Mỗi địa phương một cảnh
Trong những ngày qua, chúng tôi đã đến khảo sát thực tế tại một số làng nghề ở địa bàn chưa từng có ca bệnh mắc Covid-19. Có mặt tại điểm công nghiệp làng nghề xã Vạn Điểm (huyện Thường Tín) những ngày giữa tháng 9/2021, chúng tôi nhận thấy, mới chỉ có khoảng 50/350 công ty, cơ sở sản xuất đồ gỗ hoạt động trở lại, hiếm hoi lắm mới thấy có cơ sở bán lẻ được bộ bàn ghế. Chúng tôi vào thăm cơ sở sản xuất đồ gỗ Hoàng Hà do ông Vũ Hoàng Hà làm chủ. Thấy có nhà báo đến hỏi thăm tình hình sản xuất, buôn bán trong những ngày này, anh Hà rất vui. Thời điểm này, thợ thuyền và các hợp đồng đều ít.
Anh Hà chia sẻ, "nhà báo nhìn kho xưởng thấy đấy, hàng chục bộ bàn ghế, tủ, giường làm xong từ đầu năm chỉ để trưng bày thôi, có khách nào đặt mua đâu, giờ này bán lẻ còn khó, đừng nghĩ đến bán buôn cho khách ở các tỉnh như những năm trước. Mấy hôm nay mở cửa sản xuất trở lại chủ yếu giải quyết công việc tạm thời cho mấy lao động trong xã. Thời điểm này nguyên vật liệu sản xuất đồ gỗ không thiếu nhưng làm ra vừa không tiêu thụ được, vừa lo trả lãi ngân hàng, lo trả lương thợ cộng tiền điện, rất nhọc lắm đấy. Do vậy, trước đây gia đình có 15 thợ làm việc, giờ chỉ lo việc cho vài thợ được thôi. Tầm này chủ yếu làm các sản phẩm để hy vọng bán lẻ vào dịp cuối năm phục vụ Tết".
Vắng lặng không bóng người trong điểm công nghiệp làng nghề đồ gỗ xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín những ngày giữa tháng 9/2021 |
"Nhà báo vào làng nghề đồ gỗ Vạn Điểm nổi tiếng cả nước những ngày này thấy có ảm đạm không?". Chủ tịch UBND xã Vạn Điểm Nguyễn Văn Hà hỏi chúng tôi trước khi chia sẻ: "Toàn xã có 350 công ty, doanh nghiệp cơ sở sản xuất đồ gỗ làm tại điểm công nghiệp làng nghề và hơn 1.000 hộ gia đình làm nghề tại nơi ở bao phủ khắp xã thế mà những này sau khi TP cho phép mở cửa sản xuất trở lại, nhưng đa phần các ông bà chủ đều nghe ngóng xem diễn biến tình hình dịch bệnh thế nào rồi mới tính tiếp. Bởi nếu làm ra sản phẩm rồi không xuất đi được sẽ đọng vốn, tồn hàng, nguy cơ giống thời điểm năm 2011 - 2013 bất động sản, xây dựng bị “đóng băng” kéo theo các lĩnh vực khác cũng bị ảnh hưởng".
Nhừng ngày này, hiếm hoi lắm mới bắt gặp tại điểm công nghiệp làng nghề xã Vạn Điểm bắt gặp hình ảnh cơ sở sản xuất bán được món hàng cho khách |
Rời làng nghề gỗ xã Vạn Điểm chúng tôi đến làng nghề cơ khí xã Đại Thắng (huyện Phú Xuyên). Tại đây lại khác hoàn toàn, 90 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vẫn hoạt động bình thường. Nguyên vật liệu để tạo ra các sản phẩm làng nghề ở đây chủ yếu nhập trong nước, đã được doanh nghiệp, cơ sở sản xuất “đầu cơ” găm hàng từ trước thời điểm dịch bệnh bùng phát, cộng với các sản phẩm sản xuất chủ yếu là inox, thép, sắt hộp để làm khung giường, bàn, ghế, tủ phục vụ cho các trung tâm cách ly y tế thời gian qua, nên sức tiêu thụ sản phẩm lại phù hợp, đúng trúng thời điểm. Nhờ vậy, doanh thu của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở đây không mấy bị ảnh hưởng, bên cạnh đó còn giải quyết việc làm cho lao động.
Đến thăm Công ty CP sản xuất và đầu tư thương mại Đại Thắng, chuyên sản xuất ống thép nội thất cung cấp cho các cơ sở sản xuất trong và ngoài địa phương chuyên làm giường, bàn ghế phục vụ cho các trung tâm cách ly y tế tập trung thời gian qua. Giám đốc công ty ông Vũ Văn Phú cho biết, từ trước cho đến nay công ty có 25 lao động là người trong xã và một số ở tỉnh xa. Ngay những ngày đầu giãn cách xã hội lần này, công ty đã xây dựng, thực hiện kế hoạch, phương án làm việc ba tại chỗ. Đồng thời, nhờ có việc chính quyền địa phương kiểm soát chặt chẽ người ra vào “vùng xanh” cộng với việc các chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, người lao động trong xã đồng lòng thực hiện tốt thông điệp 5K của Bộ Y tế nên quá trình sản xuất không bị ảnh hưởng.
