95 năm ngày thành lập đảng

Lan tỏa sâu rộng định hướng về “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” trong các trường học

Nguyên Bảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Triển khai kế hoạch của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, đến nay các trường trong Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội đã đẩy mạnh đợt sinh hoạt chính trị về “Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

Việc tiến hành sinh hoạt chuyên đề về "Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” đã tạo ra sự lan tỏa mạnh mẽ về tư tưởng chỉ đạo, định hướng lớn của Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đối với cán bộ, đảng viên và sinh viên trong các trường trên địa bàn Thủ đô…

PGS.TS Vũ Ngọc Khiêm - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng trường trường Đại học Công nghệ GTVT phát biểu tại buổi sinh hoạt chuyên đề về “Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” tại Chi bộ Khoa Luật - Chính trị (trường Đại học Công nghệ GTVT).
PGS.TS Vũ Ngọc Khiêm - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng trường trường Đại học Công nghệ GTVT phát biểu tại buổi sinh hoạt chuyên đề về “Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” tại Chi bộ Khoa Luật - Chính trị (trường Đại học Công nghệ GTVT).

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong thực hiện công việc

Ghi nhận tại các trường đại học, cao đẳng thuộc Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội cho thấy, chi bộ ở các trường đã tích cực triển khai tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề “Nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền về tư tưởng chỉ đạo, định hướng lớn của Đảng và đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về “Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc””.

Liên quan công tác triển khai đợt sinh hoạt chính trị này, PGS.TS Vũ Ngọc Khiêm - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng trường trường Đại học Công nghệ GTVT cho biết, ngay sau khi được tham gia hội nghị trực tuyến do Thành uỷ Hà Nội tổ chức về nghiên cứu, quán triệt tư tưởng của Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm về “Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” và thực hiện kế hoạch của Đảng uỷ khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội, trường đã khẩn trương giao Ban Tuyên giáo Đảng uỷ trường phối hợp với Văn phòng Đảng uỷ gửi toàn bộ tài liệu hướng dẫn liên quan kế hoạch triển khai đến 40 chi bộ và 5 Đảng bộ Bộ phận trực thuộc trường để thuận lợi trong quá trình tiếp cận và triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, trường còn đăng tải tài liệu trên các trang mạng thông tin nội bộ của trường. Đây là một trong các hình thức tạo thuận lợi rất lớn không chỉ cho toàn thể đảng viên trong Đảng bộ mà còn tới quần chúng ưu tú, giảng viên, nhân viên, sinh viên trong toàn trường. Đến nay, 100% các chi bộ gồm 40 chi bộ và 5 Đảng bộ Bộ phận trực thuộc trường đã đăng ký đầy đủ kế hoạch thực hiện sinh hoạt chuyên đề về “Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

“Chúng tôi nghĩ rằng đây là một trong những cơ hội để các đảng viên trong Đảng bộ tiếp cận, hiểu rõ thêm định hướng lớn của Đảng về “Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Với vai trò là một trường đại học, chúng tôi tin tưởng rằng, sau các cuộc sinh hoạt chuyên đề như này sẽ tạo thêm động lực, sự hiểu biết để truyền tải đến sinh viên nắm được chủ trương, định hướng lớn của Đảng về phát triển đất nước trong giai đoạn tới. Dự kiến đến cuối tháng 3/2025, Đảng uỷ trường sẽ tổ chức hội nghị toạ đàm cấp trường để tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm” – PGS.TS Vũ Ngọc Khiêm chia sẻ.

Một trong những nội dung được nhiều chi bộ ở các trường chọn để thực hiện sinh hoạt đó là vấn đề chuyển đổi số. Đối với công tác này, PGS.TS Vũ Ngọc Khiêm cho biết, nhiều năm qua nhà trường vẫn luôn chú trọng đến công tác này. Theo đó, công tác chuyển đổi số đã được trường đưa vào ứng dụng trong các hoạt động quản lý, đào tạo thông qua ứng dụng các phần mềm. Đối với cán bộ, giảng viên có nhiều chương trình phần mềm để hỗ trợ trong công tác giảng dạy, nghiêm cứu.

