Làm thế nào để thu hút nguồn vốn FDI?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 6 tháng đầu năm 2022, nguồn vốn FDI vào Việt Nam đạt trên 14 tỷ USD. Điều này đã tác động tích cực đến phát triển cơ sở hạ tầng, chuyển giao công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất thời kỳ hậu Covid-19.

Tuy nhiên, việc thu hút vốn FDI vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Vậy làm thế nào để thu hút nguồn vốn FDI? Chúng tôi đã trao đổi với TS Nguyễn Thị Thanh Tâm - Viện Lãnh đạo và Chính sách công (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) về vấn đề này.

Nguồn vốn quan trọng của nền kinh tế

Bà có thể cho biết tầm quan trọng trong việc thu hút nguồn vốn FDI trong phát triển kinh tế đất nước ở giai đoạn hiện nay?

- Qua hơn 30 năm, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào hầu hết các ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân. Tính lũy kế đến ngày 31/12/2020, Việt Nam thu hút được 33.062 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đạt trên 386,233 tỷ USD. Điều này cho thấy thu hút nguồn vốn FDI đã và đang là vấn đề lớn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

TS Nguyễn Thị Thanh Tâm - Viện Lãnh đạo và Chính sách công (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh).
TS Nguyễn Thị Thanh Tâm - Viện Lãnh đạo và Chính sách công (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh).

Để đẩy mạnh việc thu hút vốn đầu tư FDI, ngày 20/8/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện cơ chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Trước hết, hiệu quả đầu tư kinh doanh của khu vực FDI thể hiện qua các chỉ tiêu như hiệu suất sinh lợi trên tài sản (ROA) và hiệu suất sinh lợi trên doanh thu thuần (ROS) đều cao hơn nhiều so với khu vực kinh tế được thực hiện bởi nguồn vốn trong nước.

Chính vì vậy FDI là nguồn vốn quan trọng của nền kinh tế, nó là động lực góp phần thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng, phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời tạo ra nhiều việc làm, bổ sung vốn, công nghệ, năng lực quản lý, khả năng kinh doanh. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, nguồn cung vốn hạn chế, các quốc gia trong đó có Việt Nam lại càng phải tranh thủ thu hút nguồn lực từ bên ngoài.

Phải chăng sau 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nguồn vốn FDI có xu hướng giảm cả về vốn đăng ký và dự án cấp mới, điều này khiến chúng ta phải tìm các giải pháp “khơi nguồn”?

- Chính xác, trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện Việt Nam là điểm đến của các nhà đầu tư. Vốn FDI thực hiện bình quân ở Việt Nam giai đoạn 2016 - 2019 chiếm trên 23% trong tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội. Tỷ trọng bình quân GDP của khu vực vốn FDI chiếm 19,8% trong tổng GDP của toàn bộ nền kinh tế; thu hút gần 5 triệu lao động; tạo ra lợi nhuận cao nhất khi chiếm trên 42% trong toàn bộ khu vực DN.

Năm 2020, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 28,53 tỷ USD, bằng 75% so với cùng kỳ năm 2019. Vốn thực hiện của dự án FDI là 19,98 tỷ USD, bằng 98% so với cùng kỳ năm 2019. Năm 2021 tình hình có sáng sủa hơn, vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Vốn đầu tư đăng ký mới và điều chỉnh đều tăng so với năm 2020, đặc biệt vốn điều chỉnh tăng 40,5%. Nhưng rõ ràng so với nhu cầu nguồn vốn phục hồi và phát triển kinh tế, chúng ta phải tìm các giải pháp khơi nguồn vốn FDI.

Trước khi bàn về các giải pháp thu hút đầu tư vốn FDI, bà có thể chia sẻ những bất cập trong việc thu hút đầu tư mà các địa phương cần tránh?

- Bất cứ nguồn vốn nào thì cũng phải tính đến hiệu quả đầu tư. Hiện nay còn nhiều địa phương vẫn còn dễ dãi trong việc chấp nhận khá nhiều dự án FDI quy mô nhỏ, không mang lại hiệu quả cho địa phương về tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách.

Làm thế nào để thu hút nguồn vốn FDI? - Ảnh 1

Một số địa phương còn có tình trạng cấp đất quá lớn cho dự án FDI mà không căn cứ vào quy hoạch của địa phương… Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi đầu tư cũng còn nhiều bất cập, vẫn chủ yếu dựa vào ưu đãi thuế, giá thuê đất, chi phí nguyên liệu trong khi chưa tương xứng với hiệu quả mà các dự án FDI mang lại.

