70 năm giải phóng Thủ đô

Làng bún Thanh Lương vào vụ mới

Bài, ảnh: Nguyễn Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thôn Thanh Lương, xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm bún, bánh cuốn. Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, ngay từ những ngày đầu năm mới, người làng nghề đã hối hả bắt tay vào sản xuất, cung cấp cho thị trường những mẻ bún thơm ngon.

 Bà Lưu Thị Hòa sản xuất bún tại gia đình.
Đã hàng chục năm nay, người làng Thanh Lương gìn giữ và phát triển nghề làm bún như một nghề cha truyền con nối. Bằng việc giữ chữ tín trong nghề, sản phẩm làm ra luôn đảm bảo chất lượng, được khách hàng ưa chuộng. Ông Phạm Văn Tăng, thôn Thanh Lương, người có hơn 20 năm gắn bó với nghề làm bún chia sẻ: Nghề làm bún phục vụ cho nhu cầu ăn uống nên bất cứ khi nào người tiêu dùng có nhu cầu, làng nghề sẵn sàng bắt tay vào sản xuất. Vì thế, hàng chục năm nay, gia đình ông Tăng chỉ đón Tết trọn vẹn trong ngày mùng 1. Sáng sớm ngày mùng 2 Tết, cả gia đình lại bắt tay vào công việc quen thuộc hàng ngày.

Theo kinh nghiệm làm bún lâu năm của ông Tăng, để tạo ra được những sợi bún trắng trong thơm ngon, đầu tiên là bí quyết từ khâu chọn gạo. Gạo làm bún phải là loại gạo tẻ không quá dẻo, gạo được vo, đãi sạch rồi mới ngâm nước. Tùy vào thời tiết mà thời gian ngâm khác nhau. Gạo khi ngâm xong được vớt ra vo sạch, để ráo, sau đó đem xay nhuyễn với nước tạo ra một hỗn hợp bột dẻo, mịn. Bột xay xong thường được ngâm trong khoảng 2 ngày để tạo ra độ chua. Sau đó, bột được đưa vào khuôn vắt thành sợi rồi luộc vài ba phút thì vớt bún ra. Bún thành phẩm được đặt trên các thúng tre có lót sẵn lá chuối, hong khô và ủ trước khi đem ra chợ bán.

Ngày nay, để thuận tiện trong việc sản xuất với quy mô lớn, các hộ dân của làng nghề Thanh Lương đã đầu tư dây chuyền làm bún hiện đại. Nhờ vậy, năng suất và sản lượng bún làm ra cung cấp cho thị trường tăng lên nhanh chóng. Chất lượng bún cũng ngon hơn, sợi bún cũng đều đẹp hơn.

Ông Lưu Bá Xiêm - Trưởng thôn Thanh Lương cho biết: Toàn thôn có hơn 200 hộ dân thì có tới 80% số hộ tham gia sản xuất, kinh doanh bún. Trong đó có gần 50 cơ sở trực tiếp sản xuất, còn lại làm nhiệm vụ phân phối cho các nhà hàng và bán lẻ tại các chợ. Trung bình mỗi ngày làng nghề cung cấp cho thị trường từ 25 – 30 tấn bún, bánh thành phẩm. Nghề đã đem lại thu nhập khá cho người dân trong làng, với mức bình quân từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài nâng cao năng suất, người làng nghề cũng đặc biệt chú trọng tới vấn đề VSATTP. Bún, bánh của làng nghề không dùng thêm bất kỳ chất bảo quản và phụ gia nào khác. Bên cạnh đó, môi trường làng nghề cũng được chính quyền và người dân địa phương đặc biệt quan tâm. Phần nước thải trong quá trình sản xuất được các hộ dân dẫn qua hệ thống bể lọc có xử lý bằng chế phẩm sinh học, sau đó mới thải ra môi trường. Đây là một trong những yếu tố giúp làng nghề phát triển mạnh và bền vững.