Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lan tỏa chuyển đổi số tới mọi người dân

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có thể nói 2 năm trở lại đây là quãng thời gian mà quá trình chuyển đổi số diễn ra sâu rộng và mạnh mẽ nhất ở Việt Nam. Công nghệ đã dần lan tỏa cũng như đi sâu vào mọi mặt từ xã hội, kinh tế cho đến đời sống thường nhật của người dân.

Giao dịch với Robot OPBA tại Nam A Bank. Ảnh: Việt Linh  
Giao dịch với Robot OPBA tại Nam A Bank. Ảnh: Việt Linh  

Nhiều kết quả tích cực

Theo số liệu từ Bộ TT&TT, tính đến hết quý I/2022, toàn bộ 22 bộ và 63 địa phương đã có Ban chỉ đạo về chuyển đổi số với người đứng đầu là Trưởng ban. Trong đó có 17/22 bộ, ngành và 57/63 địa phương đã ban hành chương trình/kế hoạch/đề án chuyển đổi số trong giai đoạn 5 năm. Đã có gần 5.000 tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập nhằm đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống dựa trên nhu cầu hàng ngày của người dân.

Về Chính phủ số, mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 4 cấp hành chính đã kết nối đến 100% huyện và 96,73% xã trên toàn quốc. Bên cạnh đó, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia đang được khai thác hiệu quả với tổng số giao dịch thực hiện trong 3 tháng đầu năm 2022 là 145 triệu, tăng 26 lần so với cùng kỳ 2021, đồng nghĩa với mỗi ngày đã có hơn 1,5 triệu giao dịch qua nền tảng này.

 

Thể chế số đảm bảo các hoạt động, giao dịch số được hợp pháp và được pháp luật bảo vệ. Thí dụ như thể chế về định danh và xác thực một con người trên môi trường số, thể chế cho chữ ký số, thể chế về thanh toán số...

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

Các cơ sở dữ liệu (CSDL) tạo nền tảng cho Chính phủ số cũng được đẩy mạnh triển khai hơn bao giờ hết, đây cũng chính là điều kiện tiên quyết để triển khai Chính phủ số. Trong đó, CSDL quốc gia về dân cư đã kết nối đến 7 đơn vị, CSDL quốc gia về Bảo hiểm quản lý thông tin của 98 triệu người dân, CSDL hộ tịch điện tử toàn quốc có khoảng 23 triệu dữ liệu đăng ký khai sinh, CSDL quốc gia về Đăng ký DN chứa thông tin đăng ký của hơn 1 triệu DN và đơn vị trực thuộc.

Đáng chú ý, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp với 3.552 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương với tỷ lệ dịch vụ công đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4 là 97,3%. Trong quý I/2022, Cổng đã có trên 332.000 lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích, trên 163.000 giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 366 tỷ đồng;

Hệ thống thông tin báo cáo Quốc gia, Trung tâm thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kết nối, liên thông các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu có chức năng báo cáo của 75 bộ, cơ quan, địa phương. Hệ thống đã cung cấp thông tin, dữ liệu của 15 chế độ báo cáo, 152/200 chỉ tiêu kinh tế - xã hội và kết nối 37 chỉ tiêu thông tin dữ liệu trực tuyến. Đồng thời xây dựng được kho dữ liệu tổng hợp với trên 300 chỉ tiêu kinh tế - xã hội.

Về phát triển đô thị thông minh, tính đến nay, đã có 42/63 tỉnh, TP đã phát triển Trung tâm giám sát, điều hành thông minh với các dịch vụ đô thị thông minh để phục vụ người dân, DN với mục đích vừa phát triển đô thị, thành phố thông minh, vừa thực hiện chuyển đổi số tại địa phương. 38/63 tỉnh, TP đã triển khai dịch vụ phản ánh hiện trường giúp nâng cao hiệu quả tương tác giữa người dân với chính quyền.

