Làng nghề truyền thống khó trăm bề giữa "bão" Covid-19

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Gần 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động của các làng nghề. Để tồn tại, bài toán đặt ra là các làng nghề phải có cách làm mới để thích nghi, tiếp tục sản xuất kinh doanh, đồng thời chuẩn bị cho bước phát triển trong thời tương lai.

Làng nghề lao đao
Cũng như các ngành nghề khác, do tác động của dịch Covid-19, thời gian qua, các hộ kinh doanh làng nghề gặp khó khăn chồng chất. Người dân thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh khó khăn của đại dịch nên thị trường trong nước bị co lại, sức mua hàng thủ công giảm sút. Về xuất khẩu, mặt hàng thủ công mỹ nghệ cũng giảm mạnh, gặp khó khăn về nguyên liệu (như gỗ) hoặc cước phí vận tải tăng cao. Cũng do dịch bệnh, khách du lịch nước ngoài giảm mạnh; những điểm du lịch làng nghề vắng khách hẳn. Do thị trường bị thu hẹp, hàng làm ra không bán được, khiến các làng nghề lao đao, khá nhiều hộ phải thu hẹp hoặc tạm ngừng sản xuất kinh doanh.
Theo khảo sát nhanh của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam với trên 100 DN bằng hình thức online cho thấy, trong đợt tái dịch Covid-19 lần thứ 4 này, có đến 84% DN nhỏ và vừa gặp khó khăn. Trong đó, 40% thiếu vốn kinh doanh; thị trường bị ảnh hưởng, thu hẹp chiếm 80%; phải cắt giảm lao động chiếm 52%; bị đứt chuỗi cung ứng nguyên liệu chiếm 14%; bị cản trở hoạt động kinh doanh do biện pháp cách ly xã hội phòng dịch chiếm trên 50%.
Làng nghề mây tre đan Chương Mỹ
Chia sẻ về những khó khăn đang gặp phải, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Hội Hà Thị Vinh cho biết: Các hộ kinh doanh tại khu chợ gốm sứ Bát Tràng hiện nay không bán được hàng, nhiều hộ phải đóng cửa vì không có khách. Đối với DN xuất khẩu chính ngạch thì giảm 40-50%; DN xuất khẩu theo đường tiểu ngạch thì giảm đến 90 - 95%. Do đó, nhiều DN, cơ sở sản xuất của làng nghề phải sản xuất cầm chừng, còn các xưởng nhỏ dừng sản xuất và đóng cửa.
Cũng đang lao đao vì dịch, hàng trăm lao động tại làng nghề thêu Quất Động (Thường Tín) đang đang rơi vào cảnh thất nghiệp. Bởi sản phẩm thêu là mặt hàng quà tặng bán cho khách tại các khu du lịch… Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh kéo dài các khu du lịch đóng cửa dẫn đến nhiều DN tại làng nghề không bán được và còn tồn rất nhiều hàng. Nghệ nhân Nguyễn Thúy Đào – chủ DN tranh thêu tay Thúy Đào chia sẻ: “Hàng làm ra không bán được nên nhiều lao động của làng nghề đang không có việc làm. Như DN của tôi trước kia vào mùa có tới 50 thợ, nhưng nay chỉ còn giữ lại 2 thợ”.
Thay đổi để thích ứng
Theo Chủ tịch Hội đồng Tư vấn – Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Vũ Quốc Tuấn, trước những tác động mới từ đại dịch, đòi hỏi các chủ DN, lao động của làng nghề phải tìm ra những giải pháp để thích nghi, khắc phục khó khăn duy trì sản xuất, chuẩn bị cho bước phát triển mới khi dịch đi qua. Chủ hộ cần có đột phá mới, hình thành lớp doanh nhân 4.0, khắc phục tâm lý kinh doanh nhỏ lẻ, tự ti về vốn liếng, trình độ.
Bên cạnh đó, các DN, cơ sở sản xuất cần rà soát môi trường bên trong và bên ngoài để hiểu rõ hơn năng lực của mình. Từ đó có những chiến lược phù hợp với cơ hội hoặc thách thức trong bối cảnh mới. Tập trung vào mục tiêu ngắn hạn, sản xuất các sản phẩm bán được ngay để sớm thu hồi vốn, cắt bỏ những chi phí không cần thiết để tinh gọn hơn.
