Làng nghề Trát Cầu, xã Tiền Phong, huyện Thường Tín: Bỏ bật bông sang nghề mới

Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước sự cạnh tranh gay gắt về thị trường sản phẩm chăn, ga, gối, đệm, những năm gần đây, người dân làng nghề Trát Cầu, xã Tiền Phong (huyện Thường Tín) đã chủ động thích ứng bằng việc đầu tư máy móc công nghệ vào sản xuất.

 Vận hành máy dệt tại một cơ sở sản xuất thuộc làng nghề Trát Cầu, xã Tiền Phong. 
Đến với làng nghề Trát Cầu những ngày cuối năm, có thể nhận thấy không khí lao động sản xuất hăng say ở đây. Tiếng máy móc vang lên không dứt từ bên trong những khu xưởng rộng lớn.
Tại cơ sở sản xuất của gia đình chị Nguyễn Thị Thảo, nhiều nhân công tập trung vận hành hệ thống máy móc, trang thiết bị dệt, may vỏ chăn, ga, gối, đệm. Mỗi người một việc, khẩn trương để kịp hoàn thành đơn hàng giao cho khách. Chị Thảo cho biết, trước sự cạnh tranh của sản phẩm chăn, ga, gối, đệm nhập khẩu, đặc biệt là từ Hàn Quốc, Trung Quốc, từ năm 2016, vợ chồng chị đã phải đầu tư gần 400 triệu đồng để mua hai máy dệt may. Với sự hỗ trợ của máy móc, năng suất lao động và chất lượng sản phẩm đồng thời được nâng lên. “Nếu như trước đây, khi dệt may bằng tay, mỗi ngày chỉ được khoảng 10 vỏ chăn, ga, gối, đệm, thì nay với máy móc hỗ trợ, mỗi ngày gia đình tôi có thể sản xuất ra trên 30 chiếc…” – chị Thảo nói.
Không riêng gì gia đình chị Thảo, hàng trăm hộ sản xuất tại làng nghề chăn, ga, gối, đệm Trát Cầu cũng đã mạnh dạn đầu tư, đưa máy móc, trang thiết bị vào sản xuất. Bên cạnh chất lượng, các hộ dân cũng quan tâm xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm.
Tại Trát Cầu có hàng trăm nhãn hiệu được các cơ sở sản xuất đăng ký. Đây cũng là phương cách để làng nghề từng bước định vị thương hiệu sản phẩm trên thị trường đa dạng các mặt hàng, chủng loại hiện nay.
Cùng với năng suất và chất lượng, việc ứng dụng máy móc, trang thiết bị công nghệ vào sản xuất cũng giúp giảm đáng kể số lượng phế phẩm (chủ yếu là vải vụn). Đây được xem là nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm môi trường nhiều năm về trước, khi một bộ phận người dân vẫn có thói quen đốt bỏ vải vụn sau thải loại.
Chủ tịch UBND xã Tiền Phong Phạm Xuân Thịnh cho biết, để hạn chế ảnh hưởng của sản xuất đến đời sống dân cư, huyện Thường Tín đã đầu tư xây dựng cụm công nghiệp làng nghề tập trung. Dù vậy, hiện vẫn còn một lượng lớn các hộ giữ thói quen sản xuất trong khu dân cư.
Theo ông Thịnh, so với nhiều năm trước, vấn đề vụn vải sau sản xuất bị thải loại đã giảm đáng kể. Một phần là nhờ huyện chỉ đạo các hộ gia đình phải ký hợp đồng thu gom để xử lý; thứ nữa là vải vụn hiện cũng đang được các hộ gom bán cho các cơ sở sản xuất thú nhồi bông.
Cùng với việc duy trì cho các hộ ký hợp đồng thu gom phế phẩm sau sản xuất, ông Thịnh cho biết, thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục phối hợp với các sở ngành của TP triển khai thêm các lớp đào tạo nghề may cho lao động nông thôn. Đồng thời, tạo điều kiện về thủ tục vay vốn để các hộ đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, tiến tới nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần