Từ chủ xưởng trở thành con nợ Chúng tôi gặp anh Nguyễn Hương Lợi, ở cụm 5 (xã Cộng Hòa) khi anh vừa đi sơn nhà cho khách về. Đưa tay gạt những giọt mồ hôi còn ướt đẫm trên trán, anh Lợi cho biết: Từ cuối năm 2015, xưởng dệt với gần 10 chiếc máy được đầu tư hàng trăm triệu đồng của gia đình gần như không hoạt động. Thời điểm còn làm nghề, gia đình chủ yếu nhập nguyên vật liệu từ làng nghề La Phù (huyện Hoài Đức) về dệt. Sau đó bán sản phẩm thô cho chính các xưởng ở La Phù. Tuy nhiên, khoảng 2 – 3 năm trở lại đây, thị trường tiêu thụ khó khăn, các xưởng ở La Phù không cung ứng nguyên vật liệu cũng như tiêu thụ sản phẩm do các hộ xã Cộng Hòa làm ra. Đây là nguyên nhân khiến không chỉ hộ anh Lợi, mà rất nhiều gia đình khác nơi đây buộc phải dừng sản xuất.
Theo thống kê của UBND xã Cộng Hòa, địa phương hiện có khoảng 600 hộ (chiếm 20% tổng số hộ) có máy dệt len sợi. Tuy nhiên, hiện chỉ có khoảng 20 – 30 xưởng còn vang tiếng thoi đưa. Một cảnh tượng đã không còn lạ lẫm ở vùng quê ven sông Đáy những tháng ngày này là hình ảnh những đôi vợ chồng chở nhau vào trung tâm TP làm công nhật kiếm sống. Vợ chồng anh Vương Đắc Sơn, ở cụm 6 là một ví dụ. Ngày ngày hai vợ chồng chở nhau vào nội đô làm công, ai thuê gì làm nấy, tối lại tất tả trở về. Trong khi 6 máy dệt được đầu tư gần 100 triệu đồng của gia đình anh thì nằm bất động trong nhà kho. Một điều đáng lo ngại, đó là vào giai đoạn cực thịnh của nghề dệt nơi đây, nhiều hộ đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư máy móc, trang thiết bị. Nay nghề dệt tạm ngưng, nhiều khoản vay của bà con chưa thể trả hết. Như gia đình anh Lợi hiện vẫn nợ hàng chục triệu đồng vốn vay từ quỹ hỗ trợ của Hội Nông dân địa phương. Từ vị thế của những ông bà chủ xưởng dệt may, giờ không ít hộ dân nơi đây bỗng trở thành… con nợ. Chưa tự chủ được nghề Một trong những nguyên nhân khiến sản phẩm dệt ở xã Cộng Hòa khó tiêu thụ đó là khả năng cạnh tranh rất thấp. Thực tế, trên thị trường hiện không thiếu những sản phẩm dệt may, bao gồm cả các mặt hàng dệt may công nghiệp được nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản… với mẫu mã và giá cả hết sức cạnh tranh. Anh Vũ Văn Ngọc, ở cụm 1, một trong những hộ có thâm niên với nghề dệt cho biết, trước sự cạnh tranh lớn, nhiều hộ trên địa bàn xã đã bước đầu nghĩ tới việc đầu tư máy móc nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, để sở hữu một chiếc máy dệt tự động hoàn toàn cần số vốn không nhỏ, dao động từ 200 triệu đến 1 tỷ đồng. Đây là khoản đầu tư rất lớn so với mức thu nhập chung có phần hạn chế của người dân nơi đây. Và thực tế thống kê cho thấy, toàn xã Cộng Hòa hiện cũng chỉ có khoảng 10 máy loại này. Bên cạnh sức cạnh tranh yếu từ sản phẩm, điều khiến nghề dệt ở xã Cộng Hòa khá phập phù là bởi hiện đang phụ thuộc gần như hoàn toàn vào làng nghề La Phù, từ nguyên vật liệu phục vụ sản xuất cho tới khâu tiêu thụ sản phẩm. Nhiều hộ sản xuất khi được hỏi ngậm ngùi: Nói là làng nghề dệt, nhưng không khác gì làm thuê cho các xưởng ở La Phù… Ông Vương Sỹ Tôn – Bí thư Đảng ủy xã Cộng Hòa cho biết, việc hỗ trợ phát triển làng nghề từ các cấp chính quyền địa phương gần như không có. Người dân vẫn “tự sản tự tiêu”, việc sản xuất thiếu quy hoạch, cũng không được định hướng khiến tính bền vững của nghề đạt thấp. Khi được hỏi về bài toán giúp vực dậy nghề dệt nơi đây, ông Tôn cho rằng rất khó (!). Khó bởi hầu hết máy móc, trang thiết bị các hộ sở hữu hiện đều là công nghệ cũ, sản phẩm làm ra khó cạnh tranh. Để có thể vực dậy làng nghề dệt Cộng Hòa, xã kiến nghị các cơ quan chức năng của TP quan tâm hơn nữa. Đặc biệt là hỗ trợ vốn đầu tư giúp người dân nâng cấp hệ thống trang thiết bị phục vụ sản xuất, từng bước cải thiện chất lượng cũng như sức cạnh tranh của sản phẩm dệt Cộng Hòa vốn đã một thời phát triển.
Khu xưởng của gia đình anh Vũ Văn Ngọc là một trong những điểm hiếm hoi còn sản xuất dệt may trong giai đoạn này. |