Làng nghề khấp khởi với Dự án 1102

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh nhiều làng nghề truyền thống của Hà Nội và cả nước đang dần bị mai một, Hệ thống tiếp thị "độc nhất vô nhị" (Dự án 1102) do Quỹ Văn hóa Hà Nội và Công ty CP Tiếp thị Làn sóng mới giới thiệu sáng 26/12 được coi là cuộc cách mạng cho sự phát triển du lịch làng nghề ở nước ta.

Hệ thống tiếp thị “độc nhất vô nhị”

Giới thiệu về Dự án 1102, ông Nguyễn Văn Tuấn - Phó Giám đốc chiến lược Công ty CP Tiếp thị Làn sóng mới cho biết, Hệ thống tiếp thị "độc nhất vô nhị" là nền tảng về truyền thông, tiếp thị thương mại điện tử… để tạo dựng và khẳng định thương hiệu số, nhân hiệu số cho các làng nghề, nghệ nhân của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế, văn hóa toàn cầu. Theo đó, tất cả những sản phẩm của các làng nghề sẽ được đưa vào hệ thống tiếp thị sản phẩm độc đáo trên môi trường số để quảng bá rộng rãi.

 
Sản xuất miến tại làng nghề Cự Đà, xã Thanh Oai, huyện Thanh Trì.  Ảnh: Phạm Hùng
Sản xuất miến tại làng nghề Cự Đà, xã Thanh Oai, huyện Thanh Trì. Ảnh: Phạm Hùng
Dự án sẽ thành lập Hội đồng thẩm định sản phẩm gồm các nghệ nhân, chuyên gia để thẩm định, phân loại các sản phẩm của các làng nghề thành 2 dòng sản phẩm để quảng bá trên "Hệ thống tiếp thị 1102" và "Chợ online". Trong đó, "Hệ thống tiếp thị 1102" là nơi tập hợp các mặt hàng cao cấp, độc đáo. Những mặt hàng ở đây không có sẵn mà kích thích khách đặt hàng, còn "chợ online" bao gồm tất cả những mặt hàng khác có sẵn. Sự tương tác giữa khách hàng với 2 chợ này sẽ dẫn khách hàng đến tận làng nghề, đến chủ sản xuất, kinh doanh để thương thảo với nhau. Để quảng bá ra nước ngoài, tất cả hệ thống sẽ được thể hiện bằng nhiều thứ tiếng.

Tham gia vào Dự án 1102, các nghệ nhân và cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích, bao gồm: Được tham gia trình diễn các tác phẩm "độc nhất vô nhị" ở trong nước và quốc tế; tham gia những chương trình triển lãm trong nước và quốc tế để giao lưu văn hóa với các nghệ nhân nước ngoài; được tham gia đào tạo nghề tại Học viện Truyền nghề; được hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ giải pháp tiếp thị số; được trao đổi trực tiếp với khách hàng, nhà đầu tư; được trưng bày sản phẩm tại bảo tàng số…

Nghệ nhân mừng

Mặc dù chưa biết Dự án sẽ thành công đến đâu, nhưng các nghệ nhân tỏ ra rất vui mừng. Như chia sẻ của nghệ nhân tranh dân gian Hàng Trống Lê Đình Nghiên: "Tại các làng nghề thủ công mỹ nghệ, kiếm một người học trò để truyền nghề rất khó. Hiện, nghề tranh dân gian Hàng Trống chỉ còn duy nhất tôi làm nghề. Tôi mừng vì Dự án 1102 sẽ mở Học viện Truyền nghề để những nghệ nhân tâm huyết có thể dạy nghề cho thế hệ sau, để nghề cha ông để lại không bị mai một". Nghệ nhân sơn mài Hạ Thái Nguyễn Thị Nhì cũng vui vì các sản phẩm "độc nhất vô nhị" của làng sẽ được trưng bày lâu dài. Bà tâm sự: "Thông thường, một sản phẩm độc đáo mà nghệ nhân trong làng làm ra bán rất nhanh. Mặc dù rất muốn giữ lại làm mẫu nhưng vì mưu sinh, chúng tôi đành phải bán khi có khách trả giá cao. Nếu Dự án 1102 có thể về tận các làng nghề, ghi lại hình ảnh của các sản phẩm độc đáo rồi quảng bá, lưu trữ trong bảo tàng số để nhiều người biết đến và đặt hàng thì thật may mắn".

 
Nghệ nhân làng nghề Tạc tượng Sơn Đồng chế tác sản phẩm. Ảnh: Văn Phúc
Nghệ nhân làng nghề Tạc tượng Sơn Đồng chế tác sản phẩm. Ảnh: Văn Phúc
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần: "Bên cạnh việc quảng bá nhân hiệu, thương hiệu của các làng nghề, Dự án cần phải quan tâm tuyên truyền các giá trị văn hóa, cảnh quan, môi trường, cộng đồng trong làng nghề để phát triển du lịch. Đó có thể là hình ảnh chợ truyền thống, cây đa, đồng lúa, những trò chơi gian gian… của làng nghề".

Giới chuyên môn nhận định, nếu áp dụng thành công Hệ thống tiếp thị "độc nhất vô nhị" thì đây sẽ là một cuộc cách mạng cho sự phát triển làng nghề. Như phân tích của GS Lê Hồng Lý - Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa: "Dự án 1102 không chỉ là nơi giới thiệu, quảng bá các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, các nghệ nhân tài năng khắp đất nước và thế giới mà còn tìm kiếm các đơn đặt hàng cho các cơ sở sản xuất. Mặt khác, khi đã xây dựng, quảng bá được thương hiệu, nhân hiệu sẽ kéo theo sự phát triển của du lịch làng nghề". Mặc dù Dự án 1102 vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện, nhưng ông Nguyễn Khắc Lợi - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội tin tưởng, khi đưa vào thực tiễn, Hệ thống tiếp thị "độc nhất vô nhị" có thể sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của các làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống, khắc phục tình trạng làng nghề bị mai một hiện nay.