Làng Tràng Cát có tổng diện tích trồng lá dong khoảng hơn 20ha, chủ yếu là đất vườn, đất ở của người dân. Giáp Tết Nguyên đán được xem là vựa thu hoạch lá dong lớn nhất trong năm của người dân Tràng Cát.
Gia đình bà Nguyễn Thị Lan có 3 sào đất trồng lá dong. Những ngày này, các thành viên trong gia đình bà đều tạm gác lại công việc khác để tập trung thu hoạch cho kịp thời vụ.
Theo bà Lan, bên cạnh việc bán buôn, bán lẻ cho những người có nhu cầu ở Hà Nội và các tỉnh lân cận, lá dong Tràng Cát còn được xuất khẩu sang nước ngoài nhằm phục vụ nhu cầu của người Việt đang định cư tại đó.
“Nhiều nước trên thế giới có người Việt Nam chúng ta sinh sống. Năm hết Tết đến, họ luôn ghi nhớ, gìn giữ phong tục Tết cổ truyền của dân tộc nên đã đặt mua lá dong gửi sang bên đó để gói bánh”, bà Lan cho biết.
Năm nay, thời tiết rét có nắng xen kẽ giúp cây dong phát triển nhanh và đều. Để thu hoạch, người dân dùng những con dao nhỏ và sắc để cắt từng chiếc lá. Sau đó, tập hợp thành những bó lá lớn, chuyển lên đường để phân loại.
Mỗi ngày, dân làng Tràng Cát cắt khoảng 4000 - 5000 lá dong. Mỗi bó lá dong bán tại vườn có giá 100.000 đồng/100 lá.
Dọc đường làng những ngày này, dễ dàng để bắt gặp hình ảnh người dân phân loại và thương lái đến tận nơi thu mua lá.
Cứ như vậy, sau khi thu hoạch xong, người dân ở đây chỉ cần tỉa rễ, bón phân, chờ vụ mùa tiếp theo. Theo bà Lan, việc trồng lá dong không mất quá nhiều công chăm sóc. Đây cũng là nguồn thu nhập ổn định hằng năm của cho người dân trong làng.
Cây dong ở Tràng Cát là dong nếp. Loại dong này có bầu lá rộng, tròn, mỏng nhưng dai, mặt dưới có màu xanh non, cuống lá dài phối sắc với màu thân lá, dễ phân biệt với loài dong rừng. Dong nếp khi gói bánh chưng sẽ cho màu xanh mướt tự nhiên, rất bắt mắt. Bên cạnh đó, còn giúp tăng thêm hương vị cho mỗi chiếc bánh, giúp bánh thơm, rền.
Lá dong được xem là “linh hồn” của làng Tràng Cát. Người dân nơi đây luôn hy vọng, màu xanh của lá dong sẽ trường tồn với thời gian, gắn với hình ảnh Tết cổ truyền của dân tộc.