Tránh quan liêuTư tưởng trọng dân và phong cách gần dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, hết lòng hết sức phục vụ Nhân dân là điểm hội tụ hợp thành đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bác đã nhiều lần chỉ rõ, "quan liêu là việc cán bộ phụ trách xa rời thực tế, không điều tra, nghiên cứu đến nơi đến chốn những công việc cần phải làm, việc gì cũng không vững, chỉ đạo một cách đại khái, chung chung. Quan liêu là xa rời quần chúng, không đi sâu đi sát, không hiểu rõ lai lịch, tư tưởng và công tác của cán bộ mình. Không lắng nghe ý kiến của quần chúng. Sợ phê bình và tự phê bình. Tác phong của những "ông quan liêu" là thiếu dân chủ, không giữ đúng nguyên tắc lãnh đạo tập thể, phân công phụ trách".
Như nhiều ý kiến đã nhận định, làm cán bộ rất dễ quan liêu, đôi khi do công việc kéo đi cũng thành quan liêu. Nên việc các cấp chính quyền lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp của tổ chức, Nhân dân để điều chỉnh các giải pháp phù hợp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc luôn là một yêu cầu đặt ra. Học tập và làm theo tư tưởng của Bác, nhiều địa phương đã tạo ra những bước chuyển lớn về xây dựng phong cách làm việc trọng dân, gần dân, vì dân. Điển hình như nhiều lãnh đạo các cấp đã công bố công khai số điện thoại, thư điện tử để Nhân dân trao đổi thông tin khi cần. Cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước đã nở những nụ cười tươi khi Nhân dân đến công sở giải quyết công việc và đã biết xin chào, xin phép, xin cảm ơn và xin lỗi dân...
Đặc biệt, các cấp chính quyền với người đứng đầu đã thực hiện quy định tiếp dân một cách thường xuyên, nền nếp. Qua đó, tăng cường sự hiểu biết, chia sẻ giữa chính quyền các cấp và người dân; nắm bắt và giải quyết kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân, đồng thời cũng góp phần thực hiện hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp. Thực tiễn cũng cho thấy, nơi nào thực hiện tốt quy chế tiếp dân, ở đó hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp, chạy lòng vòng.
Tháo gỡ các “nút thắt” chậm chễ
Tại Hà Nội, Thành ủy đã ban hành các chỉ thị yêu cầu rất cụ thể về trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo và xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Hà Nội vẫn duy trì lịch lãnh đạo TP tiếp công dân định kỳ hàng tháng để kịp thời giải quyết các vấn đề dân sinh, điều chỉnh những bất cập cho phù hợp. Công tác tiếp dân, đôn đốc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc trách nhiệm của Thường trực, đại biểu HĐND TP Hà Nội cũng được đặc biệt quan tâm và tạo hiệu quả thực tiễn.
Tại các buổi tiếp dân, đại biểu HĐND đã thực hiện tốt việc tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến các quy định của pháp luật tới công dân. Đây cũng là dịp để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị và hướng dẫn công dân thực hiện đúng quy định, đồng thời tiếp nhận đơn, thư chuyển đến các cơ quan thẩm quyền giải quyết. Thường trực HĐND TP cũng tăng cường tiếp dân theo vụ việc, có mời các sở, ngành chức năng, lãnh đạo các quận, huyện, thị xã (địa bàn có đơn thư) dự. Tại buổi tiếp, Thường trực HĐND TP trực tiếp đối thoại với công dân có đơn, xử lý đơn và chỉ đạo ngay các cơ quan giải quyết.
Thực tế cho thấy, việc tiếp dân theo vụ việc của lãnh đạo TP, các cấp đã thể hiện hiệu quả rõ ràng, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công dân trực tiếp, tháo gỡ “nút thắt” chậm trễ. Đồng thời, việc lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường trao đổi với người dân ngay từ khi phát sinh vụ việc để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, làm rõ nguyên nhân phát sinh bức xúc, giải đáp thấu đáo những vấn đề người dân còn thắc mắc, đồng thời chỉ đạo, giải quyết kịp thời những nội dung còn vướng mắc cũng giúp tạo ra sự đồng thuận.
Tuy nhiên, để gần dân, thực sự lắng nghe được nhiều hơn ý kiến của dân như tư tưởng của Bác, nhiều ý kiến cho rằng, người đứng đầu các địa phương cần xác định rõ thẩm quyền, chủ động đối thoại, nắm tình hình, giải quyết kịp thời các vụ việc phát sinh ngay từ cơ sở, đặc biệt là với các vấn đề nóng. Chỉ có sự lắng nghe, đi đến cùng vụ việc, mới tạo được sự đồng thuận, tránh được tình trạng đơn thư khiếu nại tố cáo chạy lòng vòng, vượt cấp; mới tránh được tình trạng khiếu kiện “chuyên nghiệp” kéo dài nhiều năm không dứt, không để phát sinh thành điểm nóng. Qua đó, với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị, nhất là vai trò của người đứng đầu các cấp sẽ giúp tháo gỡ những lực cản lớn cho chính các địa phương trong việc tạo ổn định, đồng thuận để phát triển.