Trải qua các thời kỳ phát triển đã hình thành lên các làng nghề, hiện nay các làng nghề vẫn phát triển ổn định, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế của người dân. Nhưng trên thực tế, từ nhiều năm nay, người dân tại các làng nghề thủ công mỹ nghệ cũng phải sống chung với cảnh ô nhiễm, xử lý vấn đề này không phải việc dễ làm.
Đầu tư thu gom rác thảiTheo khảo sát của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội, các làng nghề thủ công mỹ nghệ phân bố chủ yếu ở các huyện: Thường Tín, Thanh Oai, Ứng Hòa, Chương Mỹ, Quốc Oai, Phú Xuyên.
Một số làng nghề có hoạt động sản xuất diễn ra mạnh như: Làng nghề mộc thôn Định Quán (Thường Tín) 249 hộ làm nghề trên tổng số 293 hộ; Làng nghề điêu khắc Nhân Hiền (Thường Tín) 320/523 hộ tham gia; Làng nghề thêu may thôn Gia Khánh (Thường Tín) 350/595 tổng số hộ; Làng nghề may mặc, khảm trai thôn Từ Thuận (Phú Xuyên) 119/198 hộ tham gia.Một số làng nghề còn ít hộ làm nghề như: Làng nghề mộc thôn Áng Phao (Thanh Oai), Làng nghề mây tre đan thôn Hoàng Dương (Ứng Hòa), Làng nghề mây tre đan Phụ Chính (Chương Mỹ) chỉ còn khoảng 10 – 20 hộ làm nghề. Hiện tại có hai làng nghề mây tre đan không còn hoạt động sản xuất là làng nghề mây tre đan Bài Trượng (Chương Mỹ) và làng nghề mây tre đan Đồng Lư (Quốc Oai).Từ kết quả khảo sát cho thấy, Ô nhiễm môi trường không khí chủ yếu do quá trình gia công sản phẩm sử dụng sơn PU tại làng nghề mộc; bụi trong quá trình sản xuất may comple, khói do đốt chất thải rắn là vụn vải từ quá trình sản xuất tại làng nghề may mặc khảm trai. Đối với làng nghề làm mây tre đan còn có công đoạn chống mốc bằng cách xông lưu huỳnh, sinh nhiều SO2. Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Lê Tuấn Định cho biết, hầu hết các làng nghề không sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong quá trình sản xuất. Nước thải tại các làng nghề này chủ yếu từ hoạt động sinh hoạt của người dân, các công đoạn phát sinh nước thải lớn từ quá trình ngâm mây tre (làng nghề mây tre đan), nước ngâm xương, sừng hiện tại đều không có, do nguyên liệu được nhập về đều đã xử lý về để gia công nên đã loại bỏ được nguồn phát sinh nước thải nghiêm trọng.Tuy nhiên, khi các chất thải của làng nghề không được thu gom đúng cách thì vẫn có khả năng gây ô nhiễm nguồn nước do nước mưa chảy qua nơi lưu giữ chất thải, bề mặt không được vệ sinh dẫn tới lan truyền ô nhiễm vào nguồn nước mặt. Riêng làng nghề mộc, do có hoạt động cưa, xẻ gỗ, nên lượng bụi phát sinh lớn và có bán kính tác động xa, cùng với đó là tình trạng ô nhiễm không khí đang diễn ra phức tạp.“Cũng theo đánh giá từ kết quả rà soát, phân loại làng nghề, đối với nhóm làng nghề thủ công mỹ nghệ cần hỗ trợ kinh phí cho việc thu gom, xử lý rác thải làng nghề và xây dựng hệ thống thu gom xử lý nước thải” - ông Lê Tuấn Định chia sẻ.Sống chung với ô nhiễmHiện nay, trên địa bàn Thủ đô có hàng trăm làng nghề thủ công mỹ nghệ, với các loại hình chính là: mộc, mây tre đan, may mặc, làm nón, sơn khảm gỗ, lược sừng – các vật dụng từ sừng... trong đó, nghề mộc và nghề chế tác sừng là lĩnh vực có tỷ lệ ô nhiễm cao nhất.Khảo sát thực tế tại làng nghề mộc Dị Nậu (huyện Thạch Thất), theo số liệu của UBND xã Dị Nậu, hiện tại trên địa bàn xã có khoảng 3.000 hộ gia đình thì có tới trên 60% số hộ tham gia sản xuất nghề mộc. Việc làng nghề phát triển mạnh cả về quy mô lẫn số hộ sản xuất đã gây sức ép không nhỏ tới môi trường địa phương thời gian gần đây.Anh Hoàng Văn Minh công nhân làm thuê cho một xưởng mộc tại làng nghề Dị Nậu cho biết, Các hoạt động làm mộc đã ảnh hưởng trực tiếp tới sinh hoạt của người dân do tiếng ồn, mùi sơn và đặc biệt là bụi gỗ… từ hoạt động sản xuất phát tán ra không khí.Thực trạng này không chỉ đang diễn ra ngày một phức tạp tại làng nghề mộc Dị Nậu, mà đã trở thành vấn đề báo động đối với tất cả các làng nghề mộc trên địa bàn TP Hà Nội, nằm tập trung ở một số huyện ngoại thành, như: Thường Tín, Phú Xuyên, Đông Anh... Theo khảo sát của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội, vấn đề ô nhiễm không chỉ diễn ra ở các làng nghề mộc mà đang trở thành vấn nạn của nhiều làng nghề thuộc nhóm nghề thủ công mỹ nghệ.Tại làng nghề mây tre đan xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ), việc xử lý nguyên liệu mây tre đan như sấy, tẩy chủ yếu do người già làm vì lưu huỳnh với các hóa chất để rất ảnh hưởng tới sức khỏe.Ông Nguyễn Văn Thọ - Hội nghệ nhân làng nghề Phú Vinh (xã Phú Nghĩa) cho biết, trong quá trình sản xuất mặt hàng mây tre đan có sử dụng rất nhiều hóa chất như lưu huỳnh, sút, dung dịch mạ, sơn màu... rất độc hại đối với môi trường, ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và gây viêm đường hô hấp, dị ứng, bệnh ngoài da, bệnh phụ khoa. “Từ nhiều năm nay, người dân làng nghề đã phải sống chung với ô nhiễm” - ông Nguyễn Văn Thọ nói.