Áp mức sàn khuyến mại
Lành mạnh môi trường kinh doanh
Kinhtedothi - Quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng càng đòi hỏi vai trò quản lý Nhà nước để bình ổn thị trường, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh. Vì vậy, việc giữ lại mức trần khuyến mại hàng hóa 50% là phù hợp, đồng thời là một công cụ của Nhà nước để điều tiết thị trường.
Hết thời “sale sập sàn”
Trong thời gian qua, người tiêu dùng đã quá quen với các cụm từ “sale sập sàn”, “sale 90% giá bán”, “giảm giá hủy diệt”… Ngoài thị trường truyền thống, các chiêu giảm giá sâu để hút khách cũng nở rộ trên các phiên livestream, sàn thương mại điện tử, khiến khách hàng không khỏi hoài nghi. Đáng chú ý, các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc đổ bộ vào thị trường Việt Nam như Temu, Taobao, 1688 còn tung các chương trình giảm giá lên đến 80 - 90%.

Người dân mua sắm tại Trung tâm thương mại Vincom Bà Triệu. Ảnh: Phạm Hùng
Tuy nhiên từ 1/7, các chương trình giảm sâu - giảm sốc trong kinh doanh phải vào khuôn khổ khi Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 39/2025/TT-BCT quy định hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại. Theo đó, Bộ Công Thương quy định, giá trị vật chất dùng để khuyến mại không được vượt quá 50% giá bán của hàng hóa, dịch vụ ngay trước thời điểm khuyến mại. Tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại trong một chương trình cũng không được vượt quá 50% tổng giá trị của hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại.
Với chương trình khuyến mại tập trung do Nhà nước tổ chức, hạn mức này bị giới hạn còn 10%. Mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ thông thường cũng được siết lại ở mức 50%. Các chương trình khuyến mại tập trung theo quyết định của cơ quan cấp T.Ư hoặc các dịp lễ, Tết quy định trong Bộ luật Lao động có thể áp dụng mức giảm lên tới 100%. Một số trường hợp được miễn trừ hạn mức giảm giá gồm: hàng hóa thuộc chương trình bình ổn giá, thực phẩm tươi sống hoặc khi DN giải thể, phá sản, thay đổi địa điểm hay ngành nghề kinh doanh.
Quy định này đang nhận nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu giữ giới hạn trần khuyến mại 50% là Nhà nước đang can thiệp quá sâu vào quyền định đoạt giá - yếu tố cốt lõi của thị trường. Quản lý bằng giới hạn là tư duy của nền kinh tế mệnh lệnh. Đặc biệt, trong bối cảnh tiêu dùng còn khó khăn, việc khuyến mại sâu, linh hoạt là cách để tạo lực cầu và kích hoạt chuỗi cung ứng.
Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trần khuyến mại này đang hạn chế quyền tự chủ kinh doanh của DN, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế số và thương mại điện tử phát triển nhanh, nhu cầu sáng tạo ngày càng lớn. Việc phải xin phép hoặc đối chiếu tỷ lệ khuyến mại theo quy định hành chính khiến nhiều DN nhỏ gặp khó, thậm chí phải lách luật để tồn tại. Do đó, VCCI đề xuất bỏ giới hạn khuyến mại 50%, chuyển hoàn toàn sang cơ chế hậu kiểm, tức là không yêu cầu đăng ký, không giới hạn mức khuyến mại, nhưng giám sát thông qua Luật Cạnh tranh, Luật Bảo vệ người tiêu dùng và hệ thống pháp luật chuyên ngành.
Trích dẫn
Nếu nói về kinh tế thị trường có nhiều khía cạnh, nhưng để bảo đảm cho thị trường ổn định, chúng ta phải chấp nhận vai trò quản lý của Nhà nước trong điều tiết thị trường. Nếu thả tự do, thị trường tự phát, hoang sơ sẽ dẫn tới tình trạng “cá lớn nuốt cá bé”, cạnh tranh không lành mạnh, thao túng thị trường.
Dưới góc nhìn chuyên gia kinh tế, TS Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng, việc tham gia của các công ty đa quốc gia vào Việt Nam ngày càng nhiều. Thực tế đó đặt ra yêu cầu của quản lý Nhà nước để bình ổn thị trường, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh. Việc giữ lại mức trần khuyến mại cũng là một công cụ của Nhà nước để bảo đảm điều tiết, bảo đảm thị trường công bằng.
Không thể thiếu bàn tay quản lý Nhà nước
Với DN, các chương trình khuyến mại là dịp để thu hút khách hàng, tăng lượng tiêu thụ hàng hóa, thúc đẩy doanh thu. Còn với người tiêu dùng, khi các thương hiệu, nhãn hàng giảm giá sản phẩm là cơ hội được mua hàng hóa giá rẻ, giúp tiết kiệm chi tiêu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, bên cạnh những hệ thống siêu thị lớn, những nhãn hàng uy tín, hiện có không ít DN lợi dụng mánh khóe khuyến mại “ảo” để bán hàng kém chất lượng, hoặc tuồn hàng lỗi ra thị trường. Trong khi đó, chất lượng khuyến mại, hàng hóa khuyến mại có bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng hay không vẫn chưa được kiểm soát triệt để. Đáng nói, việc DN lạm dụng khuyến mại còn dẫn đến hiện tượng phá giá, thao túng thị trường và cạnh tranh không lành mạnh.
