Bánh cuốn Thanh Trì từ lâu đã là một trong những món ăn truyền thống đi sâu vào tiềm thức của nhiều người Hà Nội và bạn bè quốc tế, trở thành thương hiệu riêng của địa phương.
Làng nghề truyền thống "Bánh cuốn Thanh Trì" được bảo tồn, phát huy cùng những giá trị mới mang tính thời đại để trở thành điểm nhấn du lịch sinh thái của Thủ đô. Nhưng quận Hoàng Mai (Hà Nội) phải mất hơn 2 năm xây dựng đề án thì mới được UBND Thành phố quyết định công nhận là Làng nghề truyền thống "Bánh cuốn Thanh Trì", khá khó khăn để đạt tiêu chí “Có tối thiểu 20% tổng số hộ trên địa bàn tham gia…”.
Tầm nhìn xa
Theo Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm, địa phương đã đề xuất xây dựng Dự án công viên văn hóa - làng nghề truyền thống tại khu vực vùng bãi sông Hồng (phường Thanh Trì) trên một phần diện tích 17,8ha đất bãi bồi, chiều dài 2km tiếp giáp sông Hồng.
Với lợi thế về giao thông đường sông, cảnh quan mặt nước, cây xanh là điều kiện tốt để thực hiện các không gian phục vụ cộng đồng, tạo dựng cảnh quan tham quan, vui chơi, nghỉ ngơi, quảng bá làng nghề của quận. Công viên sẽ tái tạo quá trình hình thành phát triển các làng nghề trong đó có Làng nghề truyền thống "Bánh cuốn Thanh Trì".
Để bảo tồn nghề truyền thống, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai đã chỉ đạo các trường THCS trên địa bàn xây dựng giáo áo “Tìm hiểu một số nghề hiện có ở địa phương” bám sát yêu cầu chủ đề 8 “Khám phá thế giới nghề nghiệp” mà Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Mới đây, trường THCS Thanh Trì tổ chức chuyên đề “Hoạt động trải nghiệm tìm hiểu làng nghề truyền thống”. Các em học sinh đã được giao lưu, tìm hiểu và trực tiếp trải nghiệm làm bánh cùng những người thợ tài hoa.
Không khó để lý giải vì sao các bạn học sinh lại thích thú khi tham gia hoạt động này ngay chính trên địa điểm mà mình đang sinh sống. Không phải ai cũng có điều kiện để tìm hiểu sâu hơn từ chính những nghệ nhân nổi tiếng. Các em cũng tự tìm được câu trả lời, vì sao rất nhiều du khách nước ngoài lại tìm đến làng nghề truyền thống, vì sao bánh thủ công lại đắt hơn dùng máy móc, thiết bị. Nhiều em cũng đã phần nào lý giải được vì sao bánh ngon, nhưng người quê mình chưa thể làm giàu khi sản xuất, kinh doanh mặt hàng này.
Thực ra, sinh ra và lớn lên tại chính làng nghề truyền thống Thanh Trì, nhưng số em học sinh hiểu nghề không nhiều. Hiện chỉ còn 46 hộ (216 người) làm nghề, mỗi ngày đưa ra thị trường được khoảng 5 - 6 tạ bánh.
Các em học sinh trường THCS Thanh Trì đã có cái nhìn toàn diện về nghề truyền thống, làm bánh thủ công, qua đó thúc đẩy ý thức bảo tồn văn hóa truyền thống của quê hương, đất nước. Thông qua hoạt động nhằm khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc cho thế hệ trẻ, tình yêu quê hương và không ít em đã bắt đầu ý thức được việc tìm cách phát triển nghề trong tương lai.
Việc trước mắt
Nói về nhiệm vụ bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống, Chủ tịch UBND phường Thanh Trì Đặng Thanh Tùng khẳng định, để có thể đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, hay các bếp ăn tập thể của trường học như tư vấn của chuyên gia, chúng tôi cần thêm thời gian bởi bà con phải tính toán, thành lập pháp nhân.
"Nhưng quảng bá, lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống của làng nghề có bề dày lịch sử hàng trăm năm nay cho chính thế hệ trẻ Thanh Trì là việc có thể làm ngay, làm sớm. Theo tôi, trường THCS Thanh Trì đã và đang làm rất tốt hoạt động trải nghiệm nghề nghiệp cho học sinh" - Chủ tịch UBND phường Thanh Trì nhấn mạnh.
Là vùng đất trù phú có cư dân sinh sống lâu đời, quận Hoàng Mai là một kho tàng chứa đựng những di tích lịch sử, những huyền sử, truyền thuyết được lưu giữ qua hàng ngàn năm. Ngoài làng nghề truyền thống bánh cuốn Thanh Trì, tại quận Hoàng Mai còn có các thương hiệu nổi tiếng: đậu Mơ Mai Động, nghề kim hoàn, đậu bạc Định Công, làng bún Tứ Kỳ, bún ốc Pháp Vân… mà các em học sinh địa phương mong muốn được có những hoạt động trải nghiệm.