Làng may với ước vọng vươn xa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay cả khi làng đã lên phố, xã lên phường, làng may Cổ Nhuế vẫn không ngừng phát triển. Nhờ nhanh nhạy nắm bắt thị trường, người dân Cổ Nhuế đã và đang "sống khỏe" với nghề.

Hiện nay, mỗi ngày, Cổ Nhuế sản xuất và cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước hàng vạn bộ quần áo.

Làng nghề trăm tuổi

Làng Cổ Nhuế xưa có tên gọi là Kẻ Noi, vốn là mảnh đất thuần nông. Theo lời của các cụ cao niên trong làng thì nghề may bắt đầu manh nha từ những năm 1920, do một số người dân địa phương mày mò đi học và mang nghề may vá về làng. Nhưng nghề may phát triển nhất là vào giữa những năm 1960. Lúc đó, Cổ Nhuế đã hình thành 3 HTX may mặc lớn là: Nhuệ Giang, Tự Cường và Sơn Hà, thu hút hàng trăm lao động làm nghề. Cũng thời điểm đó, Cổ Nhuế còn có 100 hộ gia đình làm may tại nhà. Nghề may phát triển đã mở ra một số dịch vụ như dịch vụ buôn bán, sửa chữa máy khâu, kinh doanh phụ kiện ngành may, vải vụn...

 
Mỗi ngày hộ gia đình bà Nguyễn Thị Thanh Bình, phường Cổ Nhuế 1 xuất bán ra thị trường từ 200 - 300 bộ quần áo.
Mỗi ngày hộ gia đình bà Nguyễn Thị Thanh Bình, phường Cổ Nhuế 1 xuất bán ra thị trường từ 200 - 300 bộ quần áo.
Đầu những năm 1980, các HTX may giải thể, số công nhân thất nghiệp đã tìm hiểu nhu cầu thị trường và đầu tư máy may tại gia đình, sản phẩm bán tại các chợ trên địa bàn Hà Nội. Nghề may dần phục hồi, nhiều thợ giỏi đầu tư tiền của, thời gian đi học may quần áo thời trang, áo dài, comple... Có thời điểm cả xã có tới hơn 70% số hộ với hàng ngàn lao động làm nghề may, nhà nào cũng có vài chiếc máy khâu. Không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, sản phẩm may của Cổ Nhuế còn được xuất khẩu sang nhiều nước như: Nga, Đức, Tiệp Khắc, Ba Lan, Hàn Quốc...

Gia đình bà Nguyễn Thị Thanh Bình ở Tổ dân phố Hoàng 2, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm có 3 đời làm nghề may. Điều đặc biệt là cả phường làm nghề may nhưng chỉ rất ít hộ như nhà bà Bình là may các sản phẩm quần áo cho người trung niên và các cụ già. Sản phẩm của gia đình bà chủ yếu là kiểu dáng truyền thống, đơn giản nhưng đa dạng từ cộc tay, sát nách, cài khuy, chui đầu... nên được rất nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Có lẽ cũng vì vậy mà sản phẩm của nhà bà Bình sản xuất bán chạy vào dạng nhất nhì phường. Bà Bình chia sẻ, vụ sản xuất chính của gia đình là từ sau Tết đến hết tháng 8. Mỗi ngày trung bình gia đình bà sản xuất từ 250 – 300 bộ quần áo, ngày cao điểm lên tới 400 bộ. "Với giá bán buôn trung bình 65.000 - 75.000 đồng/bộ, chỉ tính riêng năm 2014, gia đình tôi thu nhập trên 1 tỷ đồng, trừ các khoản chi phí cho thu lãi hơn 250 triệu đồng" – bà Bình cho biết.

Nỗ lực chuyển mình

Những năm gần đây, nghề may ở Cổ Nhuế phát triển mạnh. Theo số liệu thống kê, trên địa bàn 2 phường Cổ Nhuế 1 và Cổ Nhuế 2 hiện có hơn 40 DN, xưởng sản xuất với quy mô 20 – 100 máy may và hàng trăm hộ làm nghề quy mô nhỏ. Vừa sản xuất, người dân Cổ Nhuế còn mở cửa hàng bán sản phẩm tại chợ Đồng Xuân và nhiều chợ lớn, nhỏ trên địa bàn Thủ đô. Hiện nay, nghề may đã giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho khoảng hơn 20.000 người dân trên địa bàn và lao động trong vùng.
Xuất phát từ nhu cầu mở rộng sản xuất, kinh doanh, các hộ làm nghề trong phường mong muốn được TP, quận Bắc Từ Liêm quan tâm đầu tư xây dựng điểm công nghiệp làng nghề. Có như vậy, làng nghề may Cổ Nhuế mới phát triển bền vững và sản phẩm làng nghề mới không ngừng vươn xa

Ông Chu Văn Dũng Chủ tịch Hội Nghề may Cổ Nhuế.

Ở Cổ Nhuế, không chỉ có gia đình bà Bình mà đa số các hộ sản xuất ở đây đều đổ buôn do đã có mối giao hàng làm ăn thân thiết từ nhiều năm, còn bán lẻ thì rất ít. Hàng ngày, cứ từ 5 giờ sáng là các hộ sản xuất lại hối hả đi đổ hàng tại chợ Đồng Xuân, chợ Khâm Thiên... Bên cạnh đó, mẫu mã cũng không ngừng được các hộ làm nghề tìm tòi, đổi mới để phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Để động viên, giúp đỡ nhau trong sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm thị trường, năm 2002, các hộ làm nghề đã thành lập Hội Nghề may Cổ Nhuế. Ông Chu Văn Dũng – Chủ tịch Hội Nghề may Cổ Nhuế cho biết, Hội ra đời với mục đích tăng cường thông tin thị trường và bảo vệ quyền lợi cho hội viên. Bên cạnh đó, những hộ gia đình không có khả năng lập công ty hoặc mở xưởng riêng thì có thể nhận lại một phần việc từ các cơ sở lớn để gia công.

Vài năm trở lại đây, do nhu cầu ngày càng cao của thị trường và sự cạnh tranh gay gắt của nhiều sản phẩm thời trang trong và ngoài nước, làng nghề may Cổ Nhuế cũng nỗ lực chuyển mình để đổi mới và hội nhập. Hình thức sản xuất nhỏ lẻ theo từng hộ gia đình bằng máy thủ công dần được thay bằng những mô hình sản xuất quy mô lớn với những xưởng may bằng dây chuyền máy móc công nghiệp hiện đại. Nhiều gia đình thành lập DN, đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, máy móc và đào tạo lao động. Nắm bắt nhu cầu thị trường, nhiều DN tập trung vào sản xuất hàng thời trang, hàng may mặc quanh năm cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Để mở xưởng may, không ít gia đình phải cơi nới nhà. Vì vậy, mọi hoạt động từ sản xuất, kinh doanh đến sinh hoạt của nhiều gia đình phải gói gọn trong khuôn viên chật chội. Để khắc phục tình trạng này, đa số các hộ gia đình phải thuê thêm lao động giao hàng đặt may tại nhà và cũng không ít gia đình phải chấp nhận thuê đất ở khu vực khác để mở xưởng. Chính vì vậy, ước muốn có mặt bằng sản xuất đã trở thành nỗi trăn trở của người dân nơi đây.