Lãnh đạo EU lần đầu nhóm họp bàn cách "kìm" Trung Quốc

Hương Thảo (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc gặp cấp cao trong 2 ngày 21 - 22/3 diễn ra cùng lúc với chuyến công du tới Pháp và Italia của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Giữa một cuộc cạnh tranh mới của Mỹ - Trung về sức mạnh kinh tế và quân sự, Liên minh châu Âu (EU) lần đầu tiên thảo luận ở cấp cao nhất về cách đối phó với sự tiếp cận không rào cản mà DN Trung Quốc đã được hưởng ở châu Âu tại Hội nghị thượng đỉnh ở Brussels.
Lãnh đạo các quốc gia Anh, Pháp, Đức... trong một lần gặp nhau.

"Chúng tôi hoàn toàn cởi mở", Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jyrki Katainen nói về nền kinh tế EU, "nhưng Trung Quốc thì không". Reuters dẫn lời ông Katainen cũng cho biết, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không còn có thể khẳng định vị thế đặc biệt như một quốc gia đang phát triển.
Cuộc gặp cấp cao diễn ra khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang có chuyến công du tới Pháp và Italia, các nhà lãnh đạo EU - những người thường có sự chia rẽ về vấn đề Bắc Kinh dường như muốn cho thấy một tinh thần thống nhất trước Hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Quốc vào ngày 9/4 tới.
Reuters tiết lộ thông tin về một dự thảo tuyên bố của hội nghị tháng 4, cho thấy EU đang tìm cách đưa ra thời hạn để buộc Trung Quốc phải thực hiện tốt các cam kết thương mại và đầu tư đã nhiều lần bị trì hoãn.
Một thông điệp tương tự đã được các bộ trưởng Ngoại giao EU gửi tới Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hồi đầu tuần nay, đánh dấu một sự thay đổi trong "tư duy cạnh tranh". Theo ông Duncan Freeman từ Trung tâm nghiên cứu EU - Trung Quốc tại Đại học châu Âu, EU trước nay đã rất khó khăn trong việc xây dựng một chiến lược rõ ràng về Trung Quốc khi các tài liệu chính sách trong quá khứ không có tính thống nhất về mặt chiến lược. Tuy nhiên trong một tài liệu chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh EU trong 2 ngày 21 - 22/3 này, Ủy ban châu Âu thậm chí đã gọi Trung Quốc là "đối thủ mang tính hệ thống".
Bên cạnh đó, chiến dịch chống lại thiết bị viễn thông Trung Quốc Huawei trong các mạng không dây thế hệ tiếp theo của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phần nào thúc giục các cuộc thảo luận của EU.
Với hơn 1 tỷ Euro/ngày trong thương mại song phương, EU là đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc, trong khi thị trường Trung Quốc chỉ đứng sau Mỹ đối với hàng hóa và dịch vụ châu Âu. Tuy nhiên báo cáo mưới đây của Công ty nghiên cứu Rhodium Group và Viện Mercator cho thấy, các hạn chế thương mại của Trung Quốc đang tỏ ra khắt khe hơn các rào cản của EU trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế.
Và không giống như Mỹ - quốc gia sở hữu một hạm đội hải quân có trụ sở tại Nhật Bản để tạo ra ảnh hưởng đối với khu vực, EU không có bất kỳ sức mạnh quân sự nào để đối đầu với Trung Quốc vì vậy cách tiếp cận của họ là kỹ thuật.
Tuy nhiên theo Reuters, bất kỳ thay đổi chính sách nào của EU sắp tới cũng có thể thiếu tính khả thi, khi nhiều nước thành viên đang khao khát đầu tư của Trung Quốc. Italia có kế hoạch tham gia dự án cơ sở hạ tầng trị giá hàng tỷ USD của Bắc Kinh, trong khi các thương nhân tự do Ireland, Thụy Điển và Hà Lan tỏ ra bất bình với bất kỳ hạn chế nào trong thương mại.
Giữa tình hình này, quan điểm của Đức sẽ rất quan trọng vì Berlin được kỳ vọng có khả năng cao nhất trong việc thúc ép phản ứng cứng rắn hơn của đồng minh trước sự cạnh tranh không lành mạnh bởi các đối thủ Trung Quốc, nhưng mặt khác vẫn duy trì được mối quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần