Tuy nhiên, giữa bức tranh đẹp ấy vẫn có những vệt màu không mấy đẹp mắt. Đó là phần khung gia cố, bảo vệ cây phượng vĩ ở khu vực ngã tư Nguyên Hồng – Huỳnh Thúc Kháng hàng ngày được người dân tận dụng làm nơi phơi quần áo. Những chiếc quần áo xanh đỏ tím vàng, chăn màn, khăn mặt, khăn lau… giăng phơi trên vỉa hè, làm mất mỹ quan đô thị.
Tương tự, ngày cuối tuần, trên vỉa hè đường Nguyễn Văn Huyên, đoạn gần cổng Công viên Nghĩa Đô, một dãy dài quần áo cũng được giăng phơi trên hàng dây căng ngăn làm khu vực bãi gửi xe. Đang đi giữa tuyến phố đẹp, cây cối xanh mát, nhìn dãy quần áo phơi lố nhố, tưởng như đi vào xóm trọ sinh viên. Bộ mặt mỹ quan của tuyến phố bị ảnh hưởng không nhỏ.
Quần áo phơi vô tội vạ ngay giữa đường, vỉa hè… là những hình ảnh dễ nhận thấy trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội. Không chỉ vỉa hè, nhiều sân chơi trong các khu tập thể cũng được người dân tận dụng làm nơi phơi quần áo, thậm chí phơi chăn, quần áo lên các dụng cụ thể dục thể thao, ảnh hưởng đến không gian sinh hoạt chung của cộng đồng. Dẫu biết, ở phố thị, không gian sống chật hẹp, nhiều hộ gia đình cũng chật vật tìm chỗ phơi quần áo, song nếu mang quần áo ra vỉa hè phơi thì thật không nên.
Nhìn ra địa phương khác, trong tiêu chí chấm điểm “Tổ dân phố không rác” với thang điểm 100 tại TP Đà Nẵng, tiêu chí “Đảm bảo văn minh, mỹ quan đô thị” cũng quy định rất rõ về vấn đề này. Theo đó, tổ dân phố muốn đạt văn minh, mỹ quan đô thị phải không có tình trạng phơi quần áo, đồ dùng sinh hoạt trước mặt tiền nhà ở, cơ quan… Còn tại Hà Nội, Quyết định số 68/2005/QĐ-UB ngày 13/5/2005 của UBND TP Hà Nội quy định về công nhận “Tuyến phố văn minh đô thị trên địa bàn TP Hà Nội” cũng bao gồm khá nhiều tiêu chí, yêu cầu, song lại không có nội dung quy định việc phơi quần áo trước mặt tiền nhà, vỉa hè. Do đó, Hà Nội có thể nghiên cứu, học hỏi, đưa tiêu chí này vào để công nhận tuyến phố văn minh đô thị.
Các cụ xưa có câu “đẹp khoe ra, xấu xa đậy lại”, mỗi người dân nên có ý thức bảo vệ mỹ quan đô thị, góp phần chung tay xây dựng Thủ đô sáng, xanh, sạch đẹp.