Theo báo cáo của Ban Quản lý di tích Làng cổ ở Đường Lâm, trong 8 tháng đầu năm 2015 đã đón tiếp, hướng dẫn được 10 vạn lượt khách tham quan di tích làng cổ, thu phí đạt trên 1,2 tỷ đồng; 68 hộ dân tham gia làm dịch vụ du lịch và tham gia tạo các sản phẩm phục vụ khách dụ lịch.
Dự án quy hoạch giãn dân và triển khai các công trình dân sinh tại di tích đã được phê duyệt giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư là 49,78 tỷ đồng, 140/161 hộ dân và tổ chức đã tiến hành kiểm đếm, duyệt phương án và chi trả tiền cho 11 hộ với tổng số tiền trên 1,1 tỷ đồng.
Làng cổ Đường Lâm.
|
Hiện trên địa bàn di tích làng cổ ở Đường Lâm có 28 hộ tiến hành xây dựng nhà trong đó 18 hộ được cấp phép. Một số dự án tôn tạo, bảo tồn di tích đang trong giai đoạn tu bổ như lăng Ngô Quyền, đình Cam Thịnh, đình Đoài Giáp, 32 ngôi nhà, giếng và điếm cổ, cảnh quan từ cổng làng Mông Phụ đến đình Mông Phụ…
Tại hội nghị, các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến tập trung vào các vấn đề như: Quy hoạch và cấp phép xây dựng nhà trong khu vực quy hoạch; công tác phát triển làng nghề và dạy nghề cho Nhân dân chưa phù hợp điều kiện thực tế tại địa phương; ô nhiễm môi trường khu vực thôn Cam Lâm; ảnh hưởng của vật liệu xây dựng đến giao thông của người dân đoạn từ Chùa Mía đến lăng Ngô Quyền; bảo tồn rặng duối làng cổ...
Về triển khai nhiệm vụ trong quý IV/2015, UBND thị xã Sơn Tây yêu cầu các phòng, ban, ngành liên quan, Ban Quản lý và xã Đường Lâm tăng cường công tác tuyên truyền, gặp gỡ đối thoại với các hộ dân, tháo gỡ những bức xúc, mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển di tích. Đồng thời tăng cường quản lý, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, không để ảnh hưởng đến việc bảo tồn di tích và tình hình an ninh trật tự địa phương. Ban Quản lý di tích phối hợp với Ban Đầu tư xây dựng và xã Đường Lâm đôn đốc thực hiện dự án giãn dân, thiết kế nhà mẫu, các công trình tôn tạo, định hướng phát triển và thu hút khách du lịch, quy hoạch điểm bán hàng cho Nhân dân.