Lễ hội Quảng Chiếu với mục đích cầu nguyện cho quốc thái dân an, Phật giáo trường tồn, chúng sanh an lạc. Cùng với đó, các tiết mục nghệ thuật đặc sắc được kết hợp như “Lục cúng hoa đăng” với ý nghĩa sáu lễ vật dân lên chư Phật: hương, hoa, đăng, trà, quả, thực. Ấn tượng hơn đây là lần đầu tiên vũ khúc này được các chư tăng của Giáo hội Phật giáo Thừa Thiên Huế biểu diễn.
Sau màng vũ khúc “Lục cúng hoa đăng” là “Phóng sanh đăng”, triển lãm cổ vật với chuyên đề: “Di sản văn hóa nghệ thuật cổ Phật giáo và Hindu giáo khu vực phía Nam” và tổ chức chương trình ẩm thực chay: “ Môi trường thân thiện – cuộc sống hạnh phúc”.
Để tổ chức tái hiện lễ hội Phật giáo Việt Nam truyền thống này, Ban tổ chức đã cho xây dựng đèn tháp Dược sư trên sông Hương, 4 cây thiên đăng được cố định trên mặt nước, 9 ngọn địa đăng, 710 cây thủy đăng tương trưng cho lịch sử hình thành và phát triển của Thuận Hóa – Phú Xuân - Thừa Thiên Huế.
Theo Hòa thượng Thích Hải Ấn, Lễ hội Quảng Chiếu thể theo nguyện vọng của đông đảo tăng, ni, tín đồ Phật tử Thừa Thiên Huế cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, thế giới hòa bình, Phật giáo trường tồn, chúng sanh an lạc.
Đây là chương trình lễ hội Phật giáo ấn tượng nhất được tổ chức trong một kỳ Festival Huế, mang đậm triết lý, tư tưởng nhà Phật và dấu ấn đậm nét của văn hóa Phật giáo Thừa Thiên Huế, cái nôi của Phật giáo miền Trung và cả nước trên tinh thần: “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống, hòa hợp tinh thần giáo lý nhà Phật với văn hóa truyền thống dân tộc, đề cao lòng yêu nước, yêu chuộng hòa bình, hòa chung vào sự phát triển của dân tộc và thời đại.
Chương trình đã thu hút được một lượng khách đông đảo trong và ngoài nước đến thưởng thức, chiêm bái. Qua đây, dấu ấn của Phật giáo vùng đất Cố đô một lần nữa được khẳng định và đề cao.