Tuy không bán được hàng nhưng một số chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ xã Vạn Điểm vẫn phải lo việc cho thợ để chuẩn bị "găm" hàng bán dịp cuối năm phục vụ Tết |
Chia sẻ về giải pháp của chính quyền địa phương trong những ngày qua và thời gian tới về việc kiểm soát hoạt động sản xuất làng nghề, Chủ tịch UBND xã Đại Thắng Nguyễn Văn Hoa cho biết, UBND xã sẽ tiếp tục giám sát, kiểm soát tốt công tác phòng chống dịch bệnh. Đối với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn, quá trình người lao động thực hiện công việc phải đảm bảo đúng thông điệp “5K” của Bộ Y tế, thực hiện việc sát khuẩn, đeo khẩu trang, đứng hoặc ngồi phải cách xa nhau... Đặc biệt, nhiều chủ sử dụng lao động đã áp dụng việc nhắc nhở, thậm chí phạt tiền trừ vào lương khi phát hiện lao động không chấp hành thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế, điều này cho thấy sự quyết tâm cao độ của doanh nghiệp trong việc thực hiện “nhiệm vụ kép” thời điểm hiện nay.
Cùng nhau vượt qua khó khăn
Đến thăm làng nghề cơ kim khí xã Thanh Thùy (huyện Thanh Oai), một trong những xã “vùng xanh” nằm liền kề những “vùng đỏ” có tỉnh lộ 427 chạy qua địa phương những ngày này thấy rõ sự nhộn nhịp của làng nghề với tiếng ồn ào của các loại máy cơ kim khí, tiếng cười nói của người lao động. Để giữ được gôn “vùng xanh” trong thời gian qua, lãnh đạo UBND xã Thanh Thùy đã cương quyết yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cơ kim khí nếu không đủ điểu kiện phải dừng mọi hoạt động. Đối với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nếu xây dựng được phương án "ba tại chỗ" hoặc đảm bảo các điều kiện mới được phép sản xuất.
Những mẻ hàng của Công ty CP sản xuất và đầu tư thương mại Đại Thắng, xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên vẫn được liên tục vận chuyển cho khách hàng trong những ngày giữa tháng 9/2021 |
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Thùy Vũ Bá Tình, những ngày qua tại điểm công nghiệp làng nghề xã Thanh Thùy có 28 doanh nghiệp cùng một số cơ sở sản xuất đủ điều kiện mới được phép hoạt động. Đa số các doanh nghiệp thực hiện sản xuất "ba tại chỗ" vì số lượng lao động tại mỗi cơ sở chỉ khoảng 6 - 15 người nên việc bố trí nơi ăn ở cũng không gặp mấy khó khăn. Một số doanh nghiệp khác thực hiện đưa đón người lao động bằng xe ô tô có sự kiểm soát tuyệt đối trong công tác phòng chống dịch, nên cán bộ xã cũng thấy yên tâm. Những ngày tới, khi không còn thực hiện giãn cách xã hội, chính quyền địa phương vẫn sẽ yêu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vẫn phải thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch để bảo vệ “vùng xanh”, duy trì ổn định việc làm.
Bước vào Công ty TNHH một thành viên Trường Ngọ, chúng tôi được ông Lê Văn Giang - Phó Giám đốc công ty dẫn đi thăm quanh nhà xưởng một vòng để cảm nhận được không khí vừa sản xuất vừa phòng chống dịch ở đây. Ông Giang tâm sự, "từ nhiều năm qua đến những ngày này xưởng sản xuất luôn chỉ có 8 công nhân kiểm soát các loại máy cơ kim khí. Do nguyên vật liệu để tạo ra các sản phẩm nhập về cũng thuận tiện, sản phẩm sản xuất ra lại được chính các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong xã mua lại để tạo ra những sản phẩm hoàn chỉnh nên thời gian qua cũng như những ngày tới việc sản xuất ở đây không mấy bị ảnh hưởng. Chỉ sợ nhất, chẳng may xảy ra có ca bệnh mắc Covid-19 là phải đóng cửa điểm công nghiệp làng nghề thôi".
Lao động tại Công ty CP sản xuất và đầu tư thương mại Đại Thắng, xã Đại Thắng miệt mài làm việc trong những ngày này |
Chủ tịch UBND xã La Phù Nguyễn Hữu Khoa chia sẻ, hiện xã có gần 500 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất bánh kẹo và dệt kim đang giải quyết việc làm cho lao động trong và ngoài địa phương với mức thu nhập 6 - 10 triệu đồng/người/tháng. Bất kỳ ai vào đây những ngày này đều thấy rõ hoạt động sản xuất của làng nghề xã La Phù đang dần ổn định trở lại khi dịch Covid-19 vẫn còn nóng ở nhiều nước trên thế giới. Tại đây, những chuyến xe ô tô ra vào xã chở hàng tỏa đi các địa phương trong nước khá nhộn nhịp. Cùng với đó, hình ảnh những người lao động miệt mài với công việc của làng nghề nhưng không quên nhiệm vụ phòng chống dịch bằng việc làm thiết thực cho bản thân là đeo khẩu trang, sử dụng nước sát khuẩn và ngồi xa nhau cũng làm chúng tôi thấy yên tâm hơn.
Người lao động tại điểm công nghiệp làng nghề xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên không mấy ai bị thất nghiệp trong những ngày giãn cách xã hội nhưng vẫn bảo vệ được "vùng xanh" |
Chia sẻ với phóng viên về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản khẳng định, là một trong những huyện có nhiều cụm, điểm công nghiệp và làng nghề giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Do vậy, để doanh nghiệp, người dân thực hiện tốt “nhiệm vụ kép” vừa sản xuất, vừa đảm bảo quy định phòng chống dịch Covid-19 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND TP, UBND huyện đã ban hành kế hoạch thành lập các đoàn kiểm tra. Qua kiểm tra những ngày qua nhận thấy các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn đã trở lại làm việc bình thường, quá trình sản xuất, người lao động thực hiện tốt việc phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, vẫn có doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại các làng nghề còn đang theo dõi xem diễn biến dịch bệnh thời gian tới ra sao rồi mới hoạt động trở lại.