Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lão nông miền Tây dành hết tiền bán lúa mua giường cổ 200 triệu đồng

Hồng Thắm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù làm nông khá vất vả và mới "phất lên" với nghề trồng bưởi Năm Roi, nhưng với niềm đam mê đồ cổ, ông Nguyễn Văn Chẳng sẵn sàng chi 200 triệu mua giường cổ; được trả giá mua lại gấp 3, ông vẫn không bán.

Đến chợ Mỹ Hòa (thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long), hỏi đường đến nhà ông Nguyễn Văn Chẳng chơi đồ cổ thì hầu như ai cũng biết. Người dân địa phương hay gọi ông với biệt danh "Tám Chẳng đồ cổ" do ông đã dành hơn 40 sưu tầm hàng trăm món đồ cổ.

Theo lời chỉ dẫn của người dân, phóng viên đã tìm đến nhà ông Tám Chẳng đồ cổ. Mới đến cổng nhà ông, chúng tôi đã rất ấn tượng với lối bày trí căn nhà từ sân vườn đến vào trong đều đậm nét Nam bộ xưa.

Phía trước căn nhà đậm chất Nam bộ xưa của ông Tám Chẳng đồ cổ. Ảnh Hồng Thắm
Phía trước căn nhà đậm chất Nam bộ xưa của ông Tám Chẳng đồ cổ. Ảnh Hồng Thắm

Phía trước nhà, ông Chẳng dành không gian khoảng 40m2, được xây theo kiểu nhà xưa để trưng bày. Từ bàn, ghế, tấm hoành; chén, bát, kỷ trà, khay, đồng hồ; hàng loạt đồng xu, tiền của các nước trên thế giới có tuổi đời từ vài chục năm đến hơn 100 năm tuổi, được ông bố trí hợp lý, tăng tính thẩm mỹ. 

Lão nông miền Tây dành hết tiền bán lúa mua giường cổ 200 triệu đồng - Ảnh 1
Ông Nguyễn Văn Chẳng bên những "báu vật" của mình. Ảnh Hồng Thắm
Ông Nguyễn Văn Chẳng bên những "báu vật" của mình. Ảnh Hồng Thắm

Kể về những ngày đầu mới sưu tập đồ cổ, ông Tám Chẳng nói: "Từ năm 31 tuổi, tôi có niềm đam mê sưu tầm đồ xưa, đồ cổ để trưng bày trong nhà.  Khi đó, tôi vừa lập gia đình, cuộc sống lúc ấy còn nhiều khó khăn, không có tiền mua đồ cổ nên tôi chỉ biết nhặt từng con sò hay mảnh sành vỡ lúc đào mương rồi mang về để trong hộp tìm tòi, nghiên cứu. Qua hơn 40 năm, số đồ tôi sưu tầm lên đến hàng trăm món".

Lão nông miền Tây dành hết tiền bán lúa mua giường cổ 200 triệu đồng - Ảnh 2
Chiếc giường cổ cẩn xà cừ quý hiếm được ông Chẳng mua từ tỉnh Bến Tre mang về, dù được trả gấp 3 lần nhưng ông vẫn không bán lại. Ảnh Hồng Thắm
Chiếc giường cổ cẩn xà cừ quý hiếm được ông Chẳng mua từ tỉnh Bến Tre mang về, dù được trả gấp 3 lần nhưng ông vẫn không bán lại. Ảnh Hồng Thắm

"Để có tiền chơi đồ cổ, vợ chồng tôi phải làm việc cật lực suốt mấy chục năm qua, từ làm lúa đến trồng bưởi. Với tôi, muốn thực hiện được đam mê thì điều trước tiên phải ổn định về kinh tế. Ngoài việc chăm lo cuộc sống gia đình, tôi dành riêng một khoảng tiền nhỏ để dùng mua đồ cổ.", ông Tám Chẳng bày tỏ.

Sau hơn 40 năm sưu tập, đến nay, ông Chẳng có hàng ngàn đồ cổ, đồ xưa các loại, như: tiền, đồ sành, đồ đồng, tủ, bàn, ghế, giường cẩn xà cừ… từ vài chục năm đến trên 100 năm tuổi. Ảnh Hồng Thắm 
Sau hơn 40 năm sưu tập, đến nay, ông Chẳng có hàng ngàn đồ cổ, đồ xưa các loại, như: tiền, đồ sành, đồ đồng, tủ, bàn, ghế, giường cẩn xà cừ… từ vài chục năm đến trên 100 năm tuổi. Ảnh Hồng Thắm 

Nổi bật trong các đồ cổ ông Tám Chẳng sưu tập, có chiếc giường cổ được mua với giá 200 triệu đồng. Kể quá trình tìm đến chiếc giường này, ông Tám nói: “Hơn 20 năm trước, tôi nghe người ta kêu bán chiếc giường cổ từng là sở hữu của gia đình ông Hương Cả ở Bến Tre. Tôi đã tìm đến nơi xem và quyết định mua bằng được chiếc giường này."

Tấm hoành gỗ ông Chẳng mua hồi năm 2000 với giá 20 triệu đồng. Để mua được bức hoành này, ông Chẳng phải chiết bán 1.000 nhánh bưởi để có tiền mua. Ảnh Hồng Thắm
Tấm hoành gỗ ông Chẳng mua hồi năm 2000 với giá 20 triệu đồng. Để mua được bức hoành này, ông Chẳng phải chiết bán 1.000 nhánh bưởi để có tiền mua. Ảnh Hồng Thắm

Theo ông Tám, chiếc giường cao khoảng 2,5m, rộng gần 2m, màu nâu đen, toàn bộ giường được làm bằng gỗ quý, khảm xà cừ với nhiều hoa văn tinh xảo. Chiếc giường có kiểu dáng giống với 2 chiếc giường 'trái cực' của Công tử Bạc Liêu.

Lão nông miền Tây dành hết tiền bán lúa mua giường cổ 200 triệu đồng - Ảnh 3

"Tìm hiểu kĩ về chiếc giường xong, tôi đã quyết định mua với giá 200 triệu đồng. Nghĩ lại thấy lúc đó mình cũng "chịu chơi", bán nghìn giạ lúa mới đủ tiền mua được chiếc giường. Sau này, có người đến ngỏ ý mua lại chiếc giường với giá 600 triệu đồng nhưng tôi nhất quyết không bán”, ông nói. 

Gần đây, một resort lớn ở TP Cần Thơ thường xuyên tổ chức đưa khách ngoại quốc đi tham quan miệt vườn Mỹ Hòa và ghé nhà ông Tám Chẳng để thăm cổ vật, thưởng thức trái cây trong vườn. Theo ông Tám Chằng, khách ngoại quốc thích căn nhà cổ này, vì đến đây họ được hiểu hơn về văn hóa, con người Nam bộ qua các thời kì.