Làn gió mới cho doanh nghiệp phục hồi kinh tế

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” là làn gió mới được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, tạo động lực cho doanh nghiệp nỗ lực phục hồi sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đời sống cho người lao động cũng như an sinh xã hội.

Những chia sẻ của chuyên gia, doanh nghiệp với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị cho thấy được phần nào niềm tin, sự kỳ vọng, hy vọng... vào các chính sách đang song hành vừa đảm bảo phòng chống dịch hiệu quả, vừa kích thích vực dậy nền kinh tế.
Trưởng ban Cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (Hanoisme) Trịnh Thị Ngân: Giải pháp căn cơ vẫn là “Vaccine doanh nghiệp”
Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” với mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do Covid-19; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể, phấn đấu trong năm 2021.
Trưởng ban Cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (Hanoisme) Trịnh Thị Ngân. Ảnh: Hoàng Anh
Chúng tôi nhất trí quan điểm của Chính phủ là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch Covid hiệu quả. Để đạt được mục tiêu trên, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn thể các cấp, các ngành đồng bộ trong giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, phục hồi sản xuất kinh doanh.
Các doanh nghiệp cần rà soát toàn bộ từ nguyên/nhiên vật liệu, nhân lực, nguồn vốn, hàng tồn kho, giải pháp mở rộng thị trường, kích cầu tiêu thụ. Các ngành phải coi đây như một cuộc tổng tiến công trên mặt trận lưu thông hàng hoá nối lại chuỗi cung ứng đã và đang bị đứt gãy, các tỉnh thành nhất quán trong phòng chống dịch. Đó là cơ hội cho doanh nghiệp tạo đà đẩy nhanh, mạnh, tăng năng suất lao động. Và quan trọng nhất hiện nay là nguồn lao động, hiện bị dịch chuyển cũng là một khó khăn trong việc trở lại sản xuất kinh doanh hiện nay.
Để phục hồi nhanh nền kinh tế, tôi cho rằng, những giải pháp căn cơ vẫn là “Vaccine doanh nghiệp”. Đó là vaccine tiêm cho toàn bộ người lao động; Vaccine nguồn vốn vay lưu động ưu đãi đối với doanh nghiệp có phương án sản xuất kinh doanh khả thi; Ngành công thương đẩy mạnh tiêu thụ hàng hoá (chuyển động mạnh mẽ tháng khuyến mại và hội chợ triển lãm, đẩy mạnh sản xuất hành công nghiệp chủ lực); Ngành du lịch dịch vụ mở rộng gói ưu đãi khách hàng đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh...
Tổng Giám đốc CITECHI GROUP Ngô Long: Khôi phục bức tranh kinh tế ảm đạm
Trên quan điểm của doanh nghiệp, chúng tôi rất phấn khởi bởi Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19”. Những quyết định kịp thời, bám sát với tình hình thực tế của dịch bệnh, nhằm giải quyết mong mỏi của toàn thể Nhân dân nói chung, cộng đồng doanh nghiệp đang đối mặt với không chỉ thách thức của dịch bệnh như các vấn đề an sinh xã hội, đình trệ sản xuất, thất nghiệp, phá sản ngày càng trầm trọng.
Tổng Giám đốc CITECHI GROUP Ngô Long. Ảnh: Hoàng Anh
“Quy định tạm thời” ban hành với phạm vị áp dụng toàn quốc, hy vọng sẽ là một hướng dẫn để giải tỏa tình trạng cát cứ, không thống nhất giữa các địa phương trong thực hiện các chỉ thị của Chính phủ. Đặc biệt, trong Quy định đã đề cao “vai trò của người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch, trong sản xuất kinh doanh, sinh hoạt an toàn”. Điều này thể hiện sự cân nhắc rất rõ trong quyết định của Chính phủ nhằm khôi phục lại bức tranh kinh tế ảm đạm trong thời gian qua, từng bước đưa cuộc sống người dân quay lại tình trạng bình thường mới trên cơ sở đánh giá một cách khoa học và thực tiễn, thể hiện rất rõ trong biện pháp áp dụng theo 4 cấp độ dịch, thay vì đánh đồng và truy vết F0 như giai đoạn trước đây.
