Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Trung Nhân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần 100 doanh nghiệp đã tham dự Hội nghị đối thoại với Doanh nghiệp lần I năm 2023 do UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức.

Kinh tế tăng trưởng tốt

Ngày 16/8, UBND tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức Hội nghị đối thoại với Doanh nghiệp lần I năm 2023. Tham dự có Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Hoàng, lãnh đạo các sở, ngành và gần 100 tham dự viên là đại diện các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn.

ông Châu Ngô Anh Nhân – Giám đốc Sở KHĐT thông báo về tình hình giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp. Ảnh: Trung Nhân.
ông Châu Ngô Anh Nhân – Giám đốc Sở KHĐT thông báo về tình hình giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp. Ảnh: Trung Nhân.

Tại hội nghị, ông Châu Ngô Anh Nhân – Giám đốc Sở Kế hoach và Đầu tư (Sơ KH&ĐT) tỉnh Khánh Hòa cho biết, từ đầu năm 2023 đến ngày 07/8, có 1.226 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 8,5% so với cùng kỳ năm trước, với tổng số vốn đăng ký là 7.227 tỷ đồng.

Cùng với đó, doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 613 doanh nghiệp, giảm 36% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động là 1.365 doanh nghiệp, tăng 2,6%. Số lượng doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 186 doanh nghiệp, giảm 13%.

Đồng thời, Khánh Hòa thu hút mới được 8 dự án đầu tư ngoài ngân sách với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 4.077,6 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong 7 tháng năm 2023, Sở KH&ĐT tổng hợp tổng cộng được 99 nội dung kiến nghị của doanh nghiệp và các cơ quan, đơn vị. Số kiến nghị của doanh nghiệp tổng hợp từ các sở, ban ngành là 86 kiến nghị.

Theo đó, có 63 kiến nghị đã được giải quyết, còn 23 kiến nghị của doanh nghiệp đang được các sở, ban, ngành phối hợp giải quyết và tiếp tục theo dõi liên quan đến nộp tiền thuế, gia hạn quyền sử dụng đất, chờ quy hoạch vùng, địa phương và các cơ chế, chính sách theo quy định của pháp luật.

Ông Châu Ngô Anh Nhân cũng cho biết, hàng tháng, Sở KH&ĐT tổng hợp kết quả thực hiện giải quyết các kiến nghị, khó khăn và vướng mắc cho doanh nghiệp của các sở, ngành, báo cáo UBND tỉnh theo định kỳ.

UBND tỉnh cũng đã có các chỉ đạo kịp thời đôn đốc các sở, ban, ngành và địa phương thực hiện tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp (Công văn số 2470/UBND-KT ngày 17/3/2023).

Đại diện các doanh nghiệp phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Trung Nhân.
Đại diện các doanh nghiệp phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Trung Nhân.

Giám đốc Sở KH&ĐT thông tin, về các giải pháp tháo gõ khó khăn cho các doanh nghiệp, ngoài quyết định, nghị quyết từ Trung ương đến địa phương còn có các chính sách miễn giảm thuế, tiền thuê đất…

Các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã cho vay hỗ trợ lãi suất (HTLS) đối với 15 khách hàng doanh nghiệp (trong đó 01 khách hàng đã trả hết nợ vay), dư nợ được HTLS là 443,52 tỷ đồng, doanh số HTLS là 1.323,26 tỷ đồng, số tiền lãi đã hỗ trợ là 3,95 tỷ đồng.

Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 là 23 tỷ đồng với tổng số tiền đã giải ngân lũy kế trong thời gian thực hiện HTLS là 1.818 tỷ đồng.

Đồng thời, cho vay mới 147.042 tỷ đồng, miễn, giảm lãi, giảm lãi suất vay vốn cho 24.566 lượt khách hàng, số tiền được miễn, giảm 516,15 tỷ đồng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 5.636 khách hàng, với tổng giá trị nợ được cơ cấu là 14.004 tỷ đồng.

Cho vay người sử dụng lao động trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Chính phủ tổng cộng 21 khách hàng, trả lương ngừng việc, phục hồi sản suất cho 3.526 lao động, tổng số tiền 12,062 tỷ đồng.

Vẫn còn nhiều thách thức

Theo ThS. Đặng Thị Thu Nguyệt – Trưởng Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Khánh Hòa, trước bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động, các doanh nghiệp cả nước và Khánh Hòa nói riêng đang đối mặt với nhiều thách thức mới.

Trong đó có 3 thách thức lớn là thị trường; dòng tiền và thủ tục hành chính trong giải quyết các vấn đề doanh nghiệp. Nhất là sự sụt giảm và đứt gãy đơn hàng đang trầm trọng, doanh nghiệp còn phải đối diện với các vấn đề cạnh tranh về giá xuống đánh, chi phí đầu vào tăng, lãi suất vay cao.

Các doanh nghiệp tại Khánh Hòa vẫn đối mặt với nhiều thách thức về vốn và thủ tục hành chính. Ảnh: Trung Nhân.
Các doanh nghiệp tại Khánh Hòa vẫn đối mặt với nhiều thách thức về vốn và thủ tục hành chính. Ảnh: Trung Nhân.

Bà Đặng Thị Thu Nguyệt cho biết, theo phản ánh của một số doanh nghiệp lớn trong tỉnh Khánh Hòa, doanh nghiệp phải cố gồng gánh, xoay xở để duy trì việc làm cho người lao động, những gói hỗ trợ về vốn vay lãi suất thấp, chính sách ưu đãi, hỗ trợ theo ghị quyết số 11/NQ-CP thì doanh nghiệp khó tiếp cận… 

Theo đó, Trưởng đại diện VCCI tại Khánh Hòa đề xuất đối với chính quyền địa phương cần tạo đột phá trong cải cách hành chính, trong điều hành, cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và thông thoáng cho các doanh nghiệp địa phương;

Duy trì và phát triển mô hình cà phê doanh nhân; tăng cường đối thoại giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc theo lĩnh vực chuyên ngành; thực thi hiệu quả Chương trình hành động của Ban chỉ đạo xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp, Cổng thông tin xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa. Xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hệ sinh thái chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…

Đồng thời, thúc đẩy và thực thi các chương trình hành động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa về chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và tăng cường các chương trình xúc tiến thương mại – đầu tư; kết nối thị trường trong và ngoài nước, liên kết phát triển kinh tế vùng…

Ông Lê Hữu Hoàng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Trung Nhân.
Ông Lê Hữu Hoàng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Trung Nhân.

Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp đã nêu các vấn đề về đầu tư ngoài ngân sách, tháo gỡ thị trường BĐS, các dự án đất công vướng đấu thầu đấu giá; các khách sạn đã được cấp phép và hoạt động ổn định trong nhiều năm nhưng bị vướng quy định PCCC mới, liên quan đến tiền thuê đất hằng năm và các dự án bị vướng quy hoạch…

Sau khi lắng nghe những trình bày, kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp và phản hồi của lãnh đạo Sở ngành, ông Lê Hữu Hoàng ghi nhận và đánh giá cao những chia sẻ, đồng hành vượt khó của các doanh nghiệp, góp phần vào thành công trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế của tỉnh thời gian qua.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị các sở, ngành, địa phương trong tỉnh lắng nghe, tiếp nhận và xem xét giải quyết kịp thời các kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư; đề xuất những giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh…

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyến Tấn Tuân khẳng định lãnh đạo tỉnh sẽ luôn ủng hộ và đồng hành với các doanh nghiệp. Ảnh: Trung Nhân.
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyến Tấn Tuân khẳng định lãnh đạo tỉnh sẽ luôn ủng hộ và đồng hành với các doanh nghiệp. Ảnh: Trung Nhân.

Đúc kết hội nghị, ông Nguyễn Tấn Tuân cho biết, lãnh đạo tỉnh và các sở, ban ngành, địa phương luôn lắng nghe, tiếp nhận và xem xét giải quyết kịp thời các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, nhà đầu tư, không để xảy ra tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu, phiền hà cho doanh nghiệp…

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cũng khẳng định lãnh đạo tỉnh sẽ luôn ủng hộ và đồng hành với các doanh nghiệp, sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp ổn định, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Vì vậy, trong quá trình hoạt động, SXKD và đầu tư, nếu phát sinh những khó khăn vướng mắc cần sự tháo gỡ, đề nghị quý doanh nghiệp chủ động gửi văn bản cho các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết, đồng thời gửi Sở KH&ĐT để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.