Xã Ba Trại có 9 làng nghề sản xuất và chế biến chè được công nhận làng nghề truyền thống. Cây chè được xác định là cây trồng chủ lực và là nguồn thu nhập chính của người dân địa phương. Nhờ cây chè, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt. Đặc biệt, từ năm 2013, được sự giúp đỡ của Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội (nay là Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội), nông dân xã Ba Trại đã tích cực chuyển đổi và thay thế dần giống chè cũ bằng giống chè LDP1 cho năng suất cao, chất lượng tốt. Từ đó, những vườn chè sạch tại xã Ba Trại được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP ngày càng được mở rộng. Toàn xã có tổng diện tích 471ha thì có tới 70% diện tích trồng giống chè LDP1.Các vườn chè được kiểm soát chặt chẽ từ quy trình bón phân tới sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Sau nhiều năm chuyển đổi, đưa giống mới và khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều hộ trồng chè nơi đây đã đầu tư công nghệ, máy móc phục vụ phun, tưới chè để giảm công lao động mà vườn chè vẫn cho năng suất cao. Năm 2020, năng suất bình quân vườn chè Ba Trại đạt 8,5 tấn/ha, cá biệt có nhiều hộ chăm sóc tốt, sản lượng chè đạt từ 10 - 12 tấn/ha. Tính tổng sản lượng chè xã Ba Trại đạt trên 5.000 tấn/năm, chiếm gần 50% tổng sản lượng chè toàn huyện Ba Vì.Phó Bí thư Đảng ủy xã Ba Trại Nguyễn Huy Hùng cho biết: “Giáp Tết Nguyên đán, giá bán chè loại trung bình vẫn giữ nguyên song chè búp khô Ba Trại loại ngon đã tăng từ 250.000 đồng/kg lên đến 350.000 đồng/kg và hàng lúc nào cũng thiếu để bán”. Thời điểm này, thời tiết hanh khô và lạnh, nếu không được tưới đủ nước sẽ khiến cây chè khó phát triển. Do đó, những ngày này, bà con Ba Trại tốn khá nhiều công chăm sóc. Trên các nương chè lúc nào cũng rộn ràng tiếng cười nói trò chuyện của bà con. Không khí sản xuất chè những ngày cuối năm nhộn nhịp hơn bao giờ hết, ai cũng đang khẩn trương thu hái, chế biến và đóng gói chè để kịp phục vụ Tết Nguyên đán. Hiện, nhiều người tiêu dùng ngày càng tin tưởng chất lượng, mùi vị nên thị trường đầu ra cho chè búp khô xã Ba Trại ngày càng được mở rộng.