Lan tỏa nếp sống văn minh

Thiên Tú - Hồng Đạt
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những năm qua, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang tại các huyện đã có nhiều chuyển biến đáng kể, góp phần quan trọng hoàn thành tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới.

Vui nếp sống mới

Giờ đây, khi chuẩn bị tổ chức đám cưới cho con cái, nhiều bậc cha mẹ ở xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai không còn phải lo lắng về gánh nặng kinh tế. Từ khi có Chỉ thị 11 của Thành ủy về tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tổ chức đám cưới theo nếp sống mới đã lan tỏa tới vùng quê này. Nhiều hộ chỉ tập trung tổ chức ăn uống vào tiệc chính. Ước tính mỗi đám cưới giảm được 15 triệu đồng nhưng vẫn đảm bảo trang trọng, vui tươi. Không chỉ vậy, trong việc tang cũng dần hình thành ở Ngọc Mỹ. Ông Nguyễn Tiến Dũng – Chủ tịch UBND xã cho biết, cơ bản các hộ có người mất đã không mời khách ăn uống, chỉ nội bộ thân tộc trong gia đình và hạn chế tình trạng rải vàng mã dọc đường.
Sinh hoạt cộng đồng tại xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ. Ảnh Quang Thiện
Sinh hoạt cộng đồng tại xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ. Ảnh Quang Thiện
Tại huyện Hoài Đức, đến nay, hầu hết các đám tang trên địa bàn được tổ chức gọn nhẹ, không còn những hủ tục lạc hậu, tỷ lệ hỏa táng ngày càng tăng. Thống kê trong cả năm 2015, toàn huyện có 302/862 trường hợp người chết được hỏa táng, đạt tỷ lệ 31,5%. Việc cưới cũng được thực hiện đúng quy định về đăng ký, cấp giấy kết hôn tại trụ sở UBND xã, thị trấn. Đặc biệt, tổ chức cưới thường chỉ trong một ngày, không còn tình trạng ăn uống linh đình và không mở âm thanh lớn sau 23 giờ.

Không chỉ các huyện ven đô, việc thực hiện nếp sống mới còn lan tỏa đến các xã vùng miền núi của Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai… Tại huyện Ba Vì, Huyện ủy đã có riêng Nghị quyết 02 về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, mừng thọ và lễ hội, trong đó chọn xã Minh Châu là địa phương làm điểm. Trước đây, mỗi gia đình có người qua đời thường mổ từ 1 - 4 con lợn làm cỗ nhưng đến nay đã cắt giảm phần lớn ăn uống, tiết kiệm được từ 5 - 10 triệu đồng. Đáng chú ý, đa phần các đám tang đã xóa bỏ các thủ tục rườm rà như bắc cầu, đội mũ rơm, lăn đường, chèo đò…

Thay đổi nếp nghĩ

Có thể nói, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang là một chủ trương đúng đắn của Thành ủy nhằm xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư và giúp giảm gánh nặng cho người dân. Chủ trương đó được người dân đón nhận, hưởng ứng đã góp phần thay đổi nếp nghĩ của nhiều người dân nông thôn. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng để hình thành nên con người mới, văn hóa mới đáp ứng mục tiêu của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, việc thực hiện nếp sống văn minh ở nông thôn vẫn còn những hạn chế, tồn tại nhất định. Một cán bộ Ban Tuyên giáo Huyện ủy Phúc Thọ chia sẻ, một số xã do chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên vẫn còn gia đình tổ chức việc cưới rườm rà, ăn uống linh đình, kéo dài nhiều ngày và sử dụng thuốc lá trong tiệc cưới, gây lãng phí tiền của. Có đám cưới của cán bộ, đảng viên hay con cán bộ, đảng viên vẫn mời số lượng khách đông, ăn uống tốn kém, để lại dư luận không tốt. Hay tại huyện Ba Vì, ở nhiều nơi vẫn còn tình trạng đám ma ăn uống tràn lan. Nhiều hộ gia đình vẫn tổ chức mời khách ăn uống trong dịp 49, 100 ngày hay giỗ đầu.

Chính vì vậy, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cần tích cực tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và thực hiện theo nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Trong đó, nêu cao tinh thần gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Nói như Bí thư Đảng ủy xã Yên Sở, huyện Hoài Đức Nguyễn Đăng Hoan: “Đảng viên đi trước, làng nước đi sau thì cuộc vận động mới lan tỏa và thành công được”. Đặc biệt, cần đưa các tiêu chí thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang vào bình xét gia đình văn hóa, làng văn hóa để nâng cao tinh thần trách nhiệm của người dân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần