Hà Nội: Làng nghề hối hả chuẩn bị hàng Tết

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Còn hơn 2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần (2022), nhưng thời điểm này, các làng nghề sản xuất thực phẩm khô trên địa bàn Hà Nội đã hối hả tăng công suất, tăng sản lượng đáp ứng nhu cầu dịp cuối năm. Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất, các cơ sở vẫn không quên nhiệm vụ phòng dịch Covid-19.

Tăng công suất, sản lượng
Sau thời gian dài sản xuất cầm chừng vì thực hiện giãn cách xã hội để phòng dịch Covid-19, thời điểm này các làng nghề trên địa bàn Hà Nội đã quay lại guồng sản xuất mới. Do nhiều đơn hàng đã ký kết chưa kịp hoàn thành, nên thời điểm này các cơ sở sản xuất của làng nghề phải tăng công suất. Đặc biệt, dịp cuối năm lại là thời điểm tiêu thụ hàng hóa mạnh nhất trong năm, nên các làng nghề đang phải chạy đua với thời gian.
Trong số các làng nghề truyền thống thì những làng nghề chế biến thực phẩm đồ khô như miến, bún khô, bánh đa nem… hiện đang ghi nhận không khí sản xuất khẩn trương nhất. Bởi đây là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, có thể dự trữ được lâu.
 Cơ sở sản xuất miến tại xã Tân Hòa, Quốc Oai
Ghi nhận không khí làm việc tại làng nghề miến dong làng So thuộc xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai một ngày cuối tháng 10 âm lịch, mới thấy hết được sự khẩn trương. Chỉ mới hơn 7 giờ sáng, cả cánh đồng và các ngả đường ở xã Tân Hòa đã được phủ trắng bởi những giàn phơi miến.
Theo người làm nghề ở làng, công việc của họ thường phải bắt đầu từ tờ mờ sáng. Khoảng 5 giờ sáng, đồng loạt các cơ sở sản xuất đều lên lửa, tiếp đó máy quấy bột, máy tráng miến chạy ro ro, xình xịch báo hiệu một ngày làm việc bắt đầu. Để đến khi nắng lên, người dân kịp mang những phên nứa phơi bánh ra đón nắng tự nhiên. Hiện các cơ sở sản xuất miến dong của làng nghề đều tăng công suất gấp đôi để chuẩn bị cho đơn hàng Tết.
Gia đình anh Vương Đình Bắc ở thôn 5, xã Tân Hòa đang có gần 20 lao động làm việc. Vào những ngày thường, cơ sở sản xuất khoảng 4 tấn miến/ngày, nhưng hiện tại anh đã nâng công suất lên gấp đôi. Ngoài ra, anh cũng thuê thêm gần 10 lao động chỉ chuyên đóng gói và phơi sản phẩm.
Anh Bắc chia sẻ, miến được bán quanh năm, nhưng vào dịp Tết sẽ tiêu thụ mạnh hơn. Tuy dịch bệnh ảnh hưởng đến nhiều mặt hàng, nhưng riêng với sản phẩm miến lại không bị ảnh hưởng quá nhiều. Hàng năm, cứ vào khoảng tháng 10 âm lịch, các cơ sở sản xuất trong làng lại bắt tay vào làm hàng Tết.
Nhận định về vụ hàng Tết năm nay, anh Bắc cho rằng, sản lượng bán ra có thể sẽ không bằng các năm trước do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên đây là mặt hàng thực phẩm thiết yếu nên việc tiêu thụ hàng sẽ không đáng lo ngại. Hiện lượng đơn hàng Tết đã khá nhiều, vì vậy các cơ sở vừa làm vừa tính toán lượng hàng đặt để cân đối sản xuất.
Cũng tất bật chuẩn bị hàng Tết, những người làng nghề bánh đa nem Ngự Câu, xã An Thượng, huyện Hoài Đức hiện đang tranh thủ thời tiết hanh khô để tăng công suất 50 - 100% so với ngày thường.
Theo anh Nguyễn Quang Nam - chủ cơ sở sản xuất bánh đa nem Nam Thành Công, nghề sản xuất bánh đa nem thủ công phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, vì vậy người dân thường tranh thủ những ngày hanh khô để làm hàng. Người làng nghề thường chuẩn bị om hàng Tết từ tháng 8 âm lịch, khi thời tiết chuyển thu, hanh khô.
“Hiện nay cả làng có 18 hộ sản xuất, trong đó có 2 cơ sở sản xuất công nghiệp, 16 cơ sở sản xuất thủ công. Mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-9 nhưng lượng hàng đặt vẫn đều, thậm chí nhiều lúc không có đủ hàng để bán. Tuy nhiên, trước đó, làng nghề phải tạm dừng 2 tháng vì địa phương xuất hiện nhiều ca Covid-19. Thời điểm này khi dịch cơ bản đã được kiểm soát, các cơ sở sản xuất vừa phải làm hàng bán hàng ngày, vừa làm hàng Tết nên khá bận rộn” - anh Nam chia sẻ.
Tuân thủ “5k” và an toàn thực phẩm
Mặc dù tăng công suất, tăng sản lượng, nhưng các làng nghề vẫn đặc biệt chú trọng tới vấn đề an toàn thực phẩm và phòng chống dịch Covid-19. Chủ tịch UBND xã Tân Hòa Vương Sỹ Trung cho biết, trên địa bàn xã hiện có hơn 60 hộ tham gia làm nghề, thu hút hàng nghìn lao động trong và ngoài địa phương.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, các cơ sở sản xuất được khuyến cáo phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định phòng dịch. Mỗi cơ sở sản xuất đều được cấp mã QR Code để công nhân khai báo y tế. Khi công nhân đến làm việc được yêu cầu quét mã QR, đo thân nhiệt, sát khuẩn và đeo khẩu trang. Đối với công nhân ở địa phương khác được khuyến cáo ở lại cơ sở để hạn chế lây lan dịch.
Mặt khác, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh luôn được địa phương quan tâm, chú trọng. Ngoài kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm định kỳ, chính quyền địa phương còn kiểm tra đột xuất để kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp vi phạm.
Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, vận động các cơ sở kinh doanh chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm; tuyệt đối không đưa chất cấm để bảo quản, nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Theo chị Vương Thị Hợp - chủ cơ sở sản xuất miến dong Dương Phương, để làm được miến ngon, ngoài nguyên liệu, khi làm phải rất chú ý vấn đề vệ sinh, nước, bụi. Nếu không sạch sẽ, sạn vào bột thị sợi miến sẽ bị hỏng.
''Khi phơi miến cũng phải chọn những địa điểm không có xe đi qua nên chúng tôi thường mang ra cánh đồng để phơi. Năm nay giá cả một số nguyên liệu, nhiên liệu tăng, tuy nhiên cơ sở vẫn chú trọng chất lượng sản phẩm để giữ thương hiệu'', chị Vương Thị Hợp nói.