học công nghệ. Năm 2013, Bộ Khoa học và Công nghệ và Đại sứ quán Anh tại Hà Nội đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình. Trong khuôn khổ hợp tác này, Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân và Đại sứ quán Anh đã ký hai bản thỏa thuận tài trợ cấp kinh phí để triển khai các hoạt động hợp tác trong giai đoạn 2013-2014 và giai đoạn 2014-2015.
Tháng Sáu vừa qua, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân và Đại sứ Anh tại Hà Nội đã ký Bản ghi nhớ giữa Chính phủ hai nước về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo (Chương trình Newton Việt Nam). Mục tiêu của Chương trình này là dùng nghiên cứu và đổi mới thúc đẩy phát triển kinh tế và an sinh xã hội ở Việt Nam. Theo đó, Anh sẽ hỗ trợ Việt Nam 10 triệu Bảng Anh cho giai đoạn từ nay đến năm 2019.
Khách du lịch Anh vào Việt Nam tăng mạnh trong những năm gần đây, từ 70.000 người năm 2004 lên hơn 202.000 người năm 2014.
Hiện nay cộng đồng người Việt Nam tại Anh có khoảng hơn 40.000 người, nhìn chung cộng đồng sống hòa nhập và ổn định.
Chuyến thăm của Thủ tướng Liên hiệp Vương Quốc Anh và Bắc Ireland David Cameron là chuyến thăm lần đầu tiên của Thủ tướng Anh tới Việt Nam. Cùng tham dự chuyến thăm của Thủ tướng David Cameron còn có khoảng 30 doanh nghiệp chủ yếu thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ, cơ sở hạ tầng.
Chuyến thăm của Thủ tướng Anh nhằm trao đổi các biện pháp, phương hướng làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Anh; thúc đẩy các thế mạnh và tiềm năng hợp tác giữa hai nước, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, khoa học công nghệ hiện đại, tài chính-ngân hàng, giáo dục - đào tạo, quốc phòng... Đồng thời hai bên sẽ trao đổi về việc tăng cường hợp tác và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn và tổ chức quốc tế.
Thủ tướng Anh David Cameron.
|