Từ bỏ ước mơ đầu đời…
Chủ tiệm giặt là đặc biệt này là chị Lương Thị Kiều Thúy (SN 1991). Khác với những đứa trẻ cùng thời, chị Thúy bị khiếm thính từ năm 10 tuổi. Mặc dù vậy, chị không mất niềm tin vào cuộc sống.
Mơ ước trở thành nhà báo, chị tốt nghiệp và thi đỗ vào trường Cao đẳng truyền hình. Thế nhưng, sau khi hoàn thành chương trình học, chị nhận ra nghề báo không phù hợp với người khiếm thính. Từ bỏ công việc và mơ ước, chị học ngôn ngữ kí hiệu và tham gia các dự án xã hội dành cho người khiếm thính.
Năm 2019, khi thực hiện dự án “Nghiên cứu về tình trạng việc làm của người điếc”, chị Thúy nhận thấy vấn đề việc làm của người điếc thật sự khó khăn. Vây là chị mong muốn giúp người điếc có thể cải thiện, thay đổi cuộc sống.
Qua kết nối của một người bạn, chị Thúy biết đến công việc giặt là. Cảm thấy đây là một công việc phù hợp, chị đã học với hy vọng học xong có thể dạy cho những người điếc bằng ngôn ngữ kí hiệu.
… đến sự ra đời của tiệm giặt là đặc biệt
Tháng 12/2020, “Tiệm giặt là người điếc” xuất phát từ ý tưởng “Giặt là sáng” của chị Thúy được thành lập, với quy mô khá khiêm tốn, chỉ có một quản lí và hai nhân viên đều là người khiếm thính.
Để có thể trụ vững, cạnh tranh một cách sòng phẳng với mô hình kinh doanh khác, ngoài chú trọng yếu tố chất lượng phục vụ, tiệm đã đẩy mạnh sự khác biệt và chuyên sâu hơn.
Cụ thể, ngoài việc giặt là các sản phẩm thông thường, tiệm giặt là đặc biệt này còn nhận vệ sinh các mặt hàng cao cấp (áo lông vũ, quần áo đắt tiền…) theo đúng yêu cầu, mong muốn của khách hàng. Bên cạnh đó, còn có công nghệ đánh giày dép sáng bóng như mới.
Trải qua hai năm hoạt động, cũng là khoảng thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tiệm gặp khá nhiều khó khăn, thế nhưng chị Thúy luôn lạc quan. “Hai năm vừa qua có rất nhiều khó khăn chung mà mọi người đều gặp phải và tiệm giặt cũng như vậy. Nhưng chúng tôi vẫn rất lạc quan nên nhờ đó mà mình coi khó khăn là cơ hội thôi. Vì cứ nói mãi về khó khăn cũng tiêu cực lắm” - chị Thúy chia sẻ.
Có lẽ, nhờ chính sự lạc quan và luôn nỗ lực, cố gắng không ngừng, tiệm giặt là đặc biệt ấy hiện tại đã sở hữu thêm một cơ sở mới ở ngõ 41 đường Láng (quận Đống Đa, Hà Nội).
“Nhân viên cũng có nhiều kinh nghiệm trong nghề và khách hàng biết đến tới tiệm giặt đồ ngày một nhiều hơn. Chúng tôi cũng có nhiều kế hoạch để thực hiện trong thời gian sắp tới” – chị Thúy nói.
Theo chị Thúy, điều ý nghĩa nhất mà tiệm giặt là mang lại chính là đã giúp thay đổi định kiến của nhiều người trong xã hội về người khuyết tật. Đây chính là điều khiến chị Thúy và những người khuyết tật tại tiệm giặt là cảm thấy tự hào.
Chắc hẳn, khi có nghề, có kinh nghiệm, người điếc không chỉ làm chủ cuộc sống hoặc tự phục vụ bản thân mà sẽ còn được tôn trọng, bình đẳng trong xã hội.
Không chỉ dừng lại ở nhóm người khiếm thính, chị Thúy còn ấp ủ những dự định trong tương lai về việc mang lại cơ hội việc làm cho những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương khác.
“Trong tương lai, có thể sẽ có những công việc cho các dạng khuyết tật khác nữa, nếu vị trí đó phù hợp với dạng khuyết tật của họ thì mình sẽ triển khai mô hình, kết hợp giúp họ có thêm việc làm” - chị Thúy bày tỏ.
Cô gái nhỏ luôn mang trong mình tâm niệm có thể giúp đỡ và làm thay đổi cuộc sống của những người khuyết tật, nâng cao giá trị và giúp họ có được vị trí trong xã hội.