Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lãnh đạo G20 quyết tâm chống khủng bố

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Diễn ra giữa bối cảnh vụ khủng bố liên hoàn tại Paris ngày 13/11 vẫn đang trong quá trình điều tra, hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã bàn thảo thêm nhiều vấn đề mới bên cạnh những trọng tâm kinh tế như thường lệ.

Chống khủng bố là vấn đề “nóng”

Phiên họp đầu của hội nghị G20 ngày 16/11 đã dành vài phút để tưởng niệm 129 nạn nhân của vụ khủng bố liên hoàn tại thủ đô Paris (Pháp) tối 13/11 cũng như 102 người thiệt mạng tại thủ đô Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) vì vụ đánh bom kép hồi tháng 10.
Lãnh đạo G20 quyết tâm chống khủng bố - Ảnh 1

Tổng thống Nga và Mỹ đã có cuộc gặp bên lề Hội nghị G20

nhằm bàn về cuộc chiến chống khủng bố.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhận định, khủng bố là mối đe dọa an ninh và hòa bình toàn cầu. Với vai trò là một diễn đàn về kinh tế nhưng G20 năm nay đã tập trung dành thêm thời gian bàn thảo về vấn đề chống lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cũng như phương pháp chống khủng bố trên toàn cầu.

Một lần nữa, Tổng thống Australia Malcolm Turnbull cũng khẳng định với Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius sự sẵn sàng hỗ trợ về mọi mặt trong thời điểm khó khăn với nước Pháp này.

Chia sẻ tại hội nghị, Ngoại trưởng Fabius cho biết cuộc tấn công ở Paris là cú sốc đối với toàn nước Pháp. Các lãnh đạo châu Âu tại hội nghị cũng bác bỏ kêu gọi siết chặt luật di cư sau vụ tấn công ở Paris.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cho biết số lượng lớn người di cư từ Syria tới châu Âu nhằm trốn tránh những phần tử khủng bố trong nước, chứ không phải với mục đích trà trộn vào hàng ngũ những phần tử này.

Bàn luận về cuộc khủng hoảng tại Syria, lãnh đạo Mỹ và Nga đã đi tới nhất trí về một “sự chuyển giao chính trị do Syria dẫn dắt và sở hữu” sau một cuộc gặp bên lề giữa Tổng thống Mỹ và người đồng cấp Nga ngày 16/11.

Cụ thể, một giới chức Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Vladimir Putin đã nhất trí về việc Liên Hợp quốc sẽ làm trung gian hòa đàm và một lệnh ngừng bắn để giải quyết cuộc nội chiến Syria đã kéo dài 4 năm qua.

Kinh tế vẫn là trọng tâm

Theo hãng tin Reuters, trong dự thảo tuyên bố, các quốc gia G20 đánh giá tăng trưởng kinh tế toàn cầu kém hơn mong đợi, bất chấp triển vọng tích cực tại một số nền kinh tế lớn.

Nguồn cầu yếu và các vấn đề về cơ cấu vẫn là những nhân tố gây áp lực lên tốc độ tăng trưởng hiện nay cũng như mức tăng trưởng tiềm năng.

Theo đó, các nhà lãnh đạo G20 giữ nguyên mục tiêu thúc đẩy GDP toàn nhóm tăng thêm 2% vào năm 2018.

Kinh tế toàn cầu tăng trưởng không đồng đều, với Mỹ lên kế hoạch tăng lãi suất lần đầu tiên trong vòng gần một thập kỷ vào tháng tới, trong khi đó, hầu như các quốc gia khác, kể cả Trung Quốc, đều đối mặt với tình trạng suy giảm kinh tế.

Trong dự thảo tuyên bố, các quốc gia G20 cũng kêu gọi Mỹ đẩy mạnh tiến trình thông qua chương trình cải tổ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Dự thảo tuyên bố cũng bày tỏ quan ngại về làn sóng các tay súng khủng bố nước ngoài đang gia tăng mạnh mẽ, đe dọa tất cả các quốc gia, đồng thời cam kết sẽ quyết tâm đối phó mối đe dọa này.