Lan tỏa giá trị văn hóa pháp lý trên môi trường mạng

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hơn hai tháng phát động, cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về ứng xử trên môi trường mạng” tại huyện Sóc Sơn đã ghi nhận hơn 50 tác phẩm tham gia. Hiệu ứng lan tỏa của cuộc thi đã góp phần xây dựng thói quen tích cực của người sử dụng trên không gian mạng.

Một phân cảnh trong tác phẩm “Ngọc Hoàng và mạng xã hội”.
Một phân cảnh trong tác phẩm “Ngọc Hoàng và mạng xã hội”.

Mạng xã hội không có lỗi

Lấy bối cảnh là một buổi chầu của các táo giống như kịch bản thường thấy trong chương trình Gặp nhau cuối năm, tác phẩm “Ngọc Hoàng và mạng xã hội” của đội thi đến từ thị trấn Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn) đã chiếm được cảm tình rất lớn của Ban giám khảo và người xem.

Tác phẩm được sân khấu hóa với sự hỗ trợ của công nghệ hình ảnh hiện đại; đạo cụ và trang phục được bày bố, sử dụng chuyên nghiệp đã cuốn hút người xem từ đầu đến cuối video. Dù chỉ kéo dài gần 5 phút, nhưng tác phẩm đã phản ánh sinh động những khía cạnh tích cực và tiêu cực của mạng xã hội trong đời sống hiện đại.

“Mạng xã hội là một phần của cuộc sống, quan trọng là sử dụng như thế nào” chính là thông điệp mà tác phẩm “Ngọc Hoàng và mạng xã hội” muốn truyền tải thông qua video clip được dàn dựng khá chuyên nghiệp. Tác phẩm đã được Hội đồng giám khảo Ban tổ chức cuộc thi huyện Sóc Sơn đánh giá cao nhất ở cấp huyện.

“Ngọc Hoàng và mạng xã hội” cũng được huyện Sóc Sơn lựa chọn để tham gia cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về ứng xử trên môi trường mạng” của UBND TP Hà Nội. Trong đợt chấm điểm của Hội đồng giám khảo TP vừa qua, “Ngọc Hoàng và mạng xã hội” đã lọt top 5 tác phẩm dự thi được chấm điểm cao nhất ở hạng mục tuyên truyền cho đối tượng trên 18 tuổi.

Đáng chú ý, tác phẩm “Hãy tránh ra xa” của đội thi đến từ thị trấn Sóc Sơn cũng xuất sắc giành điểm số cao nhất tại cuộc thi cấp huyện Sóc Sơn. Tác phẩm sau đó được gửi đi dự thi cấp TP ở hạng mục tuyên truyền cho đối tượng dưới 18 tuổi và cũng xuất sắc nằm trong top 3 tác phẩm đạt điểm số cao nhất của Hội đồng giám khảo cuộc thi cấp TP Hà Nội.

Xây dựng thói quen tích cực

Theo Phó Trưởng phòng Tư pháp huyện Sóc Sơn Nguyễn Văn Dũng, ngay sau khi UBND TP Hà Nội thông qua Kế hoạch số 112/KH-UBND về tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về ứng xử trên môi trường mạng”, huyện Sóc Sơn đã ban hành kế hoạch cụ thể để tổ chức triển khai; phê duyệt thể lệ và thành lập Ban giám khảo của cuộc thi.

Nhờ làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, chỉ sau khoảng hai tháng phát động, cuộc thi đã nhận được hơn 50 tác phẩm dự thi của các đội thi đến từ 26/26 xã, thị trấn. Dù chỉ là một cuộc thi mang tính chất phong trào, tuy nhiên, nhiều tác phẩm được các đội thi đầu tư hết sức công phu, chuyên nghiệp. “Nhìn chung các tác phẩm có tính sáng tạo cao, được thể hiện sinh động, mang ý nghĩa tuyên truyền, giáo dục sâu sắc. Hội đồng giám khảo đã phải làm việc khá vất vả nhằm lựa chọn ra được những tác phẩm xứng đáng để trao thưởng cấp huyện và mang đi dự thi cấp TP…” - ông Nguyễn Văn Dũng cho hay.

Điều đáng mừng là cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về ứng xử trên môi trường mạng” trên địa bàn huyện Sóc Sơn đã thu hút sự tham gia của đông đảo các tầng lớp Nhân dân. Trong khi tác phẩm “Hãy tránh ra xa” do các em học sinh thực hiện, thì “Ngọc Hoàng và mạng xã hội” là sản phẩm sân khấu hóa với sự tham gia của các thành viên ở độ tuổi trung niên.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng cho biết, ngay từ khi xây dựng kế hoạch, địa phương đã chủ trương thực hiện cuộc thi với tinh thần nghiêm túc, thiết thực, chất lượng, tiết kiệm và hiệu quả; cố gắng phát huy cao nhất tính chủ động, sáng tạo và huy động được sự tham gia của đông đảo người dân.

“Sản phẩm của cuộc thi hiện đang được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội. Hy vọng rằng thông qua cuộc thi, những giá trị văn hóa pháp lý trên môi trường mạng sẽ được lan tỏa. Từ đó xây dựng thói quen tích cực của người sử dụng trên mạng xã hội…” - Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng chia sẻ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần