Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên phát biểu chào mừng các kiều bào tham gia buổi gặp mặt |
Trước những khó khăn, thách thức trên, TP Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục nỗ lực không ngừng để đảm bảo mục tiêu kép là duy trì thành quả đã đạt được trong phòng chống dịch Covid-19, đồng thời phục hồi, phát triển kinh tế. Để thực hiện được mục tiêu kép này, nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt là chuyển đổi số.
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên khẳng định, chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp Việt, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn.
TP Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, văn hóa - xã hội, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của Việt Nam, dân số TP có khoảng gần 10 triệu dân nhưng đóng góp 24% GDP cho cả nước. Sự phát triển của TP Hồ Chí Minh cả về quy mô, tốc độ đều có ảnh hưởng trực tiếp và rất lớn đến phát triển kinh tế của cả nước và cũng là địa phương đi đầu trong thực hiện, triển khai các chính sách của cả nước. Với ý nghĩa đó ngày 3/7, TP Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 2393/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số của TP Hồ Chí Minh, điều này thể hiện cam kết của TP là địa phương đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số của cả nước.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài Lương Thanh Nghị, cộng đồng kiều bào đang ngày càng lớn mạnh, hiện có 5,3 triệu người, sinh sống và làm việc tại 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với tinh thần tự hào và tự tôn dân tộc, bà con luôn hướng về tổ quốc, đóng góp vào xây dựng bảo vệ đất nước... Tiềm lực về khoa học công nghệ, tài chính trong cộng đồng kiều bào là rất lớn. Vấn đề hiện nay là làm thế nào phát huy tiềm lực đó để xây dựng đất nước.
Trong 5 năm qua, Việt Nam nằm trong top nhận kiều hối. Năm 2019, lượng kiều hối đạt 17 tỷ USD chiếm khoảng 7% GDP. Tổng lượng kiều hối từ trước đến nay đã lên đến hơn 100 tỷ USD. Trước đây kiều hối chuyển về cho gia đình, thân nhân ở Việt Nam chủ yếu dùng vào mục đích tiết kiệm thì nay kiều hối đã được đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Việt Nam hiện có 3.000 doanh nghiệp của kiều bào đang hoạt động với tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD, tạo ra rất nhiều việc làm.
"Về tiềm lực khoa học công nghệ, trong cộng đồng kiều báo có 500 - 600.000 nhà khoa học, kỹ sư. Ngay tại thung lũng Silicon lừng danh của Mỹ, cũng có hàng ngàn kỹ sư, nhà khoa học kiều bào làm việc. Hiện tại có khoảng 500 nhà khoa học là kiều bào hàng năm vẫn về nước làm cố vấn, giảng dạy cho các trường đại học lớn ở Việt Nam...", ông Lương Thanh Nghị cho biết thêm.
Lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Hồ Chí Minh gặp gỡ các kiều bào tiêu biểu sáng 29/10. |