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, việc áp mức trần khuyến mại 50% là phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Đây là bước tiến quan trọng trong pháp luật quy định về tỷ lệ bán hàng khuyến mại, xúc tiến thương mại. Theo ông Lạng, thực tế, DN có thể sử dụng khuyến mại để đẩy hàng hóa tồn kho, tuy nhiên cũng có trường hợp dùng cách giảm giá sâu để cạnh tranh với đối thủ. Đặc biệt, trong bối cảnh chúng ta ở cạnh Trung Quốc - quốc gia có thị trường hàng hóa sản xuất với giá rất rẻ, nếu không có quy định về mức trần khuyến mại, chắc chẵn DN trong nước sẽ không cạnh tranh được. Không ít tập đoàn với tiềm lực kinh tế lớn đã đưa ra nhiều mức khuyến mại, giảm giá sâu để chiếm lĩnh thị trường làm ảnh hưởng đến các DN nhỏ. Hay thông qua các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, hàng hóa Trung Quốc giá rẻ với mức giảm 80 - 90% đã đổ bộ vào Việt Nam, khiến nhiều DN trong nước lao đao.
Chia sẻ về kinh nghiệm quản lý khuyến mại hàng hóa ở các nước trên thế giới, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng cho biết, Mỹ là quốc gia thông thoáng về tự do thương mại, hay ở EU có tự do hóa thương mại cao nhưng Chính phủ vẫn có sự can thiệp vào giá bán để bảo đảm sự cạnh tranh bình đẳng cho DN. Trong khu vực Đông Nam Á, nhiều nước cũng quy định mức trần này. Ví dụ, Indonesia quy định áp dụng giá trần, giá sàn khác nhau đối với dịch vụ taxi, phụ thuộc nhu cầu đi lại và mật độ dân số từng hòn đảo. Cũng có một số quốc gia quy định hạn mức cho phép giảm giá hoặc hạn mức khuyến mại lớn hơn 50%, như ở Singapore, các mặt hàng có thể giảm tới 70%. Trên cơ sở đó, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng khuyến nghị, cần có mức trần khuyến mại, nhưng trong trường hợp đặc biệt cũng nên có các quy định riêng, linh hoạt. Cụ thể, có cơ chế riêng cho những DN thua lỗ triền miên, hàng hóa tồn nhiều, hoặc trong giai đoạn thiên tai, dịch bệnh… có thể bổ sung thêm nâng mức trần khuyến mại.
Còn theo TS Lê Quốc Phương, khuyến mại là hoạt động tất yếu của DN để tạo ra tệp khách hàng, đưa sản phẩm mới đến với thị trường, thúc đẩy hàng tồn. Nếu cho trần khuyến mại cao thì người tiêu dùng được lợi, DN bán được nhiều hàng, song lại dẫn đến tình trạng cạnh tranh không công bằng, lành mạnh. Vì vậy, mức trần khuyến mại 50% là phù hợp trong bối cảnh nền kinh tế thị trường hiện nay. Trong đó, Nhà nước nên phân chia các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau sẽ tương ứng với các mức trần khuyến mại khác nhau. Vì nhóm sản phẩm tiêu dùng khác nhóm sản phẩm công nghiệp, xây dựng; nhóm sản phẩm kê khai giá khác nhóm không phải kê khai giá... Đặc biệt, phải minh bạch hóa cơ cấu về giá khi DN đưa hàng hóa ra thị trường với mức thấp. Đối với DN, cũng cần có chiến lược đặt mức giá phù hợp, không nên chênh lệch quá lớn so với giá sàn trên thị trường.
Trích dẫn
Trong giai đoạn hiện nay, quy định mức trần khuyến mại hàng hóa 50% là hợp lý. Cần có cơ chế thưởng phạt công minh. Với những DN khó khăn đặc biệt thì có những quy định bổ sung về mức sàn khuyến mại, còn với những DN lợi dụng hành vi thao túng thị trường cần có mức xử lý phù hợp.

Siêu thị khuyến mãi "khủng" đón Tết
Kinhtedothi- Nhằm hỗ trợ người tiêu dùng có một cái một cái Tết đủ đầy, hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội tổ chức nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá đến 50% cho các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.

Mùa mua sắm, người dùng có cơ hội mua hàng khuyến mãi giảm giá đến 100%
Kinhtedothi - Doanh nghiệp có thể khuyến mại đến 100%... Đó là thông tin tại Lễ phát động Chương trình “Khuyến mại tập trung quốc gia 2024 - Vietnam Grand Sale 2024” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 2/12/2024, tại Hà Nội.

Siêu thị khuyến mãi khủng, không lo thiếu hàng
Kinhtedothi- Phục vụ nhu cầu mua bán của người dân, nhất là thời điểm siêu bão số 3 đang đổ bộ vào đất liền, hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội đang liên kết với các nhà sản xuất tổ chức chương trình khuyến mại, giảm giá.