Làng hoa Tây Tựu những ngày cận Tết

Thảo Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đang cận kề, những ngày này, người dân trồng hoa ở phường Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đang tất bật, hối hả cho ra thị trường những bông hoa đẹp nhất.

Đến Tây Tựu vào những ngày cuối năm, đi trong những sắc màu rực rỡ của hoa, mỗi người dân càng cảm nhận được rõ hơn sắc Xuân đang về.

Đẩy mạnh thương hiệu làng nghề

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, cùng với làng hoa Quảng Bá, Nhật Tân, nhiều hộ trồng hoa, cây cảnh tại Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm đang tích cực thu hoạch để đáp ứng nhu cầu chơi hoa, cây cảnh của người dân trong dịp Tết. Với diện tích hơn 850ha trồng hoa trong và ngoài địa phương, làng hoa Tây Tựu đã và đang mang đến sự no ấm cho các hộ dân nơi đây, góp phần làm giàu trên cánh đồng quê hương.

Chú trọng khai thác thế mạnh của địa phương là trồng hoa, UBND phường Tây Tựu luôn khuyến khích Nhân dân chuyển đổi các giống hoa có giá trị thấp sang những giống hoa mới chất lượng thành phẩm cao.
Chú trọng khai thác thế mạnh của địa phương là trồng hoa, UBND phường Tây Tựu luôn khuyến khích Nhân dân chuyển đổi các giống hoa có giá trị thấp sang những giống hoa mới chất lượng thành phẩm cao.

Vốn là vùng đất lúa nhưng nhờ nhanh nhạy nên từ những năm 90 của thế kỷ trước, nhiều người ở Tây Tựu đã mạnh dạn chuyển sang nghề trồng hoa. Theo UBND phường Tây Tựu, hiện toàn xã có 350ha và khoảng 500ha do người dân đi thuê ở các vùng lân cận để trồng hoa. Với mức thu nhập cao gấp 5 - 7 lần trồng lúa, ở Tây Tựu có gần 2.000 hộ tham gia trồng hoa. Vì vậy, hơn 20 năm nay, nơi đây đã trở thành một trong những làng hoa lớn nhất Thủ đô.

Chú trọng khai thác thế mạnh của địa phương là trồng hoa, UBND phường Tây Tựu luôn khuyến khích Nhân dân chuyển đổi các giống hoa có giá trị thấp sang những giống hoa mới chất lượng thành phẩm cao. Nhiều loại hoa mới du nhập vào nước ta, có màu sắc đẹp, giá trị kinh tế cao như hoa ly, đồng tiền, cúc, hoa hồng, hoa loa kèn... đã được người dân Tây Tựu canh tác thành công, trở thành cây trồng thế mạnh của địa phương. Nhờ trồng hoa, đời sống vật chất của người dân được nâng cao.

Là một trong những hộ dân nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc nhập giống gặp khó khăn, giá cả tăng cao, đầu ra bấp bênh nhưng chị Chu Thị Sinh - Tổ dân phố Thượng 7 vẫn mạnh dạn đầu tư 2 sào hoa ly với hơn 1 vạn gốc.
Là một trong những hộ dân nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc nhập giống gặp khó khăn, giá cả tăng cao, đầu ra bấp bênh nhưng chị Chu Thị Sinh - Tổ dân phố Thượng 7 vẫn mạnh dạn đầu tư 2 sào hoa ly với hơn 1 vạn gốc.

Dù đầu năm 2021, dịch Covid-19 khiến việc trồng hoa của người dân Tây Tựu gặp không ít khó khăn nhưng để phục vụ cho thị trường Tết, nhiều hộ vẫn mạnh dạn đầu tư. Là một trong những hộ dân nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc nhập giống gặp khó khăn, giá cả tăng cao, đầu ra bấp bênh nhưng chị Chu Thị Sinh - Tổ dân phố Thượng 7 vẫn mạnh dạn đầu tư 2 sào hoa ly với hơn 1 vạn gốc. Để có giống cho 2 sào hoa này, chị Sinh phải đặt trước tiền vốn hơn 140 triệu đồng ngay từ đầu năm. Hy vọng hoa nở đúng Tết và được giá để hộ trồng hoa đỡ vất vả.

Theo các hộ dân, trồng hoa cho dịp Tết cần phải tính toán kỹ lưỡng thời gian sinh trưởng, phát triển, tránh để hoa nở trước hoặc sau Tết quá xa, sẽ không được giá. Ví dụ, cúc thường là 3 tháng sẽ thu hoạch nhưng nếu rét thì 3,5 tháng. Hầu hết hoa Tây Tựu không được trồng trong nhà kính, nhà lưới nên việc ra hoa phụ thuộc nhiều vào thời tiết.

Người dân bó hoa chuyển cho khách.
Người dân bó hoa chuyển cho khách.

Vốn gắn bó với nghề trồng hoa từ năm 1994, ngoài mấy sào hoa phục vụ đúng dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, ông Nguyễn Hữu Hùng, Tổ dân phố Thượng 4 còn trồng thêm 4 sào hoa cúc để thu hoạch vào dịp ngày tháng Giêng. Trung bình mỗi sào hoa cúc cần khoảng 15 triệu đồng tiền vốn và chi tiền thuê người ươm giống, tỉa nụ… Bình quân lãi thu về khoảng 20 triệu đồng/sào.