Với việc đặt mục tiêu cho chuyển đổi số năm 2022 là lấy người dân làm trung tâm, các hoạt động nhằm đưa người dân lên môi trường số bằng các nền tảng số Việt Nam để hướng tới phát triển một xã hội số đã được đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Có thể kể đến những ứng dụng số gắn liền với hoạt động thường nhật của người dân như ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử có khoảng 19,9 triệu người sử dụng hàng tháng, các nền tảng số phục vụ các cơ sở giáo dục là: VNEdu của VNPT, K12Online của Viettel và MobiEdu đều có số lượng người sử dụng hằng tháng xấp xỉ 1 triệu…

Hoàn thiện thể chế số

Tại cuộc họp mới đây của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ cần được ưu tiên hàng đầu cho quãng thời gian đến cuối năm 2022 là các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục rà soát, tháo gỡ vướng mắc cũng như hoàn thiện thể chế để phục vụ chuyển đổi số. Cần có cơ chế chính sách phù hợp để tạo ra động lực phát triển nhanh cũng như đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số.

Có thể thấy, chỉ đạo của Thủ tướng đang là vấn đề cốt lõi, quyết định chính đến quá trình chuyển đổi số toàn diện của Việt Nam. Cần nhìn nhận, chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về thể chế nhiều hơn là công nghệ. Đứng trước sự thay đổi mang tính bước ngoặt của một quốc gia thì Chính phủ cần phải thể hiện được vai trò dẫn dắt, tạo ra được một thể chế số sẽ thúc đẩy được thị trường số và công dân số gia nhập.

Nói về vấn đề này, GS. TSKH Nguyễn Mại cho rằng, cách làm luật hiện nay là vẫn chậm và phần nào đó chưa đáp ứng được với nhu cầu thực tế của quá trình chuyển đổi số đang diễn ra với tốc độ cao. Có thể kể đến những cơ sở pháp lý được coi là nền tảng cho quá trình chuyển đổi số như Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) vẫn còn nằm trong quá trình lấy ý kiến hay như Luật Công nghiệp Công nghệ số dự kiến phải tới năm 2025 mới trình Quốc hội.

Không chỉ vậy, thay vì thường đưa ra khuyến nghị để DN chuyển đổi số, Chính phủ cũng như các bộ, ngành cần làm cầu nối trực tiếp để thực hiện quá trình chuyển đổi này. Có thể kể đến như tìm giải pháp cho DN tiếp cận nguồn vốn để thực hiện chuyển đổi số hoặc trực tiếp kết nối tới các tập đoàn công nghệ lớn nhằm giảm tải chi phí cũng như có quá trình thay đổi phù hợp hơn.

Có cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường Quốc hội Lê Quang Huy cho rằng, việc xây dựng thể chế phục vụ công cuộc chuyển đổi số còn nhiều thách thức đối với Việt Nam. Có thể kể đến như sự tiến bộ của công nghệ đã vượt qua dự tính của các nhà lập pháp và đặt ra nhiều thách thức về mặt pháp lý. Hay sự xuất hiện của các mô hình kinh doanh mới cũng như dạng tài sản mới như tiền điện tử, tiền kỹ thuật số, dữ liệu số khiến hệ thống pháp luật chưa được điều chỉnh kịp thời.

Vì vậy, thời gian tới cần tiếp tục xây dựng và triển khai các kế hoạch cụ thể để hoàn thiện thể chế, phục vụ cho chuyển đổi số quốc gia, không chỉ pháp luật trong lĩnh vực CNTT và truyền thông mà cả KHCN, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, pháp luật chuyên ngành đối với sự xuất hiện của các sản phẩm, mô hình kinh doanh mới…

"Nhằm khuyến khích đổi mới sáng tạo, tư duy xây dựng pháp luật phải có bước chuyển phù hợp từ chủ yếu là điều chỉnh, can thiệp sang kiểm soát và có điều kiện. Điều này đòi hỏi Nhà nước phải có sự cân nhắc rất kỹ lưỡng khi quyết định ban hành các quy định pháp luật có liên quan" - ông Lê Quang Huy nói.

 

Nhờ việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong khối chính quyền, kinh tế số cũng đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Cụ thể, ước tính tổng doanh thu kinh tế số quý I/2022 khoảng 53 tỷ USD, đóng góp khoảng 10,2% GDP với mức tăng trưởng khoảng 15%. Số DN công nghệ số thành lập mới cũng tăng mạnh khi tính đến hết tháng 2/2022 đã đạt mốc 65.329 DN, tăng 487 DN so với cả năm 2021.

Thông qua nền tảng SMEdx.vn do Bộ TT&TT chủ trì. 3 tháng đầu năm đã có hơn 170.000 DN nhỏ và vừa tiếp cận Chương trình, hỗ trợ gần 19.000 DN dùng thử miễn phí và gần 3.000 DN sử dụng chính thức sau thời gian dùng thử miễn phí.