Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến và Ủy viên Ban Thường vụ Thành uỷ, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông dự và tham gia trồng cây.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho biết, hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, toàn dân đã thực hiện "Tết trồng cây" đầu tiên trong dịp Tết nguyên đán Canh Tý (năm 1960). Từ đó tới nay, "Tết trồng cây" theo lời Bác đã mang lại lợi ích hết sức to lớn cho đất nước và trở thành việc tốt đẹp của Nhân dân mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Trồng cây đã góp phần quan trọng trong việc chủ động phòng chống thiên tai, điều hoà khí hậu, cải thiện môi trường sinh thái, làm đẹp thêm cảnh quan thiên nhiên, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần Nhân dân.
Đối với huyện Mê Linh, việc trồng, chăm sóc giữ gìn để cây phát triển tốt được thực hiện thường xuyên; nhất là khi mùa Xuân đến, huyện Mê Linh phát động mạnh mẽ phong trào "Tết trồng cây nhớ Bác". Chỉ đạo kịp thời các cơ quan, đơn vị, trường học; các xã, thị trấn... tổ chức trồng cây. Vận động cán bộ, Nhân dân tích cực tham gia trồng cây nơi công sở, các di tích lịch sử, các điểm sinh hoạt văn hoá công cộng và ngay tại vườn nhà.
Trong xây dựng nông thôn mới hiện nay, phong trào trồng nhiều cây, nhiều “tuyến đường nở hoa” đã được người dân hưởng ứng trồng và duy trì chăm sóc đều đặn hàng tuần, hàng tháng. Hàng năm, sau mỗi đợt phát động Tết trồng cây, đã có nhiều ngàn cây xanh, cây hoa, hình thành nhiều tuyến đường hoa được trồng mới, qua đó góp phần cải thiện môi trường xanh, đẹp trên địa bàn huyện.
Để phong trào Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Giáp Thìn năm 2024 đạt kết quả tốt, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh đề nghị các đơn vị của huyện thực hiện tốt Kế hoạch của UBND TP, Kế hoạch của UBND huyện về tổ chức Lễ phát động Tết trồng cây Xuân Giáp Thìn năm 2024 và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Trồng và quản lý cây xanh trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 – 2025 và các năm tiếp theo” nhằm hoàn thành chỉ tiêu Đề án đề ra năm 2024 về số lượng và chủng loại cây, phấn đấu trồng mới số lượng khoảng 26.000 cây.
UBND các xã, thị trấn; các cơ quan, đơn vị cần tích cực chủ động đề ra chỉ tiêu cụ thể về số lượng cây trồng tại đơn vị. Chuẩn bị tốt cây giống, lựa chọn các loại cây phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng; tổ chức Tết trồng cây ở đơn vị, địa phương đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, đảm bảo trồng cây nào sống tốt cây đó.
Các cấp, các ngành phát động mạnh mẽ phong trào trồng cây. Tích cực huy động các nguồn lực về kinh phí, lao động, sự tình nguyện của các tập thể, cá nhân cùng toàn thể Nhân dân tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh. Phát động các phong trào thi đua như: “Ngày Chủ nhật xanh”, “Trồng thêm một cây xanh là thêm một hành động vì môi trường”, “Màu xanh cho tương lai”... để đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham gia, tạo nên phong trào thường xuyên, liên tục, hiệu quả. Đưa nhiệm vụ trồng cây trở thành phong trào thi đua sâu rộng trong cán bộ, hội viên và Nhân dân.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức của người dân trong việc trồng, chăm sóc và bảo vệ cây trồng. Nêu cao ý thức trồng cây quanh năm chứ không chỉ trồng trong dịp Tết Nguyên đán. Cùng với việc trồng cây lấy bóng mát cần trồng thêm những cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho Nhân dân.
Đối với các dự án, các khu đô thị cần thực hiện đúng quy hoạch về hệ thống cây xanh, tỷ lệ cây xanh trong các công trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; xây dựng công viên xanh nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển đô thị theo hướng bền vững, đảm bảo không gian sống xanh - sạch - đẹp.