Qua đây, doanh nghiệp cũng mong Chính phủ có sự hướng dẫn kịp thời một cách bài bản cho các địa phương, cần thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận ý kiến người dân và doanh nghiệp về các vấn đề vướng mắc trong quá trình thực hiện của địa phương, cơ quan tổ chức liên quan. Tránh tình trạng bị động, hiểu sai và lúng túng trong triển khai như đã thấy ở một số địa phương trong thời gian qua.
CEO Công ty TNHH Dalat Foodie Việt Nam (Dalat Foodie) Đỗ Phan Hoàng Sương: Linh hoạt áp dụng, không gây ách tắc lưu thông
CEO Công ty TNHH Dalat Foodie Việt Nam Đỗ Phan Hoàng Sương. Ảnh: Hoàng Anh
Tôi cho rằng, Nghị quyết số 128 là văn bản hướng dẫn cụ thể và có đầy đủ các quy định từ đánh giá nguy cơ, đến triển khai các hoạt động một cách phù hợp thống nhất chung trên toàn quốc. Đặc biệt, các địa phương có thể linh hoạt áp dụng những biện pháp bổ sung nhưng không gây ách tắc trong việc lưu thông vận chuyển hàng hoá, sản xuất kinh doanh và đi lại, sinh hoạt của nhân dân.
Hy vọng khi áp dụng Nghị định 128 giúp cho việc phục hồi lưu thông, vận chuyển hàng hoá, tái khởi động lại hoạt động kinh doanh, sản xuất để các doanh nghiệp có thể sớm quay lại hoạt động bình thường.
Điều tôi vẫn quan tâm là làm sao có một kênh thông tin thống nhất để các doanh nghiệp có thể cập nhật nhanh chóng, kịp thời tình trạng đánh giá cấp độ dịch bệnh tại mỗi địa phương. Qua đó đưa ra những phương án phù hợp trong việc vận chuyển hàng hoá, tránh bị ách tắc, đội chi phí vận chuyển, cũng như có kế hoạch kinh doanh phân phối kịp thời đối với doanh nghiệp có mạng lưới phân phối trên toàn quốc.
Dalat Foodie với cam kết sẽ mang sản phẩm sạch, nguồn gốc minh bạch từ nông trại cung cấp tới tay khách hàng với giá hợp lý nhất, sao cho mọi người dân đều có thể tiếp cận được với sản phẩm hữu cơ đảm bảo sức khỏe. Giai đoạn dịch vừa qua đã ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp, đặc biệt trong vấn đề lưu thông, vận chuyển sản phẩm. Với chính sách đưa ra sát thực, Dalat Foodie cùng với cộng đồng doanh nghiệp sẽ có cơ hội bắt nhịp, nỗ lực để có phương án “sống chung với dịch”, duy trì sản xuất, kinh doanh, góp phần chung phục hồi nền kinh tế.
Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Wondertour Lê Công Năng: Lạc quan hơn cho ngành lữ hành
Nghị quyết 128/NQ-CP giúp các công ty du lịch lạc quan hơn khi hoạt động kinh doanh bi đát đã kéo dài gần 2 năm qua, trong đó có Wondertour. Nghị quyết ban hành làm tăng nhu cầu di chuyển của người dân, gián tiếp giúp Wondertour và doanh nghiệp lữ hành có niềm tin để lên kế hoạch, thiết kế tour du lịch phù hợp.
Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Wondertour Lê Công Năng. Ảnh: Hoàng Anh
Tuy nhiên chúng tôi không quá kỳ vọng, bởi hoạt động du lịch chịu kiểm soát chặt chẽ của tổng thể các biện pháp phòng dịch đối với các mảng kinh doanh: Vận tải hành khách, nhà hàng, khách sạn, điểm tham quan du lịch, thậm chí bao gồm cả bảo tàng, trung tâm thương mại, cơ sở tôn giáo... Wondertour xác định thích ứng an toàn, linh hoạt từ tháng tháng 5/2021 bằng việc dừng tổ chức tour ghép khách.

Bản thân doanh nghiệp cũng thay đổi thích ứng để các dịch vụ thích ứng trong điều kiện ạn toàn. Chúng tôi cũng thiết kế tour cho nhóm 4 – 8 khách theo tiêu chí an toàn, trải nghiệm, đồng thời thương mại điện tử vé máy bay, khách sạn trên website Wondertour.vn để phục vụ nhu cầu công vụ của khách hàng cá nhân. Đặc biệt, chúng tôi phát triển hệ sinh thái Wonder Media, cung cấp các giải pháp truyền thông – marketing – sự kiện online để duy trì mạch sống cho doanh nghiệp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần