Không có công trình xử lý nước thải
Đến làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng - một làng cổ thuộc huyện Hoài Đức, nổi tiếng với nghề tạc tượng, hoành phi câu đối từ lâu đời. Theo nghệ nhân Nguyễn Viết Thạnh - Chủ tịch Hội làng nghề mỹ nghệ xã Sơn Đồng, đến nay làng nghề có tới hơn 4.000 lao động thường xuyên, với khoảng 500 hộ chuyên sản xuất, thu hút khoảng hơn 1.000 lao động ở các địa phương đến học nghề và làm các công đoạn phụ. Sản phẩm mỹ nghệ truyền thống của làng nghề Sơn Đồng có uy tín và thương hiệu có mặt ở khắp trong nước và ra nước ngoài. Thị phần tác phẩm, sản phẩm tượng, đồ thờ điêu khắc - thếp vàng, bạc truyền thống của làng nghề Sơn Đồng chiếm trên 65% toàn quốc.
Tuy nhiên đi cùng với sự phát triển kinh tế, làng nghề Sơn Đồng đang chịu những ảnh hưởng về môi trường (như tiếng ồn, mùi sơn…) do việc sản xuất mặt hàng truyền thống này nằm trong khu dân cư. Chưa kể, nhiều năm nay hàng nghìn hộ dân nơi đây phải sống trong cảnh ô nhiễm môi trường từ làng nghề lân cận. Con kênh T2 chảy qua địa phận xã Sơn Đồng, mỗi khi vào mùa vụ sản xuất, chế biến nông sản tại xã Minh Khai, Cát Quế, Dương Liễu, nước thải từ các hộ sản xuất miến dong, sắn dây khiến cho nguồn nước bị ô nhiễm và sức khỏe người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Chí Lợi - nguyên Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng chia sẻ, nhằm tránh ô nhiễm khu dân sinh sống, từ năm 2008, địa phương đã có dự án quy hoạch phát triển làng nghề bền vững gắn với du lịch. Tuy nhiên, do vướng mắc ở nhiều khâu, trong đó có việc làng được chuyển về Hà Nội. Dù dự án đã được lập lại, nhưng cho đến nay vẫn chưa được cấp TP phê duyệt.Cách Sơn Đồng không xa là làng nghề Dương Liễu, xã Dương Liễu (huyện Hoài Đức). Hiện toàn xã có gần 70 DN đóng trên địa bàn, cộng thêm hàng trăm hộ gia đình sản xuất và chế biến nông sản thực phẩm nhưng phần lớn không có công trình xử lý nước thải, khí thải đạt quy chuẩn, đã khiến môi trường ô nhiễm. Một nghịch lý của sự phát triển đang diễn ra ở đây là phía sau những căn nhà cao tầng là sự nguy hại của chất thải đang hàng ngày tấn công cuộc sống của người dân. Sự ô nhiễm nguồn nước là mầm mống của nhiều loại bệnh tật. Anh Nguyễn Hải, người dân làng nghề cho hay: “Nhìn xa hơn sẽ thấy sự phát triển đó đang thiếu tính bền vững. Kinh tế có, tiền có nhưng đi kèm với đó là rất nhiều nỗi lo về bệnh tật, môi trường…”.Còn ông Lê Trần Hồng - Trưởng thôn Hòa Hợp, xã Dương Liễu cho biết: “Nhiều năm gần đây số lượng người dân trong thôn mắc ung thư tăng cao, đa số là người trung niên”. Tình trạng ô nhiễm ở Dương Liễu đã diễn ra nhiều năm, chúng tôi đã làm việc với lãnh đạo xã Dương Liễu và huyện Hoài Đức qua nhiều thời kỳ, nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được cải thiện bao nhiêu. Điều đáng nói, đây cũng là tình trạng chung của không ít làng nghề trên địa bàn Hà Nội.Khó ở đâu?Hiện nay, TP Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề. Với tình trạng ô nhiễm nặng nề, mặc dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc để tìm cách xử lý nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân là cơ chế quản lý chồng chéo, từ cấp xã, huyện đến các sở, ngành. Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) là cơ quan có trách nhiệm theo dõi, quản lý chung môi trường tại các làng nghề. Lãnh đạo Tổng cục Môi trường cũng chỉ ra nhiều bất cập, tồn tại trong công tác bảo vệ môi trường. Từ người dân thiếu ý thức, cấp xã thiếu cán bộ phụ trách đến cơ quan quản lý chuyên ngành về môi trường và cơ quan quản lý làng nghề chưa có tiếng nói chung. Cơ quan quản lý môi trường vẫn chỉ dừng lại ở mức độ tuyên truyền, phổ biến (chưa tiến hành kiểm tra quyết liệt, xử lý triệt để). Đó là chưa kể đến thiếu sự đồng thuận, chung sức của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và quản lý làng nghề.
Ông Hoàng Dương Tùng - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, cho hay: “Đó còn chưa kể đến chuyện đùn đẩy trách nhiệm, hay có dự án kiểm soát ô nhiễm về tỉnh mà không có lợi cá nhân thì cán bộ địa phương cũng chẳng mặn mà”.Về thanh, kiểm tra, có hai cơ quan có trách nhiệm trực tiếp xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT) đối với cơ sở trong làng nghề là cơ quan chuyên ngành thanh tra môi trường các cấp và lực lượng cảnh sát môi trường. Tuy nhiên, công tác triển khai thực hiện còn nhiều bất cập. Thứ nhất là do ưu tiên phân bổ nguồn lực, nên thời gian vừa qua, các lực lượng thanh, kiểm tra chủ yếu tập trung vào các nhóm đối tượng sản xuất lớn như khu công nghiệp, cơ sở công nghiệp lớn, cơ sở gây ô nhiễm môi trường lưu vực sông, các cơ sở khai thác khoáng sản và những cơ sở xử lý chất thải, chất thải nguy hại. Thứ hai, đây là nhóm đối tượng không dễ triển khai công tác xử phạt vi phạm hành chính cũng như áp dụng các biện pháp cưỡng chế khắc phục hậu quả.Bà Nguyễn Hoàng Ánh - Phó trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm (Tổng Cục môi trường), cho biết: “Việc xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề thực sự là rất khó khăn. Như tại nhiều diễn đàn, chúng tôi đã khẳng định, để giải quyết ô nhiễm môi trường khu công nghiệp, chúng ta cần 5 - 10 năm thì giải quyết ô nhiễm môi trường làng nghề, chúng ta cần gấp 3 lần thời gian như thế và với một quyết tâm cao độ”.
Về hướng giải pháp, Phó trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm cho rằng, chúng ta vẫn phải nhất quán nguyên tắc là cơ sở phải tự xử lý, giải quyết chất thải do mình thải ra. Nhưng các quy định hiện nay có một sự phân biệt giữa hai nhóm đối tượng: Nhóm thứ nhất: Cơ sở sản xuất thuộc ngành nghề được khuyến khích phát triển (là nhóm sản xuất thủ công, quy mô nhỏ, các ngành nghề chủ yếu là truyền thống...) thì tuân thủ các điều kiện cơ bản tối thiểu nhằm duy trì chất lượng môi trường. Nhóm thứ hai: Các cơ sở còn lại thì phải tuân thủ đầy đủ các trách nhiệm về BVMT như với cơ sở sản xuất khác. Mỗi làng nghề cần có phương án BVMT do xã xây dựng, trình huyện phê duyệt để tổ chức thực hiện. Huyện chịu trách nhiệm phân bổ kinh phí và chỉ đạo việc thực hiện phương án BVMT này. TP có trách nhiệm xác định các làng nghề bị ô nhiễm và đầu tư hạ tầng BVMT, xử lý ô nhiễm cho làng nghề.Trong thời gian tới, để bảo vệ quá trình sản xuất làng nghề, đồng thời giảm thiểu tình trạng ô nhiễm Bộ TN&MT sẽ tăng cường làm việc với các bộ, ngành, địa phương chưa lập kế hoạch thực hiện Đề án BVMT làng nghề, xác định nguyên nhân, đề xuất các biện pháp, giải pháp phù hợp; nỗ lực tìm kiếm, huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế, nhằm triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ đặt ra, đặc biệt là phối hợp với Bộ NN&PTNT đúc rút, xây dựng các mô hình “làng nghề xanh” thân thiện môi trường để phổ biến, nhân rộng; khẩn trương hoàn thiện các công cụ quản lý thông tin; kế hoạch giám sát môi trường; các biện pháp, công nghệ xử lý chất thải phù hợp quy mô hộ gia đình; xây dựng, ban hành hướng dẫn tiêu chí phân loại làng nghề ô nhiễm, làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng để các địa phương áp dụng, nhằm định hướng cho công tác đầu tư kinh phí, xử lý ô nhiễm.