Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” khẳng định: “Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng”. Nghị quyết số 35-NQ/TW cũng nhấn mạnh: “Gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, “xây” là cơ bản, “chống” phải quyết liệt, hiệu quả. Kết hợp giữa nhiệm vụ trước mắt và nhiệm vụ lâu dài”. Đặc biệt, Nghị quyết nêu rõ: “Chủ động tăng cường thông tin tích cực đi đôi với ngăn chặn có hiệu quả, xử lý, xóa bỏ thông tin xấu độc trên Internet, mạng xã hội”.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Trong đó, báo chí giữ vai trò tiên phong, đấu tranh công khai trên mặt trận này.
Hiện nay các thế lực thù địch liên tục tung tin “hỏa mù” với hàng nghìn bài viết, phỏng vấn, thư ngỏ, tán phát thông tin thật giả lẫn lộn để bịa đặt, xuyên tạc, phủ nhận nền tảng tư tưởng, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đó là việc hạ thấp, phủ nhận thành tựu, khoét sâu, thổi phồng những khó khăn, yếu kém, sai lầm trong phát triển kinh tế - xã hội. Đó còn là việc lợi dụng các sự kiện chính trị, lịch sử truyền thống cách mạng, vụ việc phức tạp, nhạy cảm để gia tăng các hoạt động chống phá… Bên cạnh đó, các lực lượng cơ hội chính trị nước ngoài còn sử dụng mạng xã hội để tạo ra hệ thống "nhà báo công dân", xây dựng các tổ chức "tự do báo chí", "phóng viên không biên giới" nhằm dẫn dắt, lèo lái dư luận theo mưu đồ chính trị phản động.
Trước thực trạng đó, báo chí cách mạng Việt Nam với vai trò là vũ khí sắc bén của Đảng trên mặt trận tư tưởng - văn hóa.
Chủ động lan tỏa thông tin tích cực thực chất là việc chủ động đăng tải, chia sẻ các thông tin tốt, thông tin chính thống, thông tin có tính định hướng dư luận xã hội để lan tỏa những thông tin tốt, hình ảnh đẹp, những câu chuyện mang giá trị nhân văn, người tốt việc tốt nhằm tạo ra xu hướng tích cực trên báo chí, Internet, mạng xã hội, từ đó “cạnh tranh”, “lấn át” các thông tin tiêu cực, thông tin xấu, độc, góp phần định hướng dư luận xã hội, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, hiện Việt Nam có trên 800 cơ quan báo chí và hơn 41.000 nhân sự hoạt động trong các cơ quan báo chí trên cả nước, thuộc đầy đủ những loại hình truyền thông đa phương tiện, hiện đại, tạo mạng lưới thông tin rộng khắp ở các vùng, miền. Đây là nền tảng cơ sở vững chắc để lan tỏa những thông tin tích cực, thực hiện giải pháp hữu hiệu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời điểm hiện nay.
Với tinh thần “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”, thời gian qua, các cơ quan báo chí đã sử dụng nhiều hình thức, cách thức, phát động nhiều phong trào, cuộc vận động với những mô hình hay, thiết thực, ý nghĩa nhằm lan tỏa thông tin tốt, thông tin tích cực góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Trong đó, báo chí tăng cường xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, chương trình, thời lượng thông tin, tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chỉ thị, nghị quyết lớn của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, công tác xây dựng Đảng. Khẳng định những thành tựu phát triển của đất nước trong công cuộc đổi mới, hội nhập khu vực và quốc tế ngày càng sâu rộng. Báo chí tích cực tuyên truyền đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tuyên truyền khẳng định quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong điều tra, xét xử các vụ án tham nhũng lớn. Quan tâm tuyên truyền xây dựng nền tảng tinh thần của con người và xã hội; công tác an sinh xã hội….
Báo chí cũng triển khai các bài viết phân tích, luận giải, làm rõ những giá trị bền vững, tính đúng đắn, khoa học và cách mạng của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; khẳng định tính ưu việt của hệ thống chính trị nước ta. Các tin bài, chuyên trang, chuyên mục trên báo chí về chủ đề này có tác động mạnh mẽ, cảnh tỉnh, nâng cao sức tự đề kháng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trước những chiêu bài kích động, xuyên tạc, bịa đặt gây nghi ngờ, chia rẽ nội bộ của các thế lực thù địch, phản động, qua đó góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Báo chí cũng tổ chức các diễn đàn trực tuyến, thông qua đó định hướng chính trị, tư tưởng và nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân về các vấn đề “nóng”, phản bác các thông tin xấu độc, các luận điệu xuyên tạc, vu khống, định hướng đúng đắn dư luận xã hội.
Đồng thời, báo chí luôn là bộ phận nhanh chóng phát hiện vấn đề, kịp thời xử lý các điểm nóng, gióng hồi chuông cảnh báo, đưa ra giải pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn các quan điểm sai trái, phản bác các thế lực thù địch, góp phần tạo sự ổn định chính trị để phát triển kinh tế xã hội ở từng địa phương.
Tại Hà Nội, hiện có 8 cơ quan báo chí gồm 1 Đài PT-TH Hà Nội, 5 báo (Hànộimới, Kinh tế & Đô thị, Phụ nữ Thủ đô, Lao động Thủ đô, Tuổi trẻ Thủ đô) và 2 tạp chí (Tạp chí Người Hà Nội và Tạp chí Khoa học của Trường Đại học Thủ đô) với đa dạng các ấn phẩm báo in và cả điện tử, các kênh mạng xã hội. Báo chí Hà Nội đã xây dựng, duy trì và nâng cao chất lượng các chuyên trang, chuyên mục, chương trình để lan tỏa các thông tin tích cực như (như: Đảng trong cuộc sống; Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; Mỗi ngày một chuyện; Chính sách và cuộc sống; Góc nhìn văn hóa; Vấn đề hôm nay; Suy ngẫm đầu tuần…), thường xuyên cập nhật tình hình, đăng tải các tin, bài kịp thời phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, đối tượng cơ hội chính trị. Nhiều vụ việc được dư luận xã hội quan tâm liên qua đến lợi dụng khiếu kiện về đất đai để tụ tập, gây rối; việc xử lý đối với một số cán bộ cấp cao… đều được các cơ quan báo chí Hà Nội thông tin, phản ánh kịp thời, góp phần định hướng dư luận
Báo chí Hà Nội đã thể hiện rõ vai trò quan trọng trong tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; những kết quả, thành tựu trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước, cổ vũ, nhân rộng gương điển hình tiên tiến, nhân tố mới, các tấm gương “Người tốt, việc tốt”. Chủ động khai thác, tuyên truyền, phản ánh đậm nét các giải pháp quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ và Thành phố. Tích cực đổi mới công tác tuyên truyền các sự kiện chính trị, những vấn đề lớn, quan trọng của đất nước và Thủ đô; định hướng văn hóa, thẩm mỹ cho bạn đọc; tích cực thông tin, tuyên truyền phản ánh sinh động thực tiễn đời sống xã hội, góp phần nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng; quảng bá hình ảnh, uy tín của đất nước, con người Việt Nam, hình ảnh Thủ đô Hà Nội.
Thông qua công tác tuyên truyền này đã nâng cao khả năng đề kháng của Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ trước những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Đây cũng là biện pháp đấu tranh, ngăn chặn, phản bác từ sớm, từ xa các luận điệu sai trái, xuyên tạc được các cơ quan báo chí Hà Nội coi trọng và thực hiện liên tục, thường xuyên, hàng ngày.
