Hội thảo nhằm tham vấn ý kiến đóng góp của các bên liên quan, các bộ, ngành, các viện nghiên cứu, các tổ chức quốc tế để đánh giá hiện trạng ngành năng lượng được đầy đủ, khách quan và củng cố phương phá và các luận chứng trong việc lập quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia trong các chương sau.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, thực hiện lập quy hoạch, Bộ đã rà soát, tổng hợp, báo cáo Chính phủ các công tác chuẩn bị, lựa chọn các đơn vị tư vấn... Đến nay, các đơn vị đã hoàn thành 5 chương đầu tiên của Quy hoạch này, dự kiến Quy hoạch gồm 14 chương, chia làm 4 phần, gồm:
Phần 1: Hiện trạng năng lượng quốc gia và kết quả thực hiện quy hoạch;
Phần 2: Tình hình và dự báo phát triển kinh tế - xã hội và định hướng phát triển các phân ngành năng lượng;
Phần 3: Phương án phát triển kết cấu hạ tầng năng lượng thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Phần 4: Cơ chế, giải pháp và tổ chức thực hiện quy hoạch tổng thể về năng lượng.
Bộ Công Thương cho hay, quy hoạch lần này có bối cảnh tương đối khác với những lần lập Quy hoạch trước. Quy hoạch tổng thể về năng lượng được đặt ra với yêu cầu mới trong việc giải quyết các vấn đề phát triển hài hòa các phân ngành năng lượng trong nền kinh tế, đưa ra một quy hoạch động và mở hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quản lý nhà nước trong ngành năng lượng.
Đồng thời, quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia có liên quan tới nhiều quy hoạch đang trong giai đoạn xây dựng nhiệm vụ Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Quy hoạch giao thông, Quy hoạch không gian đô thị, Quy hoạch phát triển công nghiệp... Trên thực tế, khả năng đồng bộ các quy hoạch này là một thách thức lớn.
Tại hội thảo, các cơ quan tư vấn đã báo cáo các nội dung thực hiện trong 5 chương đầu của Đề án Quy hoạch, gồm: Đánh giá hiện trạng năng lượng quốc gia; đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch các phân ngành năng lượng; tình hình và dự báo phát triển kinh tế xã hội; hiện trạng sử dụng năng lượng và tiềm năng tiết kiệm năng lượng; tiềm năng, khả năng khai thác, cung cấp và định hướng phát triển sản xuất các phân ngành năng lượng.
Ông Trần Mạnh Hùng, đại diện Viện Năng lượng cho hay, theo tiến độ xây dựng Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong tháng 9/2020 này, Bộ Công Thương sẽ hoàn thành tiếp chương 6 - 11 bao gồm: Phương án phát triển tổng thể năng lượng; phương án quy hoạch phát triển các phân ngành; nhu cầu vốn đầu tư.
Trong tháng 10/2020, Bộ sẽ hoàn thành 3 chương cuối (từ 12 đến 14), gồm: Cơ chế bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; giải pháp và tổ chức thực hiện; kết luận và kiến nghị; nộp đề án Quy hoạch cho Bộ Công Thương.
Cần hoàn thiện hành lang pháp lý phân ngành dầu khí để tháo gỡ chồng chéo trong các văn bản pháp luật, trinh tự, thủ tục đầu tư rõ ràng hơn và xây dựng các cơ chế chính sách đặc thù thu hút đầu tư vào vùng nước sâu, xa bờ... |
Chia sẻ tại hội thảo, theo ông Nguyễn Anh Đức - Viện Dầu khí Việt Nam, hiện thực hiện mục tiêu quy hoạch ngành dầu khí đến năm 2020, phần lớn chỉ tiêu đã đạt và vượt. Tuy nhiên, ở ngành công nghiệp khí, chúng ta còn nhiều điểm chưa đạt, như: sản xuất LPG gần 50%; lĩnh vực chế biến, tồn trữ và phân phối, hiện mới chỉ đáp ứng nhu cầu sản phẩm hóa dầu gần 25%.
“Hiện các quy định của pháp luật ngành năng lượng nói chung và từng phân ngành nói riêng vẫn còn một số tồn tại, chưa thật toàn diện, đồng bộ; tính hệ thống, thống nhất đôi chỗ còn chưa caco; một số quy định chưa đảm bảo tính tương thích với pháp luật quốc tế...” - ông Đức nói.
Do vậy, việc triển khai Quy hoạch cần bám sát quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết 55 Bộ Chính trị; các tiêu chí dự án ưu tiên, với phân ngành dầu khí cũng có những đặc thù riêng... Cần hoàn thiện hành lang pháp lý phân ngành dầu khí để tháo gỡ chồng chéo trong các văn bản pháp luật, trinh tự, thủ tục đầu tư rõ ràng hơn và xây dựng các cơ chế chính sách đặc thù thu hút đầu tư vào vùng nước sâu, xa bờ...
Theo báo cáo Vụ Dầu khí, Than (Bộ Công Thương), trong những năm tới, xu thế phá triển năng lượng thế giới sẽ tập trung vào việc thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch năng lượng, thực thi các chính sách mạnh mẽ chống biến đổi khí hậu và tăng cường an ninh năng lượng. Phát triển năng lượng của Việt Nam trong thời kỳ nhập khẩu ròng năng lượng sẽ ngày càng chịu nhiều tác động của các xu thế phát triển năng lượng trên thế giới. Bên cạnh đó, với vai trò là một quốc gia có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam cũng sẽ phải thực thi các cam kết về chống biến đổi khí hậu.
Với việc càng ngày tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam sẽ phải dối mặt với cả những thuận lợi và khó khăn trong việc đảm bảo phát triển bền vững hệ thống năng lượng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Trong bối cảnh đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045”; trong đó, Bộ Chính trị đã giao Ban cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo xây dựng và triển khai Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia.
Ngoài ra, Luật Quy hoạch số 21/17/QH14 đã quy định việc lập Quy hoạch tổng thể về năng lượng trong danh mục các quy hoạch kết cấu hạ tầng. Việc xây dựng một Quy hoạch tổng thể về năng lượng sẽ góp phần đánh giá toàn diện về cung - cầu năng lượng quốc gia và kết nối việc phát triển năng lượng với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội - môi trường mà Việt Nam đã đặt ra và cam kết với cộng đồng quốc tế...