Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lắng nghe dân để làm luật

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm qua, Quốc hội đã quyết nghị lùi thời hạn thông qua Dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (Luật Đặc khu), đồng thời chỉnh lý Dự Luật trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Nhân dân. Đây là việc làm kịp thời, thể hiện trách nhiệm của Quốc hội với cử tri và Nhân dân cả nước.

Tuy nhiên, như nhiều ý kiến nhận định, đây cũng là bài học ở cả phía các cơ quan lập pháp, trong đó có Quốc hội, trong quá trình xây dựng luật cố gắng thông tin đầy đủ và thu thập được nhiều hơn ý kiến của người dân. Và ngược lại, tăng cường ý thức của người dân đối với những việc chung của đất nước.
 Quốc hội biểu quyết điều chỉnh thời gian thông qua dự án Luật đặc khu
Như Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải chia sẻ, ngay sau khi Quốc hội bấm nút nhất trí việc lùi thời hạn thông qua Dự Luật này, bà đã nhận được rất nhiều tin nhắn của cử tri bày tỏ sự thống nhất, đồng tình và đánh giá cao các đại biểu Quốc hội và Quốc hội đã lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri, đáp ứng nguyện vọng, mong muốn của người dân. Nhưng cùng với đó, Trưởng ban Dân nguyện cũng thấy cần đẩy mạnh việc lắng nghe ý kiến của người dân để có thể đáp ứng mong mỏi của cử tri, tránh xảy ra trường hợp như thời gian qua là có việc người dân bày tỏ tâm tư, nguyện vọng nhưng gây ảnh hưởng đến đời sống xã hội của địa phương.

Qua việc lùi Dự Luật này để hoàn thiện hơn cho thấy, quy trình xây dựng luật ngày càng đổi mới, tính dân chủ, công khai, minh bạch, chất lượng hoạt động lập pháp ngày càng tăng lên. Các ý kiến xác đáng của người dân đều được lắng nghe, tiếp thu để hoàn chỉnh dự luật đáp ứng được yêu cầu nguyện vọng của người dân và sự phát triển của đất nước. Nhìn rộng ra cũng có thể thấy, quy trình làm luật đã có sự thay đổi căn bản, tách bạch giữa quy trình đề xuất chính sách và quy trình soạn thảo văn bản, tức là "thiết kế rồi mới thi công", chứ không "vừa thiết kế vừa thi công" như trước đây. Các luật, văn bản cũng theo sát và điều chỉnh kịp thời các yêu cầu cuộc sống.

Tuy nhiên, khi người dân ngày càng quan tâm đến công tác lập pháp, các cơ quan soạn thảo, thẩm tra các dự án luật cần làm tốt hơn việc lấy ý kiến Nhân dân ngay từ khi đang xem xét xây dựng luật. Tránh tính trạng báo cáo đánh giá tác động rất sơ sài, rồi tình trạng “vội vã”, “ẩu” trong chuẩn bị các dự luật; chất lượng các văn bản hướng dẫn thi hành luật trình kèm với dự luật chỉ mang tính đối phó… Đặc biệt, quá trình lấy ý kiến các đối tượng bị tác động vẫn chưa thỏa đáng, kịp thời, nên đến phút cuối mới tạo thành những bức xúc không đáng có.

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 ra đời giúp cải thiện chất lượng công tác lấy ý kiến của người dân trong quá trình xây dựng chính sách, luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật khác. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, cần huy động hơn nữa sự tham gia của người dân, đặc biệt là các nhóm chịu sự tác động trực tiếp của chính sách luật sẽ điều chỉnh bằng cách hình thức chính thống, để người dân được bày tỏ quan điểm trong khuôn khổ pháp luật. Từ đó giúp đảm bảo các quyền của công dân được thực thi đầy đủ theo quy định của Hiến pháp, đồng thời tránh được việc tiếp cận thông tin không đầy đủ, gây ra sự hiểu lầm, phản ứng tiêu cực.

Đồng thời, để chặt chẽ hơn trong quá trình xây dựng luật, các Dự Luật khi đưa ra cần dự trù hết các tác động, lường hết được diễn biến thực tế… Đúng như nhiều đại biểu nói, văn bản pháp luật phải theo sát yêu cầu cuộc sống, xác định tầm nhìn xa, chủ động dự báo, đón trước những yêu cầu mới sẽ nảy sinh theo tình hình điều kiện phát triển, hội nhập.