 Sản phẩm gốm Bát Tràng
Ông Vũ Quốc Tuấn cho rằng, với sự bùng nổ của CMCN 4.0, các hộ đang có thời cơ rất thuận lợi để ứng dụng, thực hiện số hóa, bảo đảm giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động, tăng lợi nhuận. Thực tế cho thấy, từ khâu thiết kế, sáng tạo mẫu mã sản phẩm, cho đến quản trị, điều hành sản xuất, xây dựng thương hiệu, ứng dụng thương mại điện tử, vận chuyển hàng hóa… tất cả đều có thể ứng dụng công nghệ mới một cách linh hoạt, thích hợp từ thấp đến cao.
 Trên thực tế, thời gian qua một số làng nghề đã nhanh nhạy, linh hoạt chuyển đổi mô hình hinh doanh phù hợp với tình hình mới. Chủ tịch Hội làng nghề dệt lụa Vạn Phúc chia sẻ, trong tình hình thị trường tiêu thụ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều DN và cơ sở sản xuất của làng nghề đã đưa sản phẩm của mình lên trang thương mại điện tử, bước đầu thu được kết quả đang khích lệ.
Cần thêm đòn bẩy từ chính sách
Để hỗ trợ các làng nghề vượt qua khó khăn, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều biện pháp như cấp các gói tiền trợ giúp những hộ hoặc người lao động mất việc làm; miễn, giảm, giãn, hoãn nộp các loại thuế, phí; hoãn đóng bảo hiểm xã hội; giảm phí giao thông, phí kho, bãi, tổ chức lại logistics… Ngân hàng cũng đã tiến hành cơ cấu lại các khoản dư nợ, thực hiện miễn, giảm lãi suất, khoan, giãn nợ, tăng tín dụng…Trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký kết đã đề ra những ưu đãi, chủ yếu là về thuế.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần, các hộ được hưởng những ưu đãi nói trên không nhiều, có phần do thủ tục để được hưởng còn rườm rà, khó thực hiện; cũng có phần do nhiều hộ không kịp thời tiếp cận các ưu đãi ấy. Trong khi nội lực có hạn, vốn liếng bị bào mòn qua thời gian chống chọi với dịch bệnh, nhiều khó khăn chồng chất vẫn đè nặng các hộ kinh doanh trong làng nghề nước ta. Trên cơ sở đó, ông Lưu Duy Dần kiến nghị, cần triển khai nhanh các gói hỗ trợ Chính phủ ban hành theo nghị định 52/2021/NĐ-CP. Mặt khác, các gói hỗ trợ an sinh xã hội do Bộ LĐTB&XH ban hành cần khắc phục các rào cản mà lần hỗ trợ thứ nhất các doanh nghiệp gặp phải. Đặc biệt, ngân hàng tiếp tục xem xét nới lỏng thêm các điều kiện khoanh nợ, giãn nợ, điều chỉnh giảm lãi suất nợ cũ và xem xét cho vay mới theo lãi suất ưu đãi (thấp hơn) giúp cho DN sản xuất bớt khó khăn. “Trong tình hình hiện nay, Hiệp hội hỗ trợ trợ bằng cách tư vấn cho hội viên tập trung vào thiết kế mẫu mã sản phẩm, mẫu mã bao bì mới; đào tạo nâng cao kỹ năng nghề, năng lục quản lý; áp dụng khoa học công nghệ 4.0” – ông Lưu Duy Dần cho hay.
Ở góc độ làng nghề, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Hội Hà Thị Vinh kiến nghị, Chính phủ cần có cơ chế, kế hoạch và lộ trình thật cụ thể về chương trình tiêm vaccine phòng dịch Covid-19 cho công nhân, người lao động tại các làng nghề trong thời gian sớm nhất có thể. Đưa đối tượng các doanh nhân, công nhân, người lao động vào đối tượng ưu tiên tiếp cận vaccine vì sự phát triển kinh tế. Đồng thời tạo điều kiện và hướng dẫn các DN làng nghề có điều kiện có thể chủ động mua sớm vaccine tiêm phòng cho công nhân của mình.