Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Lăng kính văn hóa] Trách nhiệm cộng đồng trong mùa Vu lan

Minh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có văn bản yêu cầu tăng ni các chùa, cơ sở tự viện vận dụng sáng tạo các hình thức tổ chức, vừa bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch bệnh, vừa đáp ứng nhu cầu phục vụ tín ngưỡng tâm linh cho Nhân dân, đồng bào Phật tử trong mùa Vu lan báo hiếu.

Giáo hội khuyến nghị các chùa, cơ sở tự viện tăng cường các khóa lễ Vũ lan bằng hình thức trực tuyến; kêu gọi tăng ni, phật tử ủng hộ quỹ phòng, chống dịch Covid-19, cứu trợ các hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng yếu thế trong xã hội bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Quyết định này của Giáo hội Phật giáo đã nhận nhiều ý kiến trái chiều. Một số người cho rằng, việc thực hành lễ trực tuyến sẽ khiến nhiều tín đồ tôn giáo không thỏa mãn. Họ cho rằng, việc thờ cúng, báo hiếu qua mạng thì ông bà, tổ tiên sẽ không đón nhận được lòng thành, không đúng với văn hóa truyền thống.
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, phần lớn người dân đều đồng tình, hưởng ứng với việc các cơ sở tôn giáo sử dụng công nghệ thông tin, phục vụ sinh hoạt tôn giáo từ xa. Mặt khác, sự thay đổi trong hình thức thực hành tín ngưỡng này cho thấy tôn giáo luôn gần gũi với cuộc sống, chia sẻ và đồng hành với những chủ trương của Nhà nước, mong muốn của đại bộ phận người dân.
Bên cạnh đó, văn bản mới của Giáo hội Phật giáo cũng cho thấy sự linh động trong việc đáp ứng nhu cầu thực hành tôn giáo của người dân so với trước đây. Vào đầu năm nay, thời điểm nhiều tỉnh, TP trong đó có Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các cơ sở thờ tự như chùa Phúc Khánh, chùa Quán Sứ, phủ Tây Hồ (Hà Nội) đều đóng cửa; nhiều phật tử đến cơ sở thờ tự để vái vọng bị đề nghị rời khỏi cơ sở thờ tự do tập trung đông người; tăng ni bị cấm túc, không có bất kỳ một hoạt động tín ngưỡng tôn giáo nào diễn ra.
Từ đó có thể thấy, sự linh động trong khâu tổ chức hoạt động tín ngưỡng lần này của Giáo hội Phật giáo Việt Nam có thể khiến người dân yên lòng hơn khi thực hành tín ngưỡng. Đồng thời, thông qua việc thay đổi thói quen thực hành tín ngưỡng, người dân cũng góp phần hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh, biểu hiện cho thấy trách nhiệm của mỗi người với cộng đồng.