Làm thế nào để tránh “Giấc ngủ trắng” khi lái xe

Hồng Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Giấc ngủ trắng” có thể xảy ra với bất kỳ ai, tuy nhiên nguy cơ nhất là đối với các bác lái xe đường dài, đặc biệt là khi đang chạy trên cao tốc, lái xe đang trong tình trạng vô thức, dễ dẫn đến mất lái và gây ra tai nạn.

“Giấc ngủ trắng” là gì?

Giấc ngủ trắng” là trạng thái ngủ tạm thời. Lúc này, người ngủ sẽ rơi vào trạng thái vô thức. 
Giấc ngủ trắng” là trạng thái ngủ tạm thời. Lúc này, người ngủ sẽ rơi vào trạng thái vô thức. 

Theo các chuyên gia y tế, “Giấc ngủ trắng” là trạng thái ngủ tạm thời. Lúc này, người ngủ sẽ rơi vào trạng thái vô thức. Ở cánh tài xế, khi buồn ngủ nhưng vẫn cố chấp lái xe, người sẽ cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ nhưng lý trí và não bộ vẫn ra lệnh cho bản thân cố gắng cầm cự, không được ngủ. Lúc này, mặc dù mắt vẫn mở, tay vẫn cầm vô lăng nhưng não bộ thì đã rơi vào trạng thái vô thức, người lái sẽ chỉ thức tỉnh khi có người khác tác động hoặc giật mình, có âm thanh lớn.

Khoảnh khắc này dù chỉ xảy ra trong giây lát nhưng cũng có thể gây ra hậu quả khôn lường, rất dễ xảy ra tai nạn giao thông bởi tài xế không làm chủ được tốc độ và tay lái.

Làm thế nào để vượt qua “Giấc ngủ trắng” an toàn

1. Ngủ đủ giấc trước khi lái xe

Để không bị rơi vào "Giấc ngủ trắng" khi đang lái xe thì tốt hơn hết trước mỗi chuyến đi, nên ngủ đủ giấc. Điều này càng đặc biệt quan trọng với những “tài non” hay trước những hành trình dài. Hãy đảm bảo rằng trước chuyến đi, đã ngủ được ít nhất từ 6 – 7 tiếng. Đây là điều kiện cần để cơ thể luôn tỉnh táo, minh mẫn khi lái xe.

2. Nghỉ ngơi theo chặng

Khuyến cáo cánh tài xế không nên lái xe liên tục quá 3 giờ đồng hồ. Do vậy với những chuyến đi xa thì tốt hơn hết nên chia ra thành các chặng và nghỉ ngơi giữa các chặng đó để nạp năng lượng, thư giãn, đi vệ sinh… Điều này sẽ đảm bảo không bị cơn buồn ngủ ập đến, giúp cơ thể luôn tỉnh táo và khỏe mạnh, linh hoạt.

3. Nói không với các chất kích thích, thuốc gây buồn ngủ

Rượu, bia hay các chất kích thích khác đều sẽ gây ức chế thần kinh, do đó khiến các bác dễ cảm thấy buồn ngủ hơn. Chưa kể, sử dụng rượu bia khi lái xe thì nguy cơ bị thổi nồng độ cồn, tước bằng lái là rất cao và nghiêm trọng. Ngoài rượu bia hay các chất kích thích, nên tránh xa các loại thuốc có thành phần gây buồn ngủ. Trước khi uống bất cứ loại thuốc nào trước mỗi chuyến đi, hãy đọc kỹ về tác dụng phụ của thuốc.

4. Không bật các bản nhạc êm, du dương khi lái xe

Nhiều người có thói quen hễ lên xe là mở nhạc nghe. Nếu có thói quen này, nên tránh những bản nhạc quá du dương, chẳng hạn như nhạc nhẹ không lời. Nhạc quá êm giống như ru ngủ vậy, sẽ khiến cơn buồn ngủ ập đến lúc nào không hay.

5. Giữ cabin luôn thoáng mát

Một trong những cách để đầu óc luôn tỉnh táo khi lái xe đó là mở tất cả các cửa sổ để gió lùa vào. Những cơn gió tự nhiên cùng tiếng ồn bên ngoài vọng vào cabin sẽ giúp lái xe tỉnh táo hơn.

6. Tính toán, nghỉ ngơi trước khi xe vào cao tốc

Có thể nói, nguy hiểm nhất chính là đang đi trên cao tốc không có trạm dừng mà cơn buồn ngủ lại ập đến. Do vậy, hãy tính toán nghỉ ngơi trước khi xe vào cao tốc để tránh được nguy cơ trên.

7. Không cố chấp lái xe khi thấy buồn ngủ

Nếu đang lái xe mà cảm thấy cơ thể uể oải, mệt mỏi và đặc biệt là khi có dấu hiệu buồn ngủ thì tuyệt đối không được cố chấp lái xe tiếp, tấp xe vào vị trí thích hợp để chợp mắt khoảng 15 phút. Điều này giúp cho cơ thể được nghỉ ngơi và lấy lại sự tỉnh táo để tiếp tục hành trình an toàn hơn.

Ngoài ra, các thức uống như trà đặc, cà phê, nước tăng lực hoặc kẹo cao su,… cũng sẽ giúp tỉnh táo, tránh rơi vào “giấc ngủ trắng”. Tuy nhiên nên nhớ là các thức uống như nước tăng lực, trà đặc, café… chỉ có tác dụng sau 1 đến vài tiếng, do đó không thể ỷ lại và xem nó như “thuốc chữa cháy” khi lâm vào cơn buồn ngủ. Tốt nhất vẫn là nên nghỉ ngơi đầy đủ trước khi đi xa.