Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lãng phí nhiều khi còn nguy hại hơn tham nhũng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổ đại biểu Quốc hội TP Hà Nội ứng cử tại đơn vị bầu cử số 1 đã tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, trước thềm Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIII.

 Tại đây, rất nhiều vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống đã được cử tri nêu ra.

Đề nghị loại bỏ cán bộ biến chất

Tại các cuộc tiếp xúc, cử tri Thủ đô đã bày tỏ đồng tình cao về quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong phòng chống tham nhũng (PCTN), lãng phí, mang lại niềm tin trong Nhân dân, tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị cần có những cơ chế chặt chẽ hơn nữa. Cử tri Nguyễn Ngọc Hạc (phường Cống Vị, Ba Đình) cho rằng: Nguyên nhân sâu xa của tham nhũng, lãng phí là do một bộ phận cán bộ tha hóa, biến chất. Vì vậy, chống tham nhũng, lãng phí phải làm mạnh hơn nữa, từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới. Tất cả đều không có "vùng cấm" mới loại bỏ được một bộ phận cán bộ tha hóa, biến chất. Cử tri Phạm Quy (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình) bày tỏ: Việc đưa ra xét xử các vụ đại án tham nhũng vừa rồi đã lấy được lòng tin của Nhân dân, nhưng đề nghị phải làm thật nghiêm, kiên quyết, bất kể là ai, đương chức hay nghỉ hưu, chứ nếu tòa cứ mở rồi lại hoãn, bị can, bị hại, nhân chứng… có mặt hoặc không sẽ làm mất sự tôn nghiêm của pháp luật.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các cử tri quận Ba Đình.      Ảnh: Bá Thành
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các cử tri quận Ba Đình. Ảnh: Bá Thành
Cho rằng lãng phí trong đầu tư công đang rất bức xúc, cử tri Nguyễn Kim Sơn (phường Đội Cấn, Ba Đình) đề nghị Quốc hội vào cuộc và có biện pháp xử lý đối với những dự án dễ dàng tăng vốn đầu tư. Nhiều cử tri dẫn chứng, dự án đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh do Bộ GTVT làm chủ đầu tư đội chi phí đầu tư trên 300 triệu USD và đề nghị Quốc hội phải bổ sung vào Dự thảo Luật Đầu tư công các điều khoản nhằm kiểm soát trách nhiệm của các bộ, ngành, nhất là người đứng đầu đối với việc sử dụng tiền ngân sách.

Đồng tình với ý kiến của cử tri về việc PCTN cần phải làm quyết liệt hơn nữa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng: "Đây là vấn đề rất lớn, rất nhức nhối, một trong những vấn đề bức xúc nhất mà dư luận Nhân dân quan tâm. Nhưng đây là công việc không thể nóng vội mà cần có thời gian, tuân thủ đúng quy định của pháp luật". Với việc phòng, chống lãng phí, Tổng Bí thư cũng đồng tình với cử tri, sắp tới cần tiếp tục hoàn thiện các quy định và biện pháp. Bởi lãng phí nhiều khi còn nguy hại hơn cả tham nhũng...

Lời hứa và trách nhiệm

Đề cập tới công tác lập pháp, nhiều cử tri cho rằng: Có những văn bản pháp luật chưa kịp ra đời đã bị dư luận phản bác vì văn bản "như từ trên trời rơi xuống". Cử tri đề nghị, việc xây dựng các văn bản luật phải bảo đảm cụ thể, chặt chẽ, sâu sát hơn với thực tế cuộc sống, tránh tình trạng "lách luật", lợi dụng "kẽ hở" của luật. Quá trình xây dựng luật phải chuẩn bị kỹ hơn, đồng thời tăng cường công tác giám sát, cải tiến công tác chất vấn, tiếp tục rút ngắn hơn thời gian kỳ họp...

Liên quan tới trách nhiệm của các bộ trưởng, cử tri Nguyễn Cao Đức (phường Điện Biên) bày tỏ: "Bộ GD&ĐT đổi mới giáo dục theo kiểu "xây nhà từ nóc". Riêng con số 34.000 tỷ đồng để viết lại chương trình, sách giáo khoa, tôi thấy không có cơ sở nào cả. Trong khi có nhà giáo uy tín đã nói, nếu giao cho họ làm thì chỉ hết 100 tỷ đồng thôi...". Nhiều cử tri cũng đặt vấn đề về trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Y tế khi để dịch sởi bùng phát và cho rằng, Quốc hội, Chính phủ cần xem xét kỹ vấn đề này.

Về những ý kiến của cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, hoạt động của Quốc hội ngày càng công khai, dân chủ, thể hiện thời gian tới, Quốc hội tập trung vào công tác xây dựng pháp luật để thể chế hóa các nội dung mới của Hiến pháp, đồng thời sửa đổi, bổ sung các luật hiện hành cho phù hợp. Tổng Bí thư nhất trí với ý kiến của nhiều cử tri về sự cần thiết đổi mới, cải tiến công tác xây dựng pháp luật, làm sao vừa đáp ứng yêu cầu về số lượng, vừa bảo đảm chất lượng, để luật sau khi ban hành sớm đi vào thực tế cuộc sống. Tổng Bí thư  cho rằng, Quốc hội cần tăng cường công tác giám sát tối cao, bảo đảm thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng, trưởng ngành sau chất vấn.

Về ý kiến của cử tri liên quan đến việc tạm dừng lấy phiếu tín nhiệm, Tổng Bí thư khẳng định, chủ trương lấy phiếu tín nhiệm là đúng đắn, cần phải làm. Qua đợt thực hiện vừa rồi, càng thấy đúng đắn. Song, có một số việc qua thực tế cần phải kịp thời rút kinh nghiệm. Có những nội dung chưa làm chưa bộc lộ ra. Vừa rồi triển khai coi như thí điểm nên cần tổng kết, rút kinh nghiệm....