Đối với sinh viên, hiện nay nhà trường xây dựng nhiều phầm mềm giúp sinh viên tiếp cận kho tài liệu giảng dạy của trường ở nhiều nơi như thư viện, trên lớp. Thời gian tới, các hoạt động của trường sẽ tiếp tục khai thác, ứng dụng chuyển đổi số nhiều hơn nữa. Đặc biệt, trường sẽ chú trọng đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng CNTT để triển khai ứng dụng các phần mềm.

Quang cảnh một buổi sinh hoạt chuyên đề về “Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” tại Chi bộ Khoa Pháp luật Hành chính - Nhà nước (Đảng bộ Trường Đại học Luật Hà Nội). 
Quang cảnh một buổi sinh hoạt chuyên đề về “Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” tại Chi bộ Khoa Pháp luật Hành chính - Nhà nước (Đảng bộ Trường Đại học Luật Hà Nội). 

Phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền

Để góp phần đưa đất nước bước vào “Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, trao đổi với báo chí, TS Chu Mạnh Hùng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật với tính chất là công cụ tạo ra sự “đột phá” như khẳng định trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng là yêu cầu cấp thiết.

Theo TS Chu Mạnh Hùng, pháp luật là nền tảng tạo lập hạ tầng pháp lý để dẫn dắt và định hướng cho sự phát triển xã hội. Vì vậy, có được hệ thống pháp luật tốt và tổ chức thực hiện pháp luật một cách có hiệu quả là yêu cầu tất yếu trong quản trị quốc gia. Qua gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành công về mọi mặt. Trên cơ sở kế thừa những kết quả đạt được và đáp ứng yêu cầu của bối cảnh mới, cần thiết phải có tư duy và hoạt động mới về xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật nhằm xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả. Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo…”.

Điều đó cho thấy, việc xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, DN làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững. Đặc biệt, gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật.

Trong giai đoạn hiện nay, khi đất nước chuẩn bị bước vào “Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, Tổng Bí thư Tô Lâm một lần nữa nhấn mạnh tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong đó có đề cao việc xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật. Pháp luật Việt Nam phải phản ánh đúng thực tiễn Việt Nam nhằm phát huy dân chủ và vì con người. Vì vậy, cần phải có tư duy mới về xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật trên nguyên tắc kiểm soát quyền lực.

TS Chu Mạnh Hùng cũng cho biết, để việc xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật bảo đảm phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trước hết, cần phải hoàn thiện cơ chế phân công, phối hợp kiểm soát quyền lực Nhà nước trong xây dựng pháp luật. Xác định đầy đủ, rõ ràng, hợp lý hơn về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan Nhà nước trong xây dựng pháp luật. Đây là giải pháp căn bản để góp phần khắc phục những hạn chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm chất lượng các văn bản pháp luật. Cùng với đó là tăng cường kỷ luật, kỷ cương, quy định chế độ trách nhiệm, chế tài xử lý vi phạm đối với cá nhân, tổ chức trong xây dựng pháp luật. Quá trình soạn thảo, thẩm định, thẩm tra… phải có sự phối hợp chặt chẽ, rõ ràng trách nhiệm, tránh tình trạng “giữa đường đổi vai”. Đồng thời, cần thiết lập cơ chế phòng, chống việc cài cắm lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật; hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển.

Để đất nước bước vào “Kỷ nguyên mới”, theo TS Chu Mạnh Hùng, tính Đảng trong xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật thể hiện ở vai trò định hướng của Đảng đối với sự phát triển của đất nước cũng như pháp luật; kiểm soát quyền lực và yêu cầu về việc thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng. Từ đó, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) đang dự thảo đã xác định nguyên tắc đầu tiên của Luật. Đó là bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng pháp luật; thể chế hóa kịp thời, đúng và đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Đất nước sắp bước vào “Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Vì vậy, toàn bộ hệ thống chính trị tiếp tục phải được đổi mới để theo kịp sự vận động của thực tiễn, phát huy nguồn lực và động lực để phát triển đất nước. Việc xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật một cách hiệu quả trên cơ sở định hướng của Đảng chính là tháo gỡ “điểm nghẽn của điểm nghẽn” nhằm thực hiện các đột phá chiến lược được khẳng định trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XIV hiện thực hóa các mục tiêu và khát vọng phát triển đất nước vào năm 2030, tầm nhìn 2045.