Có 4 vấn đề mang tính chiến lược

Theo bà chúng ta cần những giải pháp, chính sách lớn nào để thu hút nguồn vốn đầu tư FDI?

- Để tranh thủ thu hút nguồn lực từ bên ngoài, tùy theo điều kiện của mỗi quốc gia, sẽ có các chiến lược khác nhau. Qua nghiên cứu, chúng tôi cho rằng: Đầu tiên, phải chú trọng đến những vấn đề liên quan đến môi trường đầu tư, cụ thể là: Tính công khai, minh bạch, ổn định, dễ dự báo về thể chế, chính sách và luật pháp; thực thi pháp luật nghiêm minh, thống nhất, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; thủ tục hành chính đơn giản, bảo đảm thời gian đã quy định. Đây là những điều kiện tiên quyết để các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới nhất là từ những nước phát triển như: Mỹ và khối EU luôn đặt làm điều kiện quyết định.

Thứ hai, cần chủ động xây dựng lĩnh vực ưu tiên đầu tư từ nguồn vốn FDI phù hợp với nhu cầu phát triển của các địa phương. Đối với các địa phương đã phát triển như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đang cần thu hút dự án công nghệ cao, công nghệ tương lai, dịch vụ hiện đại; Chú trọng đến việc đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia về thời gian đàm phán, ký thỏa thuận và triển khai thực hiện.

Thứ ba, các DN trong nước phải nỗ lực nâng cao năng lực về tất cả các mặt, từ công nghệ đến năng lực, trình độ của đội ngũ người lao động, quản lý, nhanh chóng bắt tay chuyển đổi số. Điều này giúp các DN FDI có các công ty phù trợ để đặt hàng và hỗ trợ hoàn thiện quy trình sản xuất đáp ứng yêu cầu của họ.

Thứ tư, Chính phủ và các địa phương cần rà soát lại việc sử dụng FDI hiện tại để có kế hoạch điều chỉnh, cơ cấu lại hợp lý. Ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược, tạo lập chuỗi sản xuất toàn cầu; ưu tiên DN công nghệ cao và chuyển giao công nghệ cho DN Việt Nam.

Trong quá trình tiếp cận các nhà đầu tư nước ngoài, điều gì khiến cho các DN nước ngoài còn băn khoăn khi đầu tư tại Việt Nam?

- Theo chúng tôi, Việt Nam cần giải quyết các vấn đề lớn còn tồn đọng, triển khai các biện pháp để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh; sở hữu trí tuệ được đảm bảo, bản quyền, thương quyền cải cách hành chính tạo điều kiện cho các DN châu Âu nói riêng và các DN có vốn FDI nói chung được cấp phép đầu tư.

Với tư cách là một trong những địa phương thu hút FDI khá lớn, Hà Nội nên ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng nào?

- Đa phần dự án FDI ở Việt Nam tập trung vào những lĩnh vực ít thân thiện với môi trường, có mức độ phát thải lớn, giá trị gia tăng thấp, thiếu những ngành công nghiệp mang tính nền tảng. Các dự án FDI chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị, chủ yếu là gia công, công nghiệp nhẹ, quy mô dự án trung bình và nhỏ.

Mặc dù được kỳ vọng sử dụng máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất hiện đại hơn, nhưng thực tế cho thấy, máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất sử dụng trong DN FDI không quá vượt trội so với DN trong nước. Số lượng DN FDI có năng lực công nghệ cao còn hạn chế, chỉ 5% DN FDI có công nghệ cao, 80% có công nghệ trung bình, còn lại 14% là sử dụng công nghệ thấp.

Xin cảm ơn bà!

 

Với đặc trưng riêng, Thủ đô Hà Nội nên thu hút vốn FDI xanh. FDI xanh là hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào sản xuất sản phẩm và dịch vụ môi trường, hoặc đầu tư trực tiếp nước ngoài có quy trình sản xuất giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nhằm mục đích vừa phát triển kinh tế, trong khi sử dụng được hợp lý tài nguyên, tránh việc hủy hoại môi trường, biến đổi khí hậu và mất cân bằng sinh thái ở nước nhận đầu tư.

TS Nguyễn Thị Thanh Tâm

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần