Cụ thể, tại huyện Bảo Yên thực hiện trồng mới 23.600 cây phân tán, tương đương 118 km trên các tuyến Quốc lộ 70, đường tỉnh 160, đường huyện và đường liên thôn, trong đó:
Dọc bên Quốc lộ 70 trồng 6.000 cây (30 km đường) và trên tuyến đường tỉnh 160 trồng mới 1.000 cây (05 km đường) với các loài Lát hoa, Kèn hồng, Phong linh; Tuyến đường huyện vào các xã trồng mới 2.600 cây Lát hoa, Giổi, Kèn hồng (13 km đường); Trồng mới 14.000 cây Lát hoa, Giổi, Xoan, Trẩu... (13 km đường) trên các tuyến đường liên thôn.
Trên địa bàn huyện Si Ma Cai thực hiện trồng mới 15.000 cây phân tán, tương đương 75 km trên các tuyến đường huyện, liên xã, liên thôn, trong đó: tuyến đường huyện, liên xã trồng mới 9.700 cây (50 km đường), trồng các loài cây Lát hoa, Phong linh, Kèn hồng, Phong lá đỏ, Trẩu, Gạo. Tuyến đường liên thôn trồng mới 5.300 cây Lát hoa, Trẩu, Gạo (25 km đường).
Triển khai trồng 01 hàng cây hoặc nhiều hàng để phù hợp với khoảng trống, quy hoạch và quỹ đất hiện có của từng khu vực, từng vị trí của tuyến đường và đảm bảo các quy định hiện hành, đảm bảo an toàn hành lang giao thông đường bộ.
Hàng cây sau khi trồng có phương án chăm sóc, bảo vệ, quản lý, giao trách nhiệm cụ thể cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình.
Thông qua đó hình thành hệ thống cây xanh ven đường, cây cảnh quan dọc các tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện; điều hòa khí hậu tại khu vực; làm giảm tiếng ồn, giúp cho không khí trong lành, môi trường bớt độc hại, chống ô nhiễm; góp phần bảo vệ các công trình giao thông và tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp trên các tuyến đường cũng như tại các khu du lịch, khu di tích lịch sử thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.
Tổng kinh phí thực hiện dự án tại 02 huyện trong năm 2024 là hơn 3,5 tỷ đồng; từ nguồn Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, xã hội hóa và nguồn vốn hợp pháp khác.