Làng tò he 300 năm tuổi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày tháng Giêng, trong tiết xuân ấm áp, khắp nơi người dân lại tưng bừng tổ chức lễ hội với những trò chơi dân gian độc đáo.

Những ngày tháng Giêng, trong tiết xuân ấm áp, khắp nơi người dân lại tưng bừng tổ chức lễ hội với những trò chơi dân gian độc đáo. Và, ở một không gian truyền thống nào đó, người ta cũng có thể bắt gặp hình ảnh của những con tò he.

Nặn tò he có nguồn gốc từ làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên. Ở mảnh đất này, tò he không chỉ đơn thuần là một nghề “kiếm cơm”, mà đã trở thành một nét văn hóa nổi danh thiên hạ.

Dân dã mà “có tiếng”

Theo lời kể của các cụ cao niên ở làng Xuân La, nghề nặn tò he làm đồ chơi cho trẻ em đã manh nha từ hơn 300 năm trước. Ban đầu, vào những khi nông nhàn, người dân lấy gạo nếp (đôi khi là gạo tẻ) đem giã thành bột mịn, hấp chín, trộn lẫn với nước màu chiết xuất từ rau, củ, quả tự nhiên để tạo màu như: Lá rau ngót cho màu xanh, quả gấc (màu đỏ), củ cà rốt (màu cam), củ nghệ (màu vàng), củ nghệ đen (màu tím)… Chỉ bằng những nguyên liệu dân dã, dễ kiếm và gần gũi với đời sống, nhưng qua đôi tay khéo léo, tài hoa của người dân làng Xuân La, phút chốc nắm bột dẻo đã trở thành những hình nộm, giống ngộ nghĩnh thu hút ánh nhìn của cả trẻ thơ và người lớn.
Có thể bắt gặp tò he ở rất nhiều lễ hội.
Có thể bắt gặp tò he ở rất nhiều lễ hội.
Ông Chu Tiến Công - Phó Chủ tịch Chi hội di sản làng nghề tò he Xuân La, người đã gắn bó với tò he từ khi lên 7 tuổi chia sẻ, nếu như trước đây các hình mẫu sản phẩm khá đơn giản, thì nay phải không ngừng học hỏi và trau dồi để có thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng đa dạng của con trẻ. Để lưu giữ các sản phẩm tò he trong thời gian dài hơn, đất sét Nhật Bản được sử dụng khá nhiều. Chất liệu này có ưu điểm là không bị nấm mốc, khô vỡ... Tuy nhiên, theo anh Đặng Văn Tiên - một nghệ nhân nặn tò he lâu năm, thì người làng Xuân La chỉ nặn sản phẩm bằng đất sét Nhật Bản theo đơn đặt hàng, còn phần lớn vẫn sử dụng bột nặn bằng gạo nếp truyền thống. Lý do không chỉ bởi chất liệu tự nhiên này an toàn hơn, mà còn bởi không muốn làm mất đi yếu tố truyền thống của nghề nặn tò he do cha ông để lại. Nhiều bậc cao niên trong làng một đời gắn bó với nghề, không hẳn bởi thu nhập, mà vì với họ, chỉ một ngày không động tới đồ nặn là như thấy cuộc sống thiêu thiếu một điều gì đó…

Những năm trước đây, chỉ có người làng Xuân La biết và thích thú với đồ chơi làm bằng bột nặn. Trải qua thời gian, người làng Xuân La đem nghề đi muôn nơi, từ Bắc chí Nam. Từ đó, tò he nhanh chóng trở thành thứ quà quê dân dã mà “có tiếng”, gắn với thời thơ ấu của biết bao thế hệ ở khắp mọi vùng miền.

Nỗ lực giữ nghề

Trong giai đoạn cực thịnh, tò he làng Xuân La đi khắp năm châu và được bạn bè thế giới nồng nhiệt đón nhận. Dù vậy, trong xu thế phát triển với đa dạng các loại hình vui chơi, giải trí dành cho trẻ em hiện nay, việc bảo tồn bộ môn nghệ thuật như nặn tò he đang đứng trước không ít thách thức.

Ông Chu Tiến Công cho biết, để góp phần gìn giữ nghề truyền thống, làng Xuân La đã thành lập Câu lạc bộ Tò he. CLB hiện là nơi sinh hoạt của trên 136 hội viên mà phân nửa trong số đó là những người trẻ dưới 35 tuổi. Hàng tháng, CLB Tò he Xuân La tổ chức các lớp dạy nặn miễn phí cho trẻ em trong làng. Nhiều nghệ nhân tò he làng Xuân La cũng được mời đi biểu diễn và dạy nặn tò he cho những người yêu thích môn nghệ thuật này tại các điểm trường học, viện bảo tàng, hay trong các lễ hội, hội chợ hàng thủ công truyền thống… 

Cùng với đó, ngày 26/10 hàng năm được Nhân dân địa phương chọn là Ngày truyền thống làng nghề tò he Xuân La. Trong ngày này, chính quyền địa phương tổ chức Cuộc thi nặn tò he cho các nghệ nhân trẻ tuổi trong làng. Hoạt động thường niên này thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách thập phương, cũng như những người yêu mến nghệ thuật nặn tò he thuộc mọi lứa tuổi. Hơn cả một cuộc vui, hội thi là dịp để các bậc cao niên, nghệ nhân trong làng nhắc nhở thế hệ con cháu suy nghĩ và có những hành động thiết thực để bảo tồn một loại hình nghệ thuật văn hóa truyền thống quý giá cho muôn đời con cháu mai sau.