Lan toả giá trị bảo vật quốc gia

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 27 bảo vật quốc gia vừa được Chính phủ công nhận là những hiện vật có giá trị đặc biệt quý hiếm, tiêu biểu của đất nước. Trong đó có nhiều bảo vật quốc gia mang trong mình dấu ấn văn hóa, giá trị thẩm mỹ của từng thời kỳ trên mảnh đất Thăng Long - Hà Nội.

Thủ đô của di sản

Trong đợt công bố 27 bảo vật quốc gia mới đây, Hà Nội tiếp tục có thêm nhiều hiện vận được công nhận là bảo vật quốc gia. Trong đó, Khu di sản Hoàng thành Thăng Long có thêm 4 cổ vật được công nhận là bảo vật quốc gia, gồm: Thềm bậc Điện Kính Thiên; Bộ sưu tập bát, đĩa gốm hoa lam ngự dụng thời Lê; Đầu rồng thời Trần; Súng thần công thời Lê Trung Hưng.

Thềm bậc Điện Kính Thiên được công nhận là bảo vật quốc gia.
Thềm bậc Điện Kính Thiên được công nhận là bảo vật quốc gia.

Bảo vật quốc gia được công nhận trong đợt này tại Hoàng thành Thăng Long còn có Bộ sưu tập bát, đĩa gốm hoa lam ngự dụng thời Lê sơ thuộc thế kỷ XV - đầu thế kỷ XVI gồm hai bát và năm đĩa, khác nhau về kích thước, bố cục hoa văn, song đồng nhất về đề tài và kỹ thuật trang trí gồm: Đồ án hoa văn đôi rồng bay lượn và nối đuôi nhau theo chiều kim đồng hồ, đồ án rồng cuộn, đồ án cánh sen, đồ án hoa liên tiền (hay còn được gọi là hoa chanh), đồ án hồi văn.Theo Đại Việt Sử ký toàn thư, Điện Kính Thiên được xây dựng năm 1428, đời vua Lê Thái Tổ và hoàn thiện đời vua Lê Thánh Tông, trên núi Nùng, ngay nền cũ cung Càn Nguyên - Thiên An của thời Lý - Trần. Đây là nơi thiết triều bàn những việc quốc gia đại sự cũng như đón tiếp sứ giả nước ngoài, tiến hành các nghi lễ long trọng nhất của triều đình.

Cũng trong đợt này, tại khu di sản còn có cổ vật Đầu rồng thời Trần được công nhận là bảo vật quốc gia. Hiện vật bằng đất nung được xác định là một bộ phận trang trí quan trọng trên bộ mái kiến trúc truyền thống nói chung và kiến trúc thời Lý - Trần nói riêng. Đầu rồng là minh chứng sinh động cho sự tiếp nối và kế thừa nghệ thuật thời Lý của nghệ thuật tạo hình thời Trần, qua đây cũng thấy được những biến chuyển của nghệ thuật thời Trần so với nghệ thuật thời Lý.

Cổ vật thứ tư được công nhận là bảo vật quốc gia đợt này của khu di sản là Súng thần công thời Lê Trung Hưng, được sử dụng ở Đại Việt từ cuối thời Trần, khoảng cuối thế kỷ XIV. Cổ vật có hình trụ tròn gồm 4 phần: Miệng súng, thân súng, bầu súng và chuôi súng. Súng không có trục quay (trục điều hướng), quai và núm, cho thấy công nghệ đúc súng của Đại Việt và sau này là Đại Nam đã đạt đến trình độ cao.

Phát huy giá trị

Các bảo vật quốc gia ở Hà Nội mang trong mình dấu ấn văn hóa, giá trị thẩm mỹ của từng thời kỳ trên mảnh đất Thăng Long - Hà Nội, vì vậy, ngành Văn hóa Thủ đô có trọng trách quảng bá, lan tỏa sâu rộng các giá trị đó tới công chúng.

Theo PGS.TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam: Các địa phương cần thực hiện báo cáo định kỳ về hiện trạng bảo vật, kịp thời phát hiện, xử lý những bất thường của di sản; xây dựng chương trình, kế hoạch hành động riêng; đồng thời, kêu gọi sự chung tay của cộng đồng trong bảo tồn, phát huy giá trị bảo vật.

Được biết, trong những năm qua, Sở VH&TT Hà Nội đã đề nghị các địa phương xây dựng và triển khai phương án bảo vệ, ưu tiên kinh phí cải tạo, nâng cấp công trình, bảo đảm bảo vật quốc gia được đặt trong chế độ bảo quản đặc biệt; xây dựng và triển khai hiệu quả các chương trình quảng bá giá trị gắn với tuyên truyền, bảo vệ để bảo vật "tỏa sáng" được giá trị của mình.

Đơn cử, Bảo tàng Hà Nội hiện lưu giữ hơn 70.000 tài liệu, hiện vật với nhiều loại hình và chất liệu khác nhau. Trong đó có 24 hiện vật đặc biệt quý hiếm, thuộc bốn nhóm hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia. Bốn nhóm hiện vật này gồm: Trống đồng Cổ Loa và bộ sưu tập lưỡi cày đồng trong trống (thuộc văn hóa Đông Sơn, khoảng 2.500-2.000 năm cách ngày nay), chuông đồng Thanh Mai (năm 798), chân đèn gốm thời Mạc (năm 1582) và Long đình gốm Bát Tràng (Thế kỷ XVII).

Những hiện vật đang lưu giữ và phát huy tại Bảo tàng cũng là một trong những giá trị cốt lõi của Thăng Long - Hà Nội, là cầu nối giữa văn hóa truyền thống với hiện tại, đặc biệt là những Bảo vật quốc gia. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện đến tận bảo tàng để chiêm ngưỡng, tìm hiểu. Bởi vậy, Bảo tàng Hà Nội đã ứng dụng công nghệ 3D vào giới thiệu 24 hiện vật này để mọi người có thể tham quan, tìm hiểu những Bảo vật quốc gia từ bất cứ nơi đâu một cách chân thực nhất.

Với những bảo vật quốc gia mới được công nhận tại Hoàng thành Thăng Long, theo Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, trung tâm sẽ sớm có kế hoạch tuyên truyền, quảng bá, phát huy giá trị các cổ vật được công nhận bảo vật quốc gia đợt này, qua đó góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa, cũng như tăng sức hấp dẫn cho điểm đến di sản.

Đồng thời, theo các chuyên gia, cần có nhiều hình thức để tôn vinh, quảng bá như: Xây dựng các mô hình trưng bày riêng để nhận diện, tôn vinh; phát triển du lịch di sản gắn với các điểm đến sở hữu bảo vật quốc gia; đưa Bảo vật quốc gia vào chương trình giáo dục ngoại khóa; đẩy mạnh giao lưu trưng bày bảo vật quốc gia giữa các địa phương để góp phần lan tỏa tới công chúng.