Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lan tỏa tình yêu Hà Nội

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thành lập tháng 9/2016, Nhóm Ký họa đô thị Hà Nội (Urban Sketchers Hanoi) đang thu hút sự quan tâm của đông đảo cộng đồng những người yêu mỹ thuật, hội họa, hoặc đơn giản là muốn tìm hiểu, lưu giữ những nét đẹp di sản của Thủ đô.

Không khoảng cách
Một ngày Thu cuối tháng 10, đám trẻ nhỏ theo chân bố mẹ về thăm làng Cựu (xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên). Những cô cậu thanh thiếu niên thường ngày chỉ biết làm bạn với sách vở hoặc thiết bị điện tử, lật giở từng trang vẽ với bút màu. Chốc chốc lại quay sang khoe bố mẹ khi hoàn thành một chi tiết của bức họa. Ngồi kế bên, bố mẹ các em vừa dõi theo con, vừa tay giấy tay bút, tô vẽ, phác lên hình ảnh những mái nhà cổ kính.
 Thành viên Nhóm Ký họa đô thị Hà Nội thuộc nhiều nhóm tuổi, giai tầng khác nhau. Ảnh: Trọng Tùng
Ở một góc khác, nhóm học sinh, sinh viên miệt mài từng nét vẽ với bút than chì. Trong khi những nhân viên văn phòng, kỹ sư… kê cao ghế, chọn cho mình một chiếc giá vẽ, đôi mắt chăm chú, bàn tay loang loáng những nét màu nước. Tất cả như thả hồn vào một không gian nghệ thuật tại ngôi làng cổ kính…

Đây là một trong những hoạt động cộng đồng do Nhóm Ký họa đô thị Hà Nội tổ chức hàng tuần suốt gần 2 năm qua. Anh Hoàng Quốc Đạt, một kỹ sư công nghệ thông tin cho biết, tuần nào vợ chồng anh cũng cố gắng sắp xếp để cùng hai con tham gia cùng nhóm. Theo anh Đạt, nhờ có nhóm ký họa, gia đình anh đã có thêm một không gian sinh hoạt bổ ích vào dịp cuối tuần. Không chỉ có cơ hội được tìm hiểu, học hỏi về mỹ thuật, hội họa, các thành viên như gia đình anh Đạt khi tham gia đều không phải đóng góp bất cứ khoản kinh phí nào.

"Nhóm Ký họa đô thị Hà Nội đã rất thành công trong việc níu kéo sự chú ý của đông đảo người dân Thủ đô vào những thứ tưởng chừng bình dị mà tuyệt đẹp của Hà Nội. Đó là những thứ mà chúng ta vẫn thường nhìn thấy, nhưng lại không nhiều người thực sự nhận ra." - TS Martin Rama - Giám đốc dự án tại Trung tâm Phát triển bền vững đô thị, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Cùng với tổ chức các buổi offline miễn phí, ký họa theo từng chủ đề như làng cổ, phố cổ, khu tập thể - chung cư cũ, công trình kiến trúc Pháp…, trang facebook của nhóm có tên “Urban Sketchers Hanoi” hiện thu hút hàng nghìn thành viên và người theo dõi. Các thành viên Nhóm Ký họa đô thị Hà Nội thường xuyên đăng tải những bức vẽ tự sáng tác, chia sẻ kinh nghiệm, góc nhìn, cũng như những câu chuyện về đời sống đô thị gắn liền với những bức họa.

Những bức vẽ giản đơn như bắt được cái hồn của Hà Nội. Đó có thể là một dãy chung cư cũ, một khoảng sân mùa lá rụng, một hành lang, cầu thang hay “chuồng cọp” được cơi nới tại những khu tập thể… Những nét vẽ khắc họa lát cắt đa sắc màu về vẻ đẹp ẩn chứa trong những công trình cổ kính, xưa cũ, mà đối với nhiều người dân Hà Nội tưởng chừng như rất đỗi bình thường.

Chung tay xây dựng cộng đồng

Nhóm Ký họa đô thị Hà Nội được thành lập với 4 thành viên ban đầu là những kiến trúc sư, họa sĩ. KTS Trần Thị Thanh Thủy - giảng viên trường Đại học Kiến trúc Hà Nội hiện là phụ trách chính của nhóm cho biết, đến nay, nhóm đã thu hút sự tham gia thường xuyên của khoảng 50 thành viên và trên 3.000 người theo dõi, ủng hộ các hoạt động.

Là một tổ chức cộng đồng hoạt động phi lợi nhuận, mục tiêu mà nhóm hướng tới là kết nối, tạo sân chơi lành mạnh cho những người yêu thích mỹ thuật, hội họa, cùng mong muốn lưu giữ những giá trị di sản của Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung.
 Bức ký họa Khu tập thể Thành Công.

Chỉ trong một thời gian ngắn, Nhóm Ký họa đô thị Hà Nội đã tạo nên một sân chơi, kết nối những họa sĩ lang thang tìm cảm hứng, những cô cậu sinh viên hàng ngày chỉ biết vùi đầu vào con chữ, từ nhạc sĩ về hưu đến những em nhỏ mới cắp sách đến trường, từ những bà nội chợ đến nhân viên văn phòng bận bịu… Gác lại những bộn bề, lo toan, tất cả đến với nhóm, để được sống với đam mê của bản thân.