“Hơn 10 năm nay, cả gia đình ông sống bằng nghề trồng hoa. Ngoài việc trồng 2 sào cúc và 2 sào hồng, 2 con ông còn trực tiếp bán buôn và bán lẻ hoa. Thu nhập từ trồng hoa cao hơn trồng lúa và ổn định nên gia đình ông xác định sẽ gắn bó lâu dài với nghề” - ông Nguyễn Văn Vinh - Tổ dân phố Thượng 4, phường Tây Tựu chia sẻ.

Phát triển làng nghề gắn với bảo vệ môi trường

Theo Chủ tịch UBND phường Tây Tựu Đặng Trần Phi, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên thu nhập của Nhân dân trên địa bàn bị ảnh hưởng đáng kể, sức tiêu thụ và giá các loại hoa giảm mạnh. Giá trị sản xuất ước đạt khoảng 750 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, để bảo đảm cho nghề trồng hoa không bị gián đoạn, từ đầu năm 2021, địa phương vẫn chỉ đạo các hợp tác xã triển khai kế hoạch sản xuất, kinh doanh; chủ động cung cấp dịch vụ bơm nước, thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng... Trong năm 2021, phường đã hỗ trợ vay vốn từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội và quỹ của các hội, đoàn thể với tổng số tiền cho vay gần 19 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 362 hộ gia đình.

Ở phường Tây Tựu những năm gần đây là để bảo đảm vệ sinh môi trường, phường luôn tuyên truyền, phổ biến cách chăm sóc hoa, hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, sử dụng sản phẩm phân bón bằng cây đỗ tương
Ở phường Tây Tựu những năm gần đây là để bảo đảm vệ sinh môi trường, phường luôn tuyên truyền, phổ biến cách chăm sóc hoa, hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, sử dụng sản phẩm phân bón bằng cây đỗ tương

“Điều đặc biệt ở phường Tây Tựu những năm gần đây là để bảo đảm vệ sinh môi trường, phường luôn tuyên truyền, phổ biến cách chăm sóc hoa, hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, sử dụng sản phẩm phân bón bằng cây đỗ tương. Ngoài ra, tại ngã tư các xứ đồng, địa phương đều cho xây bể chứa rác thải. Với những hộ ở xa điểm tập kết rác, các hợp tác xã còn vận động người dân sắm thùng để rác ở đầu ruộng, tránh việc vứt rác bừa bãi” - ông Phi nói.

Cũng theo lãnh đạo phường Tây Tựu, thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, hiện nay, trên các cánh đồng hoa của phường Tây Tựu không còn tình trạng rác vứt bừa bãi. Thay vào đó là những con đường bê tông phẳng phiu nối dài từ làng ra ruộng dẫn tới những luống hoa đa sắc màu đang thi nhau khoe sắc. Hiện tại, phường Tây Tựu và quận Bắc Từ Liêm đang triển khai xây dựng đề án nhãn hiệu tập thể “Hoa Tây Tựu”.

Hiện, Tây Tựu đang từng ngày đổi mới với những ngôi nhà cao tầng khang trang, hạ tầng luôn được đầu tư cải tạo, xây mới sạch đẹp...
Hiện, Tây Tựu đang từng ngày đổi mới với những ngôi nhà cao tầng khang trang, hạ tầng luôn được đầu tư cải tạo, xây mới sạch đẹp...

Đề cập đến việc phát triển làng nghề gắn với bảo vệ môi trường, ông Nguyễn Phan Tửu - Phó Giám đốc Hợp tác xã Tây Tựu số 2 cho biết, để bảo đảm phát triển bền vững, phường Tây Tựu đã xây dựng nhiều giải pháp bảo tồn làng hoa bằng việc gắn sản xuất với bảo vệ môi trường. Những năm gần đây, các hộ trồng hoa đã quan tâm tới bảo vệ cảnh quan, môi trường. Ngoài việc vận động Nhân dân ý thức trong việc bảo vệ môi trường, mỗi tháng một lần hợp tác xã cho người đi thu dọn rác tại các ruộng và xử lý tại các bể chung.

Theo thống kê, trong năm 2021, các hợp tác xã đã thu gom và xử lý theo quy định được 2.410kg bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Lực lượng chức năng đã kiểm tra 13 cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn, phát hiện 1 cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục, xử phạt 4 triệu đồng; 1 cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật quá hạn, xử phạt 1,5 triệu đồng…

Để bảo đảm nghề trồng hoa Tây Tựu phát triển bền vững, chính quyền địa phương tiếp tục mở các lớp tập huấn, đào tạo cho nông dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo quản hoa, triển khai các mô hình trồng hoa mới hiệu quả cao; vận động Nhân dân trồng các loại hoa chất lượng tốt... Hiện, Tây Tựu đang từng ngày đổi mới với những ngôi nhà cao tầng khang trang, hạ tầng luôn được đầu tư cải tạo, xây mới sạch đẹp... Vì thế, người dân Tây Tựu càng tự hào hơn khi góp phần mang mùa Xuân tới mọi nhà.