70 năm giải phóng Thủ đô

[Lăng kính văn hóa] Lời đồn

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 19/1, trên fanpage truyền hình VOV đã đăng thông tin nhạc sĩ Trần Tiến về với đất mẹ sau thời gian dài chiến đấu với bệnh ung thư vòm họng.

Thông tin này khiến gia đình nhạc sĩ Trần Tiến ngỡ ngàng. Đây không phải lần đầu tiên các trang tin đưa nhầm việc qua đời của các nghệ sĩ. Trước đó, thông tin ca sĩ Lệ Thu bị mắc Covid-19 và qua đời trong khi bà đang nằm phòng hồi sức cấp cứu cũng gây náo loạn giới showbiz, dù sau đó danh ca này cũng đã mất trong sự nuối tiếc của đống đảo khán thính giả.

Ngay sau khi thông tin việc nhạc sĩ Trần Tiến qua đời vì bạo bệnh, trên fanpage của ca sĩ Hà Trần - con gái nhạc sĩ Trần Tiến đã chia sẻ: “Sáng nay cả gia đình rất bất ngờ với nhiều điện thoại, tin nhắn về tình hình sức khỏe của nhạc sĩ Trần Tiến. Tin đồn không căn cứ và kiểm chứng khiến vợ chồng nhạc sĩ, các con - cháu trong gia đình ngạc nhiên, sốc và phiền lòng”. Không phiền lòng sao được khi người nhạc sĩ này luôn mong muốn mọi người đừng quan tâm quá nhiều về sức khỏe của ông. Dù mắc bạo bệnh, ông vẫn lạc quan yêu cuộc sống, từng ngày chiến đấu với căn bệnh, vẫn sáng tác âm nhạc.

Người đưa tin có thể chỉ là vô tình muốn lên tin nhanh, câu view. Nhưng chuyện sinh - tử của một con người là điều hết sức hệ trọng nên khi truyền thông đăng tải thông tin chia buồn cần được kiểm chứng nghiêm túc. Ca sĩ Hà Trần khẳng định: “Có tin không hay, bố đọc được chắc bố sẽ rất buồn!”. Và đúng là nhạc sĩ Trần Tiến đã tức giận. Bởi dù, điều tối kỵ của đời người là tự nghe được lời đồn về cái chết của bản thân mình.

Rất may mắn hầu hết thông tin đăng tải không chính xác tồn tại ở các trang tin hoặc trên mạng xã hội. Các trang báo có uy tín đã kịp thời kiểm tra và phản biện thông tin, một phần để đính chính giúp gia đình nhạc sĩ, một phần giữ lại niềm tin cho độc giả. Thế mới thấy, giá trị của thông tin trong thời kỳ nhiễu loạn không phải chỉ nên lấy tiêu chí nhanh để tiếp nhận, mà cần tiêu chí đúng và chân thực.