Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11):

Lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật để vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11), các đơn vị, quận, huyện trên địa bàn Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa. Những hoạt động này thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của toàn xã hội, lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật để vươn mình trong kỷ nguyên mới.

Học sinh không cần đợi trưởng thành mới thực thi pháp luật

Tại quận Thanh Xuân, sáng 31/10, Sở GD&ĐT Hà Nội phối hợp với quận Thanh Xuân tổ chức Lễ hưởng ứng “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” năm 2024 tại Trường THCS Thanh Xuân.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chụp ảnh cùng lãnh đạo các sở ngành, quận Thanh Xuân và thầy trò Trường THCS Thanh Xuân
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chụp ảnh cùng lãnh đạo các sở ngành, quận Thanh Xuân và thầy trò Trường THCS Thanh Xuân

Tại đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, chúng ta đã và đang hướng tới xây dựng nền giáo dục phát triển toàn diện. Bên cạnh vai trò là cá nhân, mỗi học sinh còn cần thể hiện trách nhiệm là công dân trong xã hội. Các học sinh cũng không cần đợi trưởng thành mới thực thi pháp luật. Việc này không chỉ có nhận thức mà phải có hành động, trong việc làm, sự tuân thủ. Không chỉ học tập trong nội dung chính khoá mà còn trong các hoạt động tập thể của mỗi nhà trường. Bắt đầu từ những việc nhỏ nhất trong cuộc sống hàng ngày và khởi đầu của thực hiện pháp luật của học sinh là thực hiện đúng quy định nhà trường, lớp.

Tại huyện Thanh Oai, ngày 4/11, Phòng GD&ĐT huyện Thanh Oai, Huyện đoàn, phòng Tư pháp huyện phối hợp tổ chức Lễ hưởng ứng Ngày pháp luật tại Trường Tiểu học Mỹ Hưng. Buổi lễ hưởng ứng có chủ đề: "Tuyên truyền về Luật Thủ đô, Luật Nhà giáo, ứng dụng ihanoi và công tác giáo dục pháp luật trên địa bàn huyện Thanh Oai” đã thu hút sự quan tâm, tham gia đông đảo của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và cha mẹ học sinh.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Vũ Quỳnh nêu rõ, để tinh thần thượng tôn pháp luật luôn được đặt lên hàng đầu, xuyên suốt trong nếp sống của mỗi người dân, mỗi cộng đồng xã hội, công tác tuyên truyền cần tạo hiệu ứng rộng rãi, thiết thực. Công tác tuyên truyền, phổ biến cần tránh mang tính hình thức, nhằm mang đến cho người dân những nguồn kiến thức pháp luật một cách dễ nhớ, dễ hiểu, kịp thời để các tầng lớp Nhân dân cũng như toàn thể đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh Thanh Oai nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.

Tại huyện Đan Phượng, chiều 5/11, Phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng tổ chức điểm lễ hưởng ứng “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2024”. Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng Nguyễn Quý Liễu cho hay, để Ngày Pháp luật tiếp tục được thực hiện sâu rộng, thực chất, hiệu quả, các nhà trường đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, đưa việc học tập tìm hiểu pháp luật trở thành hoạt động thường xuyên của mỗi nhà trường.

“Phiên tòa giả định” do Trung tâm Trợ giúp pháp lý Hà Nội phối hợp với phòng Tư pháp huyện Đan Phượng tổ chức. Ảnh: Trần Thảo
“Phiên tòa giả định” do Trung tâm Trợ giúp pháp lý Hà Nội phối hợp với phòng Tư pháp huyện Đan Phượng tổ chức. Ảnh: Trần Thảo

Cùng với đó, các trường phát huy vai trò chủ động, tích cực, tự giác nêu gương của cán bộ đảng viên, giáo viên trong học tập, tìm hiểu pháp luật, đặc biệt là chấp hành pháp luật vì quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân và cộng đồng. Để từ đó, các trường tạo sức lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật trong đời sống của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong các cơ sở giáo dục. Đây cũng là dịp để các trường xây dựng văn hóa pháp luật gắn với xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; chủ động học tập, tìm hiểu và chấp hành Luật Thủ đô.

