Lần đầu cải lương kết hợp với âm nhạc đường phố

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 4/1/2016, tại Hà Nội, Nhà hát Cải lương Việt Nam đã phối hợp tổ chức họp báo giới thiệu vở cải lương "Hừng đông", nhằm chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

Vở cải lương “Hừng đông” là một tác phẩm có quy mô, tầm vóc lớn, tôn vinh nhà cách mạng tiền bối, trí thức tiêu biểu xuất sắc của Đảng và Nhân dân – đồng chí Phan Đăng Lưu. Vở diễn thu hút sự góp mặt của ê kíp sáng tạo hùng hậu: Tác giả PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ; chuyển thể cải lương Hoàng Song Việt; đạo diễn NSƯT Triệu Trung Kiên; âm nhạc NSƯT Trọng Đài; thiết kế mỹ thuật họa sỹ Doãn Bằng...

Các nghệ sĩ tài năng của Nhà hát Cải lương Việt Nam sẽ hóa thân vào các nhân vật trong vở diễn, trong đó nghệ sĩ Quang Khải vào vai Phan Đăng Lưu, nghệ sĩ Thu Hiền vào vai Nguyễn Thị Danh, nghệ sĩ Như Quỳnh vào vai Nguyễn Thị Vịnh (Nguyễn Thị Minh Khai)...
Poster của "Hừng đông"
Poster của "Hừng đông"
Theo PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, lý do ông chọn tái hiện lại hình ảnh của nhà cách mạng Phan Đăng Lưu bởi đây là một trí thức tiêu biểu xuất sắc của Đảng và nhân dân ta, đã sống, chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng cách mạng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc nhân dân. Phan Đăng Lưu sinh ngày 5/5/1902 ở thôn Đông, xã Hoa Thành (trước là Tràng Thành), huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình nông dân có truyền thống nho học, yêu nước, yêu lao động, đoàn kết, nghĩa tình. Ông sớm bộc tư chất thông minh, hiếu học, can đảm, khí khái; giỏi về tiếng Hán, tiếng Pháp, văn học, nông học, chính trị học, xã hội học..

Những năm tháng tuổi trẻ, Phan Đăng Lưu ấp ủ hoài bão giải phóng đất nước, đưa nước ta theo con đường độc lập, tự do, dân chủ, tiến bộ. Từ bỏ cuộc sống của một viên chức trong bộ máy thực dân, ông tham gia Hội Phục Việt, rồi trở thành đảng viên Đảng Tân Việt, trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt của đảng này. Sau đó ông trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam), được giao trọng trách Ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ (Từ 1936), Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ (3-1937), Ủy viên Ban Chấp hành, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (1937-1940).

“Cuộc đời và sự nghiệp của nhà cách mạng Phan Đăng Lưu là tấm gương sáng cho mọi thế hệ noi theo. Chúng ta bao giờ cũng hướng về lịch sử vẻ vang để tiến về phía trước. Vở cải lương như lời tri ân với thế hệ đi trước, phát huy tinh thần cách mạng của cha anh theo mục tiêu và lý tưởng của Đảng cộng sản. Tuy nhiên, vở diễn có thành công hay không còn phụ thuộc vào ê kíp sáng tạo” – ông Nguyễn Thế Kỷ cho biết.

“Hừng đông” được thể hiện dưới thủ pháp đan xen của nhiều loại hình nghệ thuật. Chúng tôi mời một ban nhạc đường phố, toàn gương mặt 9X để thể hiện nghệ thuật pop, rock, và dân gian đương đại trên sàn diễn cải lương. Chúng tôi để thế hệ đi trước và thế hệ trẻ cùng nghe, kể về một đề tài đấu tranh cách mạng. Họ mang đến cho vở diễn một hơi thở mới, đạo diễn Triệu Trung Kiên khẳng định.

Sau đêm tổng duyệt ngày 6/1, vở cải lương “Hừng đông” ra mắt khán giả Thủ đô tại Rạp Hồng Hà từ ngày 7 đến 9/1. Sau đó, Đài truyền hình Việt Nam sẽ giới thiệu vở diễn trong chương trình “Sân khấu truyền hình”.