Nghề truyền thống phát triển
Chủ tịch UBND xã Vân Tảo Nguyễn Văn Hoàn chia sẻ, Vân Tảo phát triển nghề trồng hoa đào từ năm 1990. Tuy nhiên, hàng chục năm sau đó, phạm vi trồng hoa đào chưa nhiều. Phải từ ngày 1/8/2008, thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội khoá XII về điều chỉnh địa giới hành chính Hà Nội và một số tỉnh, Vân Tảo mới chuyển mình tăng diện tích trồng đào.
Đến nay ở xã Vân Tảo, cây đào đang là loại cây chủ lực cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn các loại cây khác và đã trở thành nghề truyền thống. Không chỉ có kinh nghiệm, những người trồng đào của xã cũng nắm vững và áp dụng khoa học kỹ thuật: Cưa cành, cắt tỉa lá, ghép mắt, bọc nilon, sưởi điện…giúp đào ra hoa đúng dịp Tết Nguyên đán.
Những năm gần đây, các gia đình ở Vân Tảo tăng diện tích chuyển đổi sang trồng cây hoa đào, cây cảnh và rau xanh ngắn ngày đã cho thu hoạch cao. Từ đôi bàn tay và khối óc của mình, người dân xã Vân Tảo đã tìm ra cho mình nguồn kinh tế mới, trở thành hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương.
Có mặt tại xã Vân Tảo vào ngày 15/1/2024, sau những ngày liên tiếp có mưa đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoa đào. Tại nhà vườn Đức Thắng, ông chủ Trần Văn Thắng đang trồng 5 sào hoa đào chủ yếu là đào thế, gốc cổ thụ, mỗi sào ruộng trồng khoảng 60 cây cho thu nhập cỡ khoảng 300 triệu đồng/năm, bán cây hoặc cho thuê cây mỗi dịp Tết đến XHân về.
Anh Thắng tâm sự: Do năm nay Tết kéo dài 1 tháng so với mọi năm cũng đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc tính toán tuốt lá cây đào và kiểm soát điều chỉnh cho việc cây ra hoa sớm hay muộn. Bên cạnh đó, tùy thuộc mỗi giống đào có đặc trưng khác nhau nên phải tuốt lá cây trong phạm vi 45 - 60 ngày trước Tết.
Liền kề nhà vườn của anh Thắng là nhà vườn Xuân Thạo của anh Nguyễn Xuân Thạo. Thấy có khách, ông chủ Thạo thoăn thoắt ấm rồi pha trà mời khách, đồng thời giới thiệu một loạt cây hoa đào gốc cổ thụ kèm theo giá bán hoặc giá cho thuê cây để khách biết và lựa chọn tùy theo túi tiền của mình.
Anh Thạo chia sẻ: Mấy tuần vừa qua, thời tiết nắng nóng khiến các chủ vườn cố gắng kiểm soát và hãm tốc độ ra hoa của cây đào bằng nhiều cách, tuy nhiên cũng không đạt kết quả cao. Tiếp đó, mấy ngày giữa tháng 1/2024 lại liên tiếp có mưa cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của cây; chỉ sợ mấy ngày tới lại có nắng thì nguy cơ những cây đào ra nhiều nụ sẽ bừng nở.
Nhiều hộ thoát nghèo nhờ cây đào
Chủ tịch UBND xã Vân Tảo Nguyễn Văn Hoàn cho biết: Hiện nay xã có trên 1.200 hộ với 82,5ha trồng hoa đào ở thôn Nội Thôn và thôn Đông Thai, cho thu nhập khoảng 1,5 tỷ đồng/năm/ha. Bên cạnh đó, nhiều gia đình còn thuê khoảng 30ha đất nông nghiệp ở xã Tự Nhiên và xã Chương Dương để trồng đào. Ngoài ra, xã Vân Tảo còn có trên 90ha diện tích gieo trồng rau màu các loại…
Sự chuyển mình của Vân Tảo góp phần tăng thu nhập, tạo việc làm cho lao động. Năm 2008, toàn xã có 100 hộ nghèo, với thu nhập 25 triệu đồng/người/năm thì đến nay toàn xã với 6 thôn nhưng chỉ còn 4 hộ nghèo, thu nhập bình quân 70 triệu đồng/người/năm. Nhiều hộ gia đình nhờ có nghề trồng hoa đào đã thoát nghèo.
Trước đây, cây hoa đào chỉ được triển khai ở một vài thôn nhưng đến nay đã phát triển ra toàn xã. Trong những năm tới, xã tiếp tục chuyển đổi đất lúa sang trồng đào và gieo trồng rau màu các loại. Đây là tiền đề quan trọng giúp cải thiện tiêu chí thu nhập trong tiến trình xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Nghề trồng đào đang là hướng đi đúng đắn đem lại hiệu quả kinh tế cao. Do vậy, địa phương xác định hướng tới xây dựng thành mô hình làng hoa, cây cảnh lớn nhất nhì miền Bắc, mỗi năm cung ứng hàng chục triệu sản phẩm hoa, cây cảnh các loại phục vụ thị trường dịp Tết, trong đó cây hoa đào sẽ là cây chủ lực.
Hầu hết các vườn đào có quy mô tại Vân Tảo trồng khoảng 300 - 400 gốc, với số vốn bỏ ra hàng tỷ đồng. Nhiều nhà vườn lớn mạnh tay mở rộng quy mô 600 - 700 gốc với số vốn bỏ ra lớn hơn. Trong đó phải kể đến vườn cây cảnh của hộ ông Nguyễn Văn Khả, anh Trần Văn Thắng, Nguyễn Văn Đông… là những nhà vườn sở hữu nhiều gốc đào giá trị.
Từ sự nỗ lực, cố gắng, đoàn kết trong sản xuất, năm 2012 thôn Nội Thôn đã được UBND TP Hà Nội công nhận làng nghề cây cảnh truyền thống. Năm 2018 (sau 10 năm mở rộng Hà Nội), Vân Tảo hoàn thành và được công nhận xã nông thôn mới. Ngày 15/1/2024, thôn Đông Thai cũng đã được UBND TP công nhận làng nghề truyền thống hoa cây cảnh.
Hằng năm, làng nghề đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho trên 1.000 lao động tại địa phương với thu nhập bình quân từ 10 - 15 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, hoa đào đã góp phần đưa cuộc sống người dân Vân Tảo ngày càng sung túc, khấm khá hơn, đem lại những khởi sắc cho diện mạo nông thôn vùng đất này.
Bí thư Đảng ủy xã Vân Tảo Nguyễn Thanh Liêm khẳng định: Phát triển diện tích trồng hoa, cây cảnh có chất lượng cao đang là hướng đi đúng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn của Thường Tín nói chung và xã Vân Tảo nói riêng. Hiện tại, nghề trồng hoa, cây cảnh đang trở thành nghề chính chiếm phần lớn trong sản xuất nông nghiệp so với các ngành nghề khác.