Hiệu quả từ mô hình phiên tòa giả định trong trường học

Tại quận Cầu Giấy, hưởng ứng Ngày Pháp luật, ngày 5/11, Trường THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm – Cầu Giấy đã tổ chức điểm hưởng ứng Ngày Pháp luật cho khối các cụm trường THPT trên địa bàn TP Hà Nội. Tại sự kiện, các đại biểu, thầy cô giáo cùng 300 học sinh Trường THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm – Cầu Giấy đã cùng đến với “Phiên tòa giả định” xét xử sơ thẩm vụ án hình sự “Cố ý gây thương tích, làm nhục người khác”.

Phiên tòa giả định đã giúp học sinh tìm hiểu sâu hơn về quy trình xét xử, những nguyên tắc công bằng và giá trị của pháp luật trong đời sống. Đây cũng là dịp để các em hiểu rõ hơn vai trò của mỗi thành viên trong hội đồng xét xử, từ thẩm phán, công tố viên, luật sư bào chữa, đến các bên liên quan; đồng thời có thêm nhiều kiến thức, nhận thức về pháp luật.

“Sau khi xem phiên tòa giả định, em thấy rằng nếu thiếu nhận thức và hiểu biết pháp luật, con người ta rất dễ mắc phải sai lầm để rồi phải ân hận. Mỗi công dân cần có ý thức về quyền, nghĩa vụ của mình để sống và làm việc theo tinh thần thượng tôn pháp luật” - em Nguyễn Anh Tú, học sinh lớp 12D8, Trường THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm chia sẻ.

Thầy trò Trường THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy trong Phiên tòa giả định tại Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam. Ảnh: Điệp Quyên
Thầy trò Trường THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy trong Phiên tòa giả định tại Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam. Ảnh: Điệp Quyên

Tại quận Long Biên, ngày 4/11, Sở Tư pháp Hà Nội phối hợp cùng Sở GD&ĐT đã tổ chức mô hình “Phiên toà giả định” với chủ đề pháp luật về an ninh mạng cho học sinh trường THPT Thạch Bàn.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương cho biết, Ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, đề cao giá trị của Hiến pháp, pháp luật trong Nhà nước pháp quyền cũng như là giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Việc được tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam năm nay trên địa bàn Hà Nội là đợt sinh hoạt chính trị, pháp lý sâu rộng, làm cơ sở để triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, thiết thực, để triển khai thi hành Luật Thủ đô vừa được Quốc hội thông qua.

Theo đó, Phiên tòa giả định là một mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm đưa pháp luật để để gần hơn với các em học sinh cũng giúp các em học sinh hiểu rõ hơn về pháp luật, những chế tài nghiêm khắc của pháp luật khi thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Qua đó sẽ giáo dục ý thức cho các em học sinh, giúp các em học sinh có ý thức hơn trong việc chấp hành các quy định của pháp luật, đồng thời cũng hình thành cho các em thói quen tuân thủ pháp luật trong xây dựng và văn hóa pháp lý trong trong những hành vi ứng xử đời thường hàng ngày của mình và với thông điệp hiểu biết pháp luật và chấp hành pháp luật là bảo vệ chính mình, vì cộng đồng, vì một xã hội dân chủ, văn minh.

Theo Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội Nguyễn Văn Hà, mô hình Phiên tòa giả định được Sở Tư pháp Hà Nội với Đoàn Luật sư Hà Nội đã và đang triển khai sâu rộng trên các trường THCS, THPT trên địa bàn thành phố. Đây là một trong những chuyên đề được các nhà trường trên địa bàn thành phố hưởng ứng, với các nội dung tuyên truyền: Luật An ninh mạng; Luật An toàn giao thông; pháp luật về phòng chống ma túy; phòng chống bạo lực học đường; văn hóa sử dụng mạng xã hội an toàn văn minh; tác hại của thuốc lá điện tử...