Họa sĩ Nguyễn Hoàng Lâm, một trong 4 thành viên sáng lập Nhóm Ký họa đô thị Hà Nội, cho biết hoạt động của nhóm có được những hiệu ứng khá tích cực đến nay là nhờ sự chung tay, góp sức của rất nhiều thành viên. Mỗi thành viên trong nhóm có một chuyên môn, nghiệp vụ riêng, tuy nhiên, tất cả đều có ý thức đóng góp, xây dựng cộng đồng. Đơn cử như người làm trong lĩnh vực hội họa, kiến trúc sẽ hỗ trợ, giúp đỡ các thành viên khác kiến thức về mỹ thuật, kỹ năng sáng tạo tác phẩm; kỹ sư công nghệ thông tin trợ giúp công tác quản trị nhóm trên mạng xã hội…

Để có được nguồn tài chính phục vụ hoạt động, nhóm ưu tiên kêu gọi hỗ trợ từ nguồn xã hội hóa. Ngoài ra, các thành viên trong nhóm còn thường xuyên tổ chức các chương trình gây quỹ như bán phù hiệu “Urban Sketchers Hanoi”, áo phông có in những bức ký họa hoặc xin hỗ trợ phương tiện đi lại, không gian tổ chức sự kiện… Bên cạnh trách nhiệm xây dựng tổ chức, sự tham gia tích cực của các thành viên đã góp phần tạo nên sợi dây gắn kết trong cộng đồng ký họa đô thị Hà Nội.

Khơi dậy tình yêu Hà Nội

Không chỉ là cộng đồng của những người yêu thích mỹ thuật, hội họa, Nhóm Ký họa đô thị Hà Nội còn hướng tới mục tiêu khơi dậy và lan tỏa tình yêu với Thủ đô, thông qua việc tổ chức các sự kiện, triển lãm thường niên. Tháng 6 các năm 2017 – 2018, nhóm đã tổ chức hai triển lãm mang tên “Bé vẽ Hà Nội”. Ngoài ra, cuối năm 2016 và 2017, tổ chức thành công các triển lãm “Ký họa Hà Nội”. Những sự kiện trên đã thu hút sự quan tâm, tham gia của hàng vạn người dân, bao gồm cả du khách trong và ngoài nước. Qua đó, giúp cộng đồng có thêm một góc nhìn mới mẻ về đời sống đô thị của Thủ đô.

Cùng với các hoạt động tại Hà Nội, nhóm cũng đã tham gia một số chương trình bảo tồn di sản tại Bắc Ninh và Thừa Thiên Huế. Cụ thể, năm 2017, nhóm tham gia chương trình “Ký họa di sản Kinh Bắc” tại Bắc Ninh và năm 2018 vừa qua là “Ký họa di sản Huế” tại Thừa Thiên Huế. Sau những ngày ký họa, các tác phẩm được trưng bày, triển lãm tại những trung tâm văn hóa, để đông đảo người dân tiếp cận, tìm hiểu, qua đó, có cái nhìn tích cực đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản.

KTS Trần Thị Thanh Thủy cho biết, từ nay đến cuối năm 2018, bên cạnh triển lãm “Ký họa Hà Nội” thường niên, nhóm dự định cho ra mắt cuốn sách “Ký ức các chung cư cũ của Hà Nội”. Cuốn sách sẽ do Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành, là tổng hợp những bức ký họa về những công trình kiến trúc cổ của Hà Nội. Bên cạnh đó là cả những câu chuyện chân thực về đời sống đô thị qua lời kể của những người đã gắn bó, đang sinh sống tại những khu tập thể, chung cư cũ…

“Cùng với biến chuyển của thời gian, một ngày nào đó, những công trình kiến trúc cũ sẽ kết thúc sứ mệnh. Nhưng khi còn ở đó, chúng vẫn mang những giá trị riêng, làm nên một Hà Nội khác biệt. Thông qua những bức ký họa, chúng tôi mong muốn đánh thức vẻ đẹp đô thị của Hà Nội, từ đó khơi dậy tình yêu, để mỗi người dân có ý thức hơn trong việc lưu giữ những nét đẹp của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Biết đâu đó, sẽ có những ý tưởng chung tay gìn giữ…” – KTS Trần Thị Thanh Thủy nói.
Ký họa đô thị không phải là loại hình nghệ thuật mới trên thế giới. 10 năm trước, nhóm ký họa đô thị đầu tiên đã được thành lập tại TP Seattle (Mỹ). Tại Việt Nam, nhóm ký họa đô thị đầu tiên được ra đời tại TP Hồ Chí Minh vào năm 2013. Đến nay, đã có thêm 3 nhóm ký họa đô thị hoạt động tại TP Hà Nội, Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng. Trong đó, Nhóm Ký họa đô thị Hà Nội là “trẻ” nhất.