Người dân là chủ thể
“Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, chân lý được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết luôn đúng trong mọi thời đại, mọi hoàn cảnh. Khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, người dân lại một lần nữa chung tay cùng Chính phủ, chính quyền các cấp xây dựng nên thành lũy có thể ngăn chặn sự hoành hành của dịch bệnh. Cũng một lần nữa, huy động sức dân trở thành chiếc lược quan trọng để vượt qua khó khăn. Đó chính là sự đồng lòng của người dân trong thực hiện các chủ trương, giải pháp phòng bệnh, là việc tích cực tham gia vào cuộc chiến… Tại Hà Nội, cấp ủy, chính quyền từ TP xuống cơ sở đã lấy sự gương mẫu, tận tụy của cán bộ, đảng viên để lan tỏa, coi tổ Covid-19 cộng đồng làm nòng cốt, trung tâm để quy tụ và phát huy vai trò của người dân tham gia chống dịch. Nhờ đó, người dân không chỉ phát huy tinh thần tự giác thực hiện, mà còn trực tiếp tổ chức, tham gia giám sát phòng, chống dịch, thiết lập hàng trăm tổ tự quản, bảo vệ “vùng xanh”, tham gia vào hơn 4.500 tổ Covid-19 cộng đồng, tham gia trực, quản lý hàng nghìn chốt kiểm soát dịch ở địa bàn dân cư. Cùng với đó, hơn 4.700 tổ dân vận ở thôn, tổ dân phố đã thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân, tăng cường tuyên truyền thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Các tổ dân vận đã chủ động phối hợp với các tổ Covid-19 cộng đồng giám sát việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch tại địa phương; phối hợp thành lập tổ kiểm soát dịch tại các khu dân cư, vận động người dân cam kết tham gia thực hiện “cá nhân an toàn”, “gia đình an toàn”. Những mô hình ở cơ sở như: “Chuẩn bị 3 trước”, phong tỏa ba lớp ở Đông Anh; vùng xanh ở Mai Động (quận Hoàng Mai); phòng, chống dịch khép kín ở Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng); cung ứng thực phẩm tại nhà ở Chương Dương (quận Hoàn Kiếm)… đã tạo hiệu ứng lan tỏa, tăng thêm sức mạnh cho TP trong cuộc chiến chống dịch bệnh.Không để ai bị bỏ lại phía sauKhi người dân tại các khu vực nguy cơ cao gặp nhiều khó khăn trong đời sống, để người dân yên tâm, chính quyền các cấp đã linh hoạt, chủ động trong bảo đảm việc cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu, không để gia đình nào thiếu đói, không để ai bị bỏ lai phía sau.Tại Hà Nội, cùng với việc triển khai nhanh các chương trình hỗ trợ từ Chính phủ, TP, nhiều mô hình sáng tạo khác cũng đã phát huy hiệu quả tốt. Điển hình như chương trình “Đoàn kết chống dịch” do Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội triển khai; chương trình “Xe buýt 0 đồng”, “Tổ an toàn Covid-19”, “Vùng xanh doanh nghiệp” của LĐLĐ TP Hà Nội thực hiện; mô hình “Bếp ăn ấm tình - vượt qua mùa dịch” của Hội LHPN TP Hà Nội; chương trình “Nghĩa tình nông dân Thủ đô - Đoàn kết chia sẻ”, “Nông dân Thủ đô đoàn kết chung tay đẩy lùi Covid-19” hỗ trợ tiêu thụ nông sản, chăm lo đời sống nông dân… Đồng thời chính mỗi người dân lại là chủ thể, cùng góp công sức và vật chất, nhân lên tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng.Hà Nội hiện đang đẩy mạnh việc thực hiện phong trào thi đua đặc biệt "Toàn dân đoàn kết, chung sức thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”, qua đó tiếp tục phát huy sức mạnh của người dân. Để từ đó, nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch, với tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ”, “mỗi gia đình, cơ quan, đơn vị, địa phương là một pháo đài chống dịch”. Và khi TP đang dần chuyển sang “bình thường mới”, phòng chống dịch gắn với phát triển kinh tế - xã hội, để thích ứng an toàn với dịch, hơn lúc nào hết, càng cần sự chung sức của người dân. Mỗi người dù ở đâu, cũng cần đề cao trách nhiệm cá nhân, tự giác tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch. Điều đó không chỉ thể hiện ý thức vì cộng đồng, mà còn là cách tốt nhất góp sức trong “cuộc chiến” với dịch, nhân lên nguồn sức mạnh bảo vệ sự an toàn cho xã hội từ chính “sức dân”.