Làng nghề truyền thống Phú Xuyên chuyển mình trong đại dịch Covid-19

Công Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là huyện ngoại thành phía Nam TP Hà Nội, Phú Xuyên được mệnh danh là vùng đất trăm nghề, với nhiều làng nghề truyền thống độc đáo nổi tiếng, trong đó có làng nghề khảm trai Chuyên Mỹ, làng nặn tò he ở thôn Xuân La, xã Phượng Dực, làng nghề may Vân Từ…

Phát triển trong tình hình mới
Hiện nay, trên địa bàn huyện Phú Xuyên có 154/154 làng, cụm dân cư có nghề, trong đó có 43 làng nghề được TP công nhận làng nghề; 25.400 hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp (chiếm 39% tổng số hộ); hơn 41.000 lao động sản xuất tiểu thủ công nghiệp (chiếm 40% tổng số lao động toàn huyện). Thu nhập bình quân lao động tại làng nghề đạt 66 triệu đồng/người/năm. Những năm qua, nhờ có làng nghề, nhiều hộ dân địa phương đã thoát nghèo.
 Bí thư Huyện uỷ Phú Xuyên Lê Ngọc Anh thăm cơ sở sản xuất làng nghề giày da Phú Yên
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, một số làng nghề của huyện Phú Xuyên rơi vào tình trạng đình trệ, chủ cơ sở kinh doanh phải tạm đóng cửa như tại làng nghề giày da Phú Yên, may comple xã Vân Từ… Tuy nhiên, đây cũng là khoảng thời gian để các chủ cơ sở sản xuất kinh doanh nỗ lực sáng tạo, phát triển mẫu mã, sản phẩm mới nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, cũng như chủ động chuyển hướng sang khai thác thị trường nội địa và kinh doanh trên nền tảng online.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Phú Yên Nguyễn Đại Hoan, sau thời gian tạm thời đóng cửa để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, đến nay các cơ sở sản xuất, kinh doanh của làng nghề giày da Phú Yên đã hoạt động trở lại với công suất từ 70 - 80% so với thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh. Tuy sản xuất của làng nghề đang hồi phục trở lại trong tình hình mới nhưng các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và người lao động luôn chủ động, đề cao công tác phòng chống dịch Covid-19, tuân thủ thông điệp 5K”.
“Làng nghề giày da xã Phú Yên cũng đã trải qua nhiều thăng trầm, lúc cao điểm có khoảng 500 cơ sở sản xuất gia công với hàng nghìn lao động trong xã, huyện, chưa kể lao động ở các địa phương lân cận đến làm thuê. Cùng với việc đầu tư máy móc hiện đại vào sản xuất, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm thì các hộ sản xuất làng nghề ở đây cũng đã chủ động chuyển hướng sang bán hàng online qua mạng xã hội kết hợp với bán hàng trực tiếp” - Bí thư Đảng uỷ xã Phú Yên Nguyễn Đại Hoan chia sẻ.
 Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Xuân Thanh thường xuyên đi kiếm tra đột xuất công tác phòng chống dịch bệnh tại các chốt kiểm soát dịch ở các làng nghề
Ông Đào Ngọc Hùng - Giám đốc Công ty TNHH may mặc Hùng Luyến, xã Vân Từ tâm sự: “Sau thời gian dài sống chung với dịch Covid-19, đến nay công ty đang dần khôi phục sản xuất với hơn 40 công nhân làm việc ở các công đoạn. Đồng thời duy trì song song hai mặt trận bán hàng, đó là khách gửi theo xe tới các tỉnh, TP lớn trong cả nước và bán hàng qua thương mại điện tử. Nhờ sớm bắt nhịp thời cuộc, những ngày gần đây, làng nghề đã nhộn nhịp tiếng cắt, tiếng tí tách của máy may hoạt động trở lại, mặc dù công suất chưa đạt như cùng kỳ những năm trước”.
Còn tại xã Phú Túc, trong những ngày giãn cách vừa qua, nhiều doanh nghiệp, tổ hợp tác sản xuất kinh doanh cũng phải giảm quy mô hoạt động, khả năng tiêu thụ hàng hóa hạn chế. Người lao động tại các cơ sở này thực hiện “3 tại chỗ”, còn các hộ chỉ sản xuất trong phạm vi khuôn viên nhà riêng, không có mấy giao dịch, trao đổi hàng hóa. Những ngày này thì khác, làng nghề đan cỏ tế Phú Túc đã bắt đầu sôi động trở lại. Các cơ sở sản xuất nhộn nhịp người qua lại, những chuyến xe chở hàng chạy khắp nẻo đường làng.
Hỗ trợ làng nghề phát triển
Tuy nhiên, với xã Đại Thắng, nơi được gọi là “vùng xanh” suốt nhiều tháng qua, cho đến thời điểm hiện nay lại được mọi người nâng cao ý thức bảo nhau phải thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, quyết không để dịch Covid-19 xâm nhập vào địa bàn. Cùng với đó là sự nhạy bén trong sản xuất, kinh doanh nên trong thời gian giãn cách xã hội vừa qua, nhiều công ty, doanh nghiệp trên địa bàn xã đã tập trung sản xuất các mặt hàng thiết yếu cơ, kim khí là thế mạnh của địa phương để phục vụ các đơn vị trong công tác phòng dịch. 
 Bí thư Huyện uỷ Phú Xuyên Lê Ngọc Anh thăm các cơ sở sản xuất làng nghề may comple xã Vân Từ

 Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Xuân Thanh cho biết, nhằm thúc đẩy kinh tế làng nghề, những năm qua, UBND huyện và các xã đã có nhiều giải pháp hỗ trợ khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề như: Quy hoạch, xây dựng cụm công nghiệp (CCN) làng nghề, nâng cấp hệ thống lưới điện, đường giao thông… Bên cạnh đó, huyện quy hoạch và từng bước xây dựng hàng loạt CCN. Tính từ năm 2018 - 2020, đã có 4 CCN làng nghề được thành lập, phấn đấu đến năm 2025 thành lập mới 4 CCN làng nghề...
Cùng với việc quan tâm, khuyến khích tiếp tục cải tiến và hiện đại hóa công nghệ, quy trình và nguyên vật liệu sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng mẫu mã sản phẩm, huyện Phú Xuyên coi trọng đào tạo, công nhận, tập hợp, tôn vinh đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi có tay nghề cao; đa dạng hóa hình thức đào tạo nghề, truyền nghề và nâng cao năng lực quản trị cho chủ cơ sở sản xuất làng nghề; nâng cao thương hiệu làng nghề, chú trọng nâng cao hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của hàng hóa làng nghề. Song song với đó, huyện cũng đã chỉ đạo ban ngành chức năng và các xã, thị trấn xây dựng phương án bảo vệ môi trường làng nghề.
 Người lao động tại điểm công nghiệp làng nghề xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên không mấy ai bị thất nghiệp trong những ngày giãn cách xã hội nhưng vẫn bảo vệ được “vùng xanh”
 Theo Bí thư Huyện uỷ Phú Xuyên Lê Ngọc Anh, với thế mạnh là huyện có nhiều làng nghề nổi tiếng nên những năm qua, huyện đặc biệt quan tâm phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Phú Xuyên khoá XXV  ban hành Chương trình số 02-CTr/HU ngày 26/02/2021 đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ, nông nghiệp; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xây dựng NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025; UBND huyện ban hành Đề án “Phát triển CCN, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề của huyện giai đoạn 2021 - 2025”.
“Để phát huy tiềm năng, thế mạnh trong phát triển ngành nghề, từ năm 2011 đến nay, huyện lấy ngày 26/10 là ngày vinh danh làng nghề truyền thống. Đến nay, huyện đã tổ chức 7 lần lễ hội vinh danh làng nghề (3 năm cấp huyện, 4 năm cấp xã). Nhờ có sự quan tâm, coi trọng phát triển làng nghề gắn với du lịch, coi đây là tiềm năng thế mạnh nên đã thu hút được đông đảo du khách đến tham quan, mua sắm sản phẩm làng nghề. Qua đó, năm 2019, huyện được TP công nhận 2 điểm đến du lịch tại thôn Cựu, xã Vân Từ và thôn Ngọ Hạ, xã Chuyên Mỹ ” - Bí thư Huyện uỷ Phú Xuyên Lê Ngọc Anh nhấn mạnh.