Trước thực tế công nghệ thông tin, mạng xã hội ngày càng phát triển, ai cũng có thể đăng tải và thu nhận được các thông tin qua mạng xã hội, các báo đã xây dựng các fanpage rất đặc biệt dành cho bạn đọc. Các fanpage này chính là nơi để bên cạnh những tuyến bài viết chính thống trên báo ngày và báo điện tử, sẽ tập hợp được ý kiến, đồng thời có sự giải thích, sự phản biện các luồng thông tin.
Việc thiết lập, duy trì hoạt động của các trang thông tin điện tử, tài khoản mạng xã hội (Facebook, Fanpage, YouTube…) để đăng tải tin, bài, phóng sự, video clip, hình ảnh… có nội dung tích cực, thông tin tốt, thông tin chính thống. Thông qua đó, tạo dòng thông tin chính thống định hướng dư luận, tạo đồng thuận trong xã hội ủng hộ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…
Để giúp tạo nguồn thông tin tích cực cho báo chí đăng tải, những năm qua, thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản như Chỉ thị số 25-CT/TU, ngày 21/01/2014 của Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội về việc cung cấp thông tin và trả lời báo chí; Quyết định số 21/2018/QĐ-UBND 05/9/2018 của UBND Thành phố về ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước thành phố Hà Nội… Đây là những văn bản có ý nghĩa quan trọng, tạo cơ chế để các cấp, các ngành Thành phố chủ động phối hợp, tăng cường cung cấp thông tin cho báo chí, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan báo chí Thành phố tiếp cận thông tin chính thống trong quá trình tác nghiệp, thực hiện nhiệm vụ chính trị. Qua đó, giúp các cơ quan báo chí cung cấp thông tin kịp thời, thường xuyên, chính xác và đầy đủ đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân, hạn chế thấp nhất “khoảng trống” thông tin để các thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc chống phá.
Có thể thấy rằng, những thông tin tốt, tích cực, chính thống được đăng tải rộng rãi trên báo chí, Internet, mạng xã hội thời gian qua không chỉ định hướng dư luận xã hội mà còn “lấn át”, “giải độc” các thông tin xấu, thông tin tiêu cực, phản bác các thông tin xuyên tạc, các quan điểm sai trái, thù địch góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Điều đó cũng cho thấy, chủ động lan tỏa thông tin tích cực thông qua báo chí truyền thông và nền tảng xã hội chính là giải pháp hữu hiệu để bảo vệ nền tàng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới.
Để làm tốt hơn nữa vấn đề này, vẫn còn một số vấn đề đặt ra cần quan tâm. Trong đó, đề cao sự nhanh nhạy của báo chí trong chuyển đổi cách thức thông tin cho theo phương thức làm báo hiện đại để phục vụ bạn đọc tốt hơn, có sức lan tỏa nhanh hơn. Khai thác, chia sẻ trên các trang thông tin điện tử, tài khoản mạng xã hội trong các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị, tạo thành “dòng chảy” thông tin tích cực lan tỏa nhanh đến cộng đồng, áp đảo thông tin xấu độc.
Chủ động xây dựng các chuyên mục chuyên sâu, phóng sự, bài viết phản ánh chân thực, khách quan, phản ánh hơi thở cuộc sống, đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ thông tin, hấp dẫn, thu hút, qua đó, định hướng tư tưởng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là giới trẻ trên báo chí, Internet, mạng xã hội.
Trong xu thế chuyển đổi số, việc phát huy hơn nữa thế mạnh của báo điện tử và kết hợp xây dựng các trang thông tin điện tử của các địa phương, cơ quan, đơn vị được đặc biệt đề cao, nhằm xây dựng báo chí điện tử trở thành loại hình truyền thông chủ lực, hiện đại với nhiều ưu điểm, lợi thế nhanh, đa dạng, sâu rộng. Chú trọng thiết lập các diễn đàn, các cuộc giao lưu, bàn tròn, phỏng vấn trực tuyến sinh động, hấp dẫn, phản ánh được hơi thở cuộc sống, đáp ứng nhu cầu được cung cấp thông tin của các tầng lớp Nhân dân…