Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làng mộc Hương Ngải: Lo thiếu thợ giỏi

Trần Thụ - Nam Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỗi năm, người làng Hương Ngải (xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất) sản xuất và tung ra thị trường hàng trăm căn nhà gỗ truyền thống. Chính vì vậy, Hương Ngải còn được gọi là làng “xuất khẩu” kiến trúc truyền thống ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

“Đại công trường” đồ mộc

Ngay từ đầu làng Hương Ngải, chỗ nào cũng thấy tập kết gỗ, từ trong nhà xưởng đến ngoài vệ đường, gồm nhiều chủng loại như lim, sến, xoan và nhiều nhất là gỗ mít. Theo ông Đỗ Quý Khang, người làng Hương Ngải, riêng gỗ mít, mỗi ngày Hương Ngải nhập về (từ Campuchia) khoảng 150m3. Còn gỗ xoan thì nhiều vô kể! Đi sâu vào trong làng, chỗ nào cũng nghe tiếng đục đẽo cóc cách, tiếng bào, cưa chạy xè xè. Cả làng Hương Ngải như một “đại công trường” đồ mộc, trong đó, phần nhiều là các hộ làm nhà gỗ truyền thống. Trò chuyện với chúng tôi, cán bộ văn hóa xã Hương Ngải Vương Văn Thắng cho biết, Hương Ngải là địa phương “nhất xã – nhất làng” (cả xã chỉ có một làng). Và trong ngôi làng với gần 10.000 dân này, có tới 200 hộ làm nghề mộc với hàng trăm cơ sở lớn nhỏ.
Thợ mộc làng Hương Ngải được cho là có tay nghề cao và tinh tế. Ảnh: Nam Khánh
Thạch Thất có nhiều làng nghề mộc, nhưng thợ làm nhà truyền thống thì Hương Ngải là số một. Qua tay nghề của thợ mộc Hương Ngải, những thân gỗ vô tri sẽ biến thành những ngôi nhà gỗ truyền thống đẹp long lanh, soi rồng, chạm phượng. Người thợ mộc Hương Ngải thành thục các loại kiến trúc nhà gỗ truyền thống như chồng rường, kẻ truyền, đố lụa… Các đình, chùa, miếu mạo ở khắp Bắc, Trung, Nam, gần như chỗ nào cũng ghi dấu tay thợ mộc Hương Ngải. “Mấy năm trước, tốp thợ của ông Nguyễn Hữu Hòe còn được mời vào tận Huế để trùng tu cung điện cố đô” – ông Thắng tự hào nói.

Lớp trẻ không mặn mà

Ông Nguyễn Khắc Thành, 51 tuổi – chủ xưởng sản xuất đồ mộc bộc bạch, nghề làm nhà gỗ cũng giống như làm một mâm cỗ. Vẫn mực thước đó, công thức đó nhưng phải biết “gia giảm” cho phù hợp thì khi dựng lên, căn nhà nhìn mới đẹp và chuẩn kiến trúc. Ngoài mực thước, chất lượng gỗ, quan trọng nhất là người thợ cả phải biết điều chỉnh kích thước, vị trí của cột, kẻ, chếnh… cho phù hợp với không gian, diện tích từng khuôn viên.

"Tuy nghề làm nhà gỗ truyền thống đã có lịch sử lâu đời tại làng Hương Ngải, nhưng hơn 20 năm về trước, nghề này tưởng chừng đã mai một bởi kinh tế gặp nhiều khó khăn. Gần đây, khi kinh tế phát triển, nhiều người muốn dựng lại nếp nhà truyền thống để thờ cúng ông bà tổ tiên, đúng với truyền thống của các cụ xưa. Do đó, làng nghề có điều kiện để phát triển mạnh mẽ hơn." - Ông Nguyễn Khắc Thành - chủ xưởng sản xuất nhà gỗ xã Hương Ngải

Gác lại tay chàng (đục chàng), ông Đặng Văn Chính chia sẻ, xưởng mộc của ông có khoảng 20 thợ, mức lương của một thợ mộc lành nghề trung bình khoảng 10 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm, Hương Ngải xuất xưởng hàng trăm căn nhà gỗ truyền thống đi khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Nghề làm nhà gỗ truyền thống đang giải quyết nhiều việc làm cho lao động địa phương. Theo tính toán của cán bộ xã Hương Ngải, thu nhập trung bình của hộ làm nghề mộc thấp nhất cũng đạt từ 200 - 300 triệu đồng/năm, còn hộ làm nhiều phải đạt hàng tỷ đồng.

Tuy là nghề có thu nhập cao so với lao động nông nghiệp, nhưng thiếu thợ đang là thực tế ở Hương Ngải. Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Khắc Thành tâm sự: "Ở Hương Ngải bây giờ, lấy được thợ giỏi là điều vô cùng khó, bởi làm mộc là nghề tự do. Nếu biết quan tâm, chăm sóc tốt thì họ làm, bằng không người lao động sẵn sàng sang làm cho chủ khác trả lương cao hơn. Tôi đang lo, khoảng 10 năm nữa, làng Hương Ngải sẽ không tìm ra thợ giỏi bởi lớp trẻ bây giờ không mặn mà với nghề mộc do đặc thù lao động chân